Với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, thủ đô Hà Nội là địa phương có liên quan nhiều tới yếu tố hợp tác nước ngoài. Hà Nội thu hút hơn 35 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 10% cả nước với gần 4.500 dự án. Hà Nội là nơi đặt trụ sở, văn phòng làm việc của nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế. Người nước ngoài đến Hà Nội nhiều về số lượng, đa dạng, phong phú về mục đích. Năm 2018, Hà Nội đón hơn 5,7 triệu lượt du khách nước ngoài, chiếm hơn 45% lượng khách quốc tế trên cả nước.
Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện lãnh đạo Tp. Hà Nội cho biết UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản nhằm tổ chức quản lý người nước ngoài trên nhiều lĩnh vực hoạt động, chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên hệ thống loa phường, cổng thông tin điện tử của UBND thành phố, hướng dẫn trực tiếp; tổ chức nhiều hội nghị tập huấn Luật xuất nhập cảnh và uy định về khai báo tạm trú đối với người nước ngoài cho cán bộ, doanh nghiệp.
Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam” làm việc với UBND thành phố Hà Nội
Trong công tác quản lý người nước ngoài, Hà Nội gặp phải một số khó khăn như: việc triển khai thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài qua mạng điện tử gặp nhiều khó khăn; công tác trao đổi thông tin, phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong công tác quản lý người nước ngoài còn hạn chế; công tác xử lý vi phạm của người nước ngoài còn nhiều khó khăn do một số hành vi chưa có chế tài xử lý; công tác quản lý người nước ngoài, giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh cho người nước ngoài do nhiều cơ quan thực hiện (bao gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) nhưng chưa có sự chia sẻ đồng nhất thông tin gây hạn chế cho công tác quản lý.
Thảo luận tại buổi giám sát, các thành viên Đoàn giám sát đã đặt ra các câu hỏi liên quan đến những đặc thù trong công tác quản lý người nước ngoài tại Hà Nội như: Việc tập trung số lượng lớn người nước ngoài trên địa bàn có dẫn đến tình trạng khó quản lý hay không? Hà Nội đã, đang và sẽ là điểm đến của nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, vậy lãnh đạo thành phố có gặp khó khăn vướng mắc gì liên quan đến thủ tục tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế hay không? Vấn đề quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đặt văn phòng tại Hà Nội được triển khai như thế nào?
Nhận định buổi làm việc với đoàn giám sát là cơ hội để lãnh đạo thành phố kịp thời có những kiến nghị về chính sách để tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý người nước ngoài, từ đó tiếp tục phát huy thế mạnh của thành phố liên quan tới hợp tác quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội sắp tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn, như Giải đua xe công thức 1 sẽ diễn ra vào năm 2020, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ động đề xuất nhiều kiến nghị để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà thành phố đang gặp phải.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo Tp. Hà Nội trong thời gian qua, đặc biệt là công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật. Trưởng đoàn giám sát đề nghị Hà Nội tiếp tục chú trọng công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn để tạo môi trường ổn định về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, tạo cơ sở để Hà Nội tiếp tục phát triển.
Đoàn giám sát ghi nhận những kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý người nước ngoài tại Việt Nam.
Chiều ngày 19/3, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến dẫn đầu Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại tiến hành khảo sát thực tế tại một số cơ sở kinh tế có nhiều người nước ngoài làm việc tại Hà Nội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến làm việc tại Công ty TNHH Hanwha Aero Engines
Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát với Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đại diện Ban Quản lý cho biết, trong công tác thu hút đầu tư, tính đến nay, Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 87 dự án đầu tư với tổng số vốn hơn 79.000 tỷ đồng. Để thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, nhất là đầu tư nước ngoài, ban quản lý kiến nghị điều chỉnh một số quy định về nhà ở, thuế thu nhập cá nhân, đầu tư để tạo điều kiện thông thoáng, thu hút nhân lực trình độ cao. Ban quản lý đề xuất được ủy quyền để thực hiện việc xác nhận kế hoạch sử dụng lao động nước ngoài của các doanh nghiệp hoạt động tại Khu CNC Hòa Lạc, nhằm tiết kiệm thời gian, công sức cho doanh nghiệp.
Cũng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Đoàn giám sát đã thăm và làm việc tại Công ty TNHH Hanwha Aero Engines với ngành nghề kinh doanh là sản xuất các bộ phận và linh kiện của động cơ hàng không.
Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát tiếp tục khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Lotte Hotel Việt Nam. Đại diện công ty đã trao đổi về những thuận lợi và khó khăn liên quan đến giấy phép lao động, bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập cá nhân đối với lao động nước ngoài tại cơ sở. Đoàn giám sát đã giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp, đồng thời tiếp nhận ý kiến để sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý người nước ngoài tại Việt Nam./.