Tại buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vào cuối tháng 4/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế cần vào cuộc sớm sửa đổi Luật Đất đai. Trước tiên là phục vụ tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, đồng thời phác thảo những định hướng lớn cần sửa đổi.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV, trong phiên thảo luận đóng góp ý kiến cho Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ, các đại biểu cũng kỳ vọng Quốc hội, Chính phủ khóa mới sẽ có những biện pháp cụ thể và hiệu quả để nhanh chóng khắc phục được các hạn chế của Luật Đất đai năm 2013.
Cần phát hiện những kẽ hở liên quan đến đất đai
Quan trao đổi, đại biểu Lê Công Nhường - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, cho biết vấn đề nổi cộm khiến ông quan tâm nhất liên quan đến đất đai là việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho người dân hiện chưa đúng mà lợi nhuận từ việc này lại thuộc về phía doanh nghiệp. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp trở nên giàu rất nhanh nhưng người dân lại nghèo đi khi có nhà ở, đất ở nằm trong diện giải phóng mặt bằng phải di dời đi nơi khác.
Đại biểu Lê Công Nhường - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định.
Ngoài ra, vấn đề khác liên quan đến đất đai là thời gian vừa qua, ở một số địa phương xảy ra tình trạng “sốt” đất do một số người, nhóm người có những việc làm thổi giá lên cao nhằm tạo giá chênh lệch với mục đích thu lợi nhuận.
Theo đại biểu Lê Công Nhường, để khắc phục những bất cập trên, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các văn bản quy định để sớm trình Quốc hội xen xét dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Bởi đất đai là tài sản của toàn dân, giao cho người dân làm chủ chứ không phải là để rơi vào một số nhóm lợi ích.
Khi sửa đổi Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có sự tổng kết, đánh giá lại thành tựu cũng như những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013. Từ đó phát hiện các kẽ hở khiến cho trong thời gian qua có nhiều vụ án khiếu kiện, tham nhũng, vụ đại án hình sự liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ trên 75%.
Ngoài việc đánh giá, tổng kết, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần có những đề xuất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Mặt khác, các chuyên gia về lĩnh vực đất đai cũng cần có nghiên cứu về quản lý đất ở một số nước gần với Việt Nam để đưa ra những ý kiến, đề xuất với các cơ quan chức năng trong việc quản lý, sử dụng đất ở trong nước hiệu quả hơn trước khi trình Quốc hội xem xét sửa Luật Đất đai.
Phải tính đến các yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, xã hội và lợi ích của người dân
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh- Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, nêu quan điểm: Việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là một yêu cầu bức thiết trong sự phát triển kinh tế xã hội và mong muốn của Nhân dân. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật trong điều kiện hiện nay rất khó khăn. Nếu chúng ta xử lý không khéo thì sẽ nổi lên một làn sóng khiếu kiện mới của Nhân dân về bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh- Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.
Mặt khác, nếu chúng ta xử lý không kéo thì có thể ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Bởi vì giá đất sẽ tăng lên, việc đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ khó khăn hơn. Còn nếu Quốc hội không sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 thì cũng sẽ ảnh hưởng tới kinh tế xã hội và đặc biệt ảnh hưởng tới việc khiếu kiện của người dân.
Theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là yêu cầu tất yếu và rất thận trọng. Theo đó, Chính phủ, Quốc hội cần tính đến các yếu tố ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực tới sự phát triển kinh tế xã hội, lợi ích của người dân và lợi ích chung của đất nước./.