Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về luật Đấu giá tài sản

12/10/2015

Chiều 12/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 42, dưới sự điểu khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật đấu giá tài sản.

Tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ quan điểm chỉ dạo xây dựng dự án luật đấu giá tài sản được dựa trên các quan điểm là tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính.

Ngoài ra, dự án Luật sẽ bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013; thống nhất, đồng bộ với các luật, bộ luật liên quan; khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản hiện nay, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, tăng cường trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Dự thảo Luật được bố cục thành 8 chương, 77 điều với những nội dung cơ bản như: Về nguyên tắc đấu giá tài sản và các hành vi bị cấm; Về đấu giá viên; Về doanh nghiệp đấu giá tài sản; Về trình tự, thủ tục đấu giá chung; Về trình tụ, thủ tục đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá; Về thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản; Qui định xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá và bồi thường thiệt hại; Quản lý nhà nước về đấu giá tài sản; Chuyển đổi mô hình hoạt động của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản của Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật                                              Ảnh: Đình Nam

Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật đấu giá tài sản nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản.

Về vấn đề đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, đa số ý kiến các đại biểu cho rằng cần xem xét bổ sung thêm các quy định nhằm tăng hiệu quả và hiệu lực của việc xử lý các khoản nợ xấu chậm, nhất là các khỏa nợ xấu của các ngân hàng thương mại, trong đó nguyên nhân lớn do vướng mắc từ các văn bản pháp luật.

Về mối quan hệ giữa Luật đấu giá tài sản và các luật khác hiện có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với quy định tại dự thảo Luật, cho rằng đấu giá tài sản quy định về trình tự chung nên cần được áp dụng thống nhất cho việc đấu giá các loại tài sản theo quy định của pháp luật.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng Luật đấu giá tài sản chỉ áp dụng đối với những loại tài sản mà các luật về nội dung có quy định dẫn chiếu về trình tự, thủ tục đấu giá sang pháp luật về đấu giá tài sản, đối với Luật thương mại đã có quy định về trình tự, thủ tục đấu giá khi áp dụng theo quy định của Luật thương mại.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp

Theo Bộ trưởng bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, việc xây dựng dự án Luật đấu giá tài sản nhằm tạo lập nguyên tắc, trình tự chung thống nhất cho việc đấu giá các loại tài sản, trừ mộ số tài sản không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Do Luật đấu giá tài sản ban hành sau nên sẽ xảy ra có sự khác biệt về trình tự, thủ tục giữa các Luật khác thì áp dụng quy định của Luật đấu giá tài sản để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật.

Thảo luận tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét, việc nâng Nghị định về đấu giá tài sản thành Luật là đúng đắn, sẽ giảm thiểu những hiện tượng tiêu cực, thông đồng dìm giá đã tồn tại lâu nay. Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Việt Nam ta đang gia nhập các hiệp định Quốc tế lớn như TTP..., vậy Luật đấu giá có áp dụng chung cho những thành viên liên quan hay không? Chính vì vậy, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị, Ban soạn thảo cần đánh giá sâu rộng và kỹ lưỡng hơn nữa về các tác động cũng như ảnh hưởng của dự án Luật đối với mối quan hệ với các luật khác.

Đa số ý kiến của các đại biểu cho rằng các tài liệu của dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, tuân thủ quy trình và yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng điều kiện trình Quốc hội. Tuy nhiên, các tài liệu về dự án Luật cần được rà soát, nghiên cứu, bổ sung kỹ lưỡng hơn nữa và luật hóa tối đa các quy định tại văn bản dưới luật đã áp dụng có tính ổn định trong thời gian qua vào dự án Luật và chuẩn bị các băn bản hướng dẫn quy định tại điều 77 của dự án Luật.

An Vy