UỶ BAN KINH TẾ TOẠ ĐÀM VỀ KINH NGHIỆM TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN ĐỐI TÁC CÔNG - TƯ TẠI HÀN QUỐC

01/10/2019

Chiều ngày 30/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức tọa đàm Trao đổi kinh nghiệm trong triển khai các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) tại Hàn Quốc. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên chủ trì.

Để chuẩn bị trình QH dự thảo Luật PPP vào Kỳ họp thứ Tám tới, tháng 8 vừa qua, Ủy ban Kinh tế đã họp phiên toàn thể thẩm tra báo cáo của Chính phủ về dự thảo Luật. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho biết, liên tiếp trong 5 tuần gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều ý kiến chuyên gia phát biểu về các vấn đề được nêu ra trong dự thảo. Trong đó đa phần tập trung vào sự quan ngại với cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa cơ quan chủ quản dự án với các nhà đầu tư; việc sử dụng vốn nhà nước trong hỗ trợ các dự án PPP cũng như bày tỏ quan ngại với cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thẩm định, thông qua sự cần thiết và triển khai dự án, tổng mức đầu tư dự án. Trên cơ sở các quan ngại của chuyên gia và dư luận xã hội, Ủy ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra dự luật) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật) đã “đặt hàng” Công ty Luật Kim & Chang (Hàn Quốc) giới thiệu kinh nghiệm trong triển khai các dự án PPP tại Hàn Quốc trong 30 năm qua.

Theo đại diện Công ty Luật Kim & Chang, Luật PPP được Hàn Quốc ban hành tháng 8.1994. Trong 25 năm qua, có 651 dự án được thực hiện với số vốn 1.000 tỷ won, tương đương khoảng gần 100 tỷ USD, chủ yếu trong xây dựng đường cao tốc và đường sắt (chiếm 98%). Trong quá trình thực hiện dự án PPP, đại diện Công ty Luật Kim & Chang cho rằng, có hai nội dung được quan tâm nhất là dư luận của người dân và hiệu quả dự án. “Chúng tôi luôn gặp vấn đề về dư luận liên quan đến việc cho rằng chi phí công trình cao, hay dự án này có ưu đãi phía sau”. Nhấn mạnh điều này, đại diện Công ty Luật Kim & Chang cũng cho rằng, khi giải quyết được nội dung này sẽ lựa chọn được dự án, giảm gánh nặng cho Chính phủ và tạo dư luận tốt về dự án.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên chủ trì

Mặt khác, việc thực hiện dự án PPP đòi hỏi đầu tư dài hạn của khu vực tư nhân. Muốn vậy, Nhà nước phải chia sẻ rủi rovới nhà đầu tư một cách thích hợp. “Ban đầu, chúng tôi thực hiện dự án PPP vì lo ngại ngân sách không đủ nên phải kêu gọi đầu tư từ bên ngoài. Nhưng rất may, chúng tôi tự xoay xở được mà không cần nguồn đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên, nếu Việt Nam thực hiện dự án PPP mà phải sử dụng vốn từ nước ngoài sẽ có sự phức tạp nhất định”, đại diện Công ty Luật Kim & Chang nêu ý kiến.

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đã đặt ra nhiều vấn đề như tại sao Hàn Quốc không áp dụng hình thức PPP trong lĩnh vực phân phối và truyền tải điện, không áp dụng hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) hay trong hợp đồng PPP có áp dụng giữ bí mật điều khoản không?...

Phát biểu tổng kết tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên nêu rõ, qua kinh nghiệm của Hàn Quốc, trước hết, hai bên thống nhất hợp đồng PPP nhằm giải quyết nhiệm vụ công của Nhà nước mà Nhà nước chưa đủ vốn bố trí hoặc nếu làm thì hiệu quả chưa chắc bằng tư nhân. Như vậy, Nhà nước không hạn chế các hình thức huy động vốn và đóng góp trong quá trình kêu gọi vốn của Nhà nước, có thể lập dự án mà tư nhân tham gia hoặc tư nhân đưa ra dự án với Nhà nước để làm. Trong quá trình thực hiện dự án PPP của Hàn Quốc, Nhà nước phải luôn chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư thông qua hợp đồng đã ký. Cái được lớn nhất trong dự án PPP là sau thời gian thực hiện hợp đồngthì nhà đầu tư được hoàn vốn, còn Nhà nước có cơ sở hạ tầng để phục vụ xã hội theo yêu cầu của mình. Như vậy, trong hợp đồng PPP, Nhà nước bình đẳng với doanh nghiệp nên phải có trách nhiệm bảo mật thông tin của hợp đồng.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ, việc chúng ta xây dựng dự án Luật PPP hiện nay khác với thời điểm Hàn Quốc ban hành Luật này. Do vậy, có nhiều hình thức hợp đồng chúng ta đưa vào dù nước bạn không áp dụng. Để tiếp thu, truyền tải những thành công của Hàn Quốc vào dự thảo Luật PPP cần rất nhiều thời gian. Do đó, ông Kiên mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ của phía Hàn Quốc trong quá trình xây dựng dự thảo Luật này.

(Phương Thuỷ - Báo Đại biểu nhân dân)