(Ảnh minh họa)
Theo cử tri tỉnh Lâm Đồng, tình trạng kinh doanh buôn bán hàng đa cấp vẫn tiếp tục diễn ra, gây hậu quả và thiệt hại cho nhân dân, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tình trạng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc, đang là vấn đề gây bức xúc, nguy hại cho sức khỏe người dân, gây tác hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp. Việc sản xuất và kinh doanh rượu tràn lan trên thị trường, rất khó trong việc kiểm soát gây hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng. Với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực này, cử tri đề nghị Bộ Công Thương có những giải pháp hữu hiệu gì để ngăn chặn tình trạng kinh doanh và sản xuất các loại sản phẩm, hàng hóa trên.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết cụ thể như sau:
Đối với vấn đề kinh doanh đa cấp
Theo quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp (BHĐC) chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý hoạt động bán hàng đa cấp bao gồm Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Ngoài ra, cũng như các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp BHĐC còn chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan, đơn vị khác có liên quan như cơ quan thuế, cơ quan quản lý hàng hóa chuyên ngành, lực lượng quản lý thị trường, lực lượng công an nhân dân v..v.
Trong quản lý doanh nghiệp BHĐC, Bộ Công Thương có 2 trách nhiệm chính:
- Thứ nhất, Bộ Công Thương có trách nhiệm xem xét, cấp Giấy chứng nhận (GCN) đăng ký hoạt động BHĐC. Về nguyên tắc, nếu DN đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Nghị định 42/2014 của Chính phủ thì Bộ Công Thương không thể không cấp GCN. Bộ Công Thương đã cho rà lại toàn bộ việc cấp GCN ở Cục Quản lý cạnh tranh. Đến thời điểm này, có thể khẳng định quy trình cấp GCN đã được xây dựng và vận hành theo đúng quy định của Nghị định 42/2014 và chưa phát hiện được biểu hiện sai trái nào trong việc cấp GCN.
- Trách nhiệm quan trọng tiếp theo của Bộ là tổ chức kiểm tra hoạt động BHĐC. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm hành chính và vi phạm về hoạt động BHĐC thì Bộ sẽ xử lý. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm các quy định khác của pháp luật như pháp luật về thuế, pháp luật hình sự thì Bộ phải chuyển hồ sơ tới cơ quan chức năng để xem xét, kết luận và xử lý theo thẩm quyền. Thực hiện trách nhiệm này, ngay từ giữa năm 2015, Bộ đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, bao gồm cả việc thu hồi và đình chỉ Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC. Tính đến tháng 10/2016, số lượng doanh nghiệp BHĐC đã giảm từ 67 xuống còn 42 doanh nghiệp. Số lượng người tham gia BHĐC đã giảm gần 60%, từ 1,2 triệu người (năm 2015) xuống còn hơn 500.000 người (6 tháng đầu năm 2016). Hoạt động trong lĩnh vực này. Công tác kiểm tra đang tiếp tục được duy trì thường xuyên và liên tục.
Đối với vấn đề kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản giả, kém chất lượng
Trong thời gian qua, tình hình hàng giả, hàng kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc trong đó có mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp hơn, hàng giả được sản xuất ở trong nước và từ nước ngoài đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Các hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả về chất lượng, giả về công hiệu, giả mạo nhãn hiệu, giả mạo công bố hợp quy, quá hạn sử dụng, không có trong Danh mục được phép sử dụng, nhập lậu không rõ nguồn gốc gây mất an toàn cho người sử dụng, môi trường sinh thái, sức khỏe người dân, vật nuôi, cây trồng.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định (riêng 10 tháng năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý trên 2.000 vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xử phạt vi phạm hành chính trên 63 tỷ đồng) nhưng thực tế kết quả đạt được vẫn chưa được như mong muốn do còn nhiều khó khăn, bất cập như:
- Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ phân công Bộ Công Thương quản lý phân bón vô cơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý phân bón hữu cơ và phân bón khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khó phân định rạch ròi các nhóm phân bón này, mặt khác, ngày càng nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cả phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ dẫn đến cả hai Bộ cùng tiến hành chỉ định các cơ sở đánh giá sự phù hợp (cơ sở kiểm nghiệm giám định, chứng nhận) gây chồng chéo, lãng phí và bị doanh nghiệp làm ăn gian dối lợi dụng trục lợi;
- Phân bón thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa được quản lý chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Tuy nhiên, đến nay việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia còn chậm;
- Do lợi nhuận cao, các đối tượng sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc vẫn cố tình vi phạm, sẵn sàng chống đối các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, thu giữ hàng hoá;
- Sự quan tâm chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đối với công tác chống phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc có lúc có nơi chưa được thường xuyên, thường chỉ được tập trung vào các dịp cao điểm. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tuy đã được quan tâm nhưng chưa tạo được sự chuyển biến về nhận thức, vẫn còn tình trạng tiếp tay cho việc vận chuyển, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc;
- Lực lượng Quản lý thị trường còn mỏng, phải tổ chức quản lý, kiểm tra số lượng lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đồng thời phải tham gia nhiều nhiệm vụ khác do chính quyền địa phương giao trong khi nguồn lực về cơ sở vật chất, con người còn hạn chế là một trong những yếu tố làm hạn chế hiệu quả công tác kiểm tra kiểm soát phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc. Năng lực và trình độ chuyên môn của công chức Quản lý thị trường ở một số đơn vị chưa đồng đều, chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong công tác kiểm tra, kiểm soát phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc;
Giải pháp trong trong thời gian tới:
- Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý:
+ Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón và Thông tư hướng dẫn để khắc phục những hạn chế của Nghị định 202/2013/NĐ-CP nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý đối với mặt hàng phân bón từ sản xuất đến lưu thông trên thị trường, gắn trách nhiệm của địa phương trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn. Tiếp tục rà soát các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý phân bón, bổ sung các hành vi mới, tăng mức hình phạt để tăng tính răn đe;
+ Xây dựng, ban hành hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón vô cơ nhằm quản lý tốt mặt hàng này.
- Về tổ chức thực hiện và chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm:
+ Tập trung thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xác định mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản giả, kém chất lượng là mặt hàng quan trọng trong công tác kiểm tra, kiểm soát;
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu về phân bón để phục vụ công tác quản lý nhà nước về mặt hàng phân bón và công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng, phân bón nhập lậu;
+ Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan như cơ quan Công an, Thanh tra chuyên ngành Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ... tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản trên địa bàn, chú ý kiểm tra việc thực hiện các quy định về giấy phép sản xuất phân bón; việc duy trì, đảm bảo các điều kiện sản xuất, việc thực hiện các quy định về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, dấu hợp quy; hoá đơn chứng từ hàng hoá; việc thực hiện các quy định về nhãn hàng hoá; niêm yết giá và bán theo giá niêm yết... phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật;
+ Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho các tổ chức, cá nhân chấp hành đúng quy định của pháp luật trong kinh doanh mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản;
+ Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi, tăng cường đào tạo cấp chứng chỉ người lấy mẫu phân bón, bổ sung kinh phí kiểm định mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phục vụ tốt công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hàng giả, kém chất lượng;
+ Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cách nhận biết phân bón giả, kém chất lượng tại các địa phương; cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa có vi phạm để tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Về sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu
Rượu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mặt hàng hạn chế kinh doanh, do đó từ năm 2008 đến nay Chính phủ đã thống nhất việc quản lý đối với hoạt động kinh doanh rượu thông qua việc cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh. Đến nay, hoạt động kinh doanh rượu trên địa bàn cả nước đã cơ bản được tổ chức ổn định, phù hợp với yêu cầu và mục tiêu đề ra: Chất lượng sản phẩm rượu từng bước được nâng cao; tình trạng rượu nhập lậu, lưu thông rượu không đảm bảo chất lượng trên thị trường được hạn chế từ hơn 9% năm 2010 đến nay còn khoảng hơn 4%; tổ chức hệ thống kinh doanh rượu từng bước đi vào hoạt động nề nếp, bước đầu bảo đảm yêu cầu nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, đồng thời bảo đảm nâng cao quyền lợi của người tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đánh giá sau 4 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 về sản xuất, kinh doanh rượu và Thông tư số 60/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 27 tháng 12 năm 2014 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 94/2012/NĐ-CP đã đạt được những kết quả nhất định như: Hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu đã cơ bản được tổ chức ổn định, tổ chức mạng lưới phân phối, bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu dần được hoàn thiện và đi vào nề nếp, chất lượng sản phẩm rượu từng bước được nâng cao, mẫu mã, nhãn mác rượu ngày càng phong phú; việc cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu cơ bản đã thực hiện theo quy định, thẩm quyền cấp phép được phân cấp tới các địa phương.
Thông qua các điều kiện quy định đối với hoạt động kinh doanh rượu, cho đến nay thương nhân được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh rượu, đặc biệt những thương nhân phân phối sản phẩm rượu là những nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước, đầu tư vào hoạt động kinh doanh rượu với mục tiêu phát triển bền vững ngành rượu, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, xây dựng văn hóa tiêu dùng rượu, từng bước hạn chế sử dụng rượu tự nấu... qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 94/2014/NĐ-CP cũng cho thấy một số tồn tại, vướng mắc, bất cập đặc biệt là liên quan đến sản xuất rượu thủ công. Cụ thể là hiện tượng sản xuất rượu thủ công không có giấy phép còn khá phổ biến ở các địa phương. Nguyên nhân là do hầu hết các cơ sở nấu rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh có quy mô rất nhỏ, sản xuất sản lượng ít, nằm rải rác trên địa bàn rộng lớn, sản xuất chủ yếu là để lấy phụ phẩm chăn nuôi nên không thực hiện việc cấp phép. Một số cơ sở muốn thực hiện cấp phép nhưng không đáp ứng được các điều kiện theo quy định như không có Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm...
Giải pháp trong thời gian tới:
Trên cơ sở rà soát các tồn tại, vướng mắc, bất cập hiện nay, Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu. Ngoài ra, để kiểm soát tốt việc sản xuất rượu, đặc biệt là rượu thủ công, cần đề cao vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp trong tuyên truyền, vận động bà con sản xuất rượu theo giấy phép và tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm; các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc sản xuất rượu để đảm bảo rượu sản xuất, lưu thông trên thị trường đạt chất lượng và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đến nay, về cơ bản dự thảo Nghị định đã hoàn thiện đang được cơ quan cơ quan có thẩm quyền thẩm định trước khi trình Chính phủ phê duyệt, ban hành. Trên cơ sở những nội dung mới của nghị định sẽ có thể giúp các thương nhân tham gia kinh doanh mặt hàng rượu tháo gỡ được khó khăn, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt hơn nữa vai trò quản lý của mình, góp phần tạo lập một thị trường rượu phát triển lành mạnh, bền vững trong tương lai./.