ST25 chắp cánh thương hiệu gạo Việt.
Những năm qua, ngành lúa gạo Việt Nam liên tiếp gặt hái được nhiều thành công. Đáng lưu ý, nhiều nhà khoa học đã dày công nghiên cứu lai tạo, cải tiến nhiều giống lúa gen quý. Trong số ấy có nhóm các nhà khoa học gồm: kỹ sư Hồ Quang Cua, Tiến sỹ Trần Tấn Phương, kỹ sư Nguyễn Thu Hương lai tạo và cải tiến thành công giống lúa ST25.
Hành trình đến với hạt giống ST bắt đầu từ năm 1991, sau hơn 25 năm miệt mài, kỹ sư Hồ Quang Cua cùng cộng sự đã lai tạo thành công giống lúa ST25 với các ưu điểm như: ngắn ngày, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt. Giống lúa này đã tạo ra sản phẩm gạo ST25 với đặc tính thon, dài, trắng trong, ăn có vị ngọt, mềm dẻo. Với những phẩm chất vượt trội, năm 2019 gạo ST25 đã được vinh danh Gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị lúa gạo quốc tế ở Manila, Philippines và năm 2020, ST25 tiếp tục đạt giải nhì tại Mỹ.
Kỹ sư Hồ Quang Cua cùng cộng sự đã lai tạo thành công giống lúa ST25, được vinh danh Gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị lúa gạo quốc tế ở Manila, Philippines
Sau khi được công nhận là gạo ngon nhất thế giới, các nhà khoa học và các địa phương cũng như người nông dân đẩy mạnh liên kết chặt chẽ, nhân rộng diện tích, xây dựng những vùng trồng chuyên canh, bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, việc đưa giống lúa ST vào sản xuất thì gạo có chất lượng cao và không lo tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Hơn nữa, chi phí sản xuất thấp và quá trình gieo trồng dễ vì chống chịu được với thời tiết, không gãy đổ nên đây là giống lúa hiệu quả năng suất và giá thành cao cho bà con nông dân.
ST25 là sản phẩm đầu tiên một giống lúa ngắn ngày cải tiến, năng suất cao của Đông Nam Á được vinh danh gạo ngon nhất thế giới. Sau khi liên tiếp chiếm được ngôi vị “Gạo ngon nhất thế giới”, kỹ sư Hồ Quang Cua và các nhà khoa học vẫn không ngừng tìm tòi đổi mới và duy trì tốt nguồn giống lúa ST25, nhờ đó gạo ST25 ngày càng chiếm được sự quan tâm của cả người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Ông Trần Văn Lâm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, cho rằng thương hiệu gạo Việt Nam dần dần được khẳng định trên thị trường quốc tế. Đặc biệt với gạo ST25 được vinh danh gạo ngon nhất thế giới đã nhanh chóng được cộng đồng trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm. Đây là vinh dự nhưng cũng cần có giải pháp để bảo vệ và phát triển thương hiệu Việt ở thị trường trong nước cũng như trên thế giới.
Nhiều bài học đắt giá về nguy cơ mất thương hiệu Việt.
ST25 là niềm tự hào của Việt Nam và mới nổi trên thị trường thế giới được khoảng 2 năm nay, nhưng hiện đang có tới 6 doanh nghiệp tại Mỹ và Australia đăng ký xin bảo hộ nhãn hiệu. Như vậy, nếu doanh nghiệp ở Mỹ hay Australia thành công, thì kỹ sư Hồ Quang Cua và một số doanh nghiệp Việt Nam đang bán gạo ST25 sẽ không thể xuất khẩu gạo sang các thị trường sở tại dưới mác nhãn hiệu ST25. Dù các đơn vị kia vẫn đang trong thời gian chờ xét duyệt, tuy nhiên, nguy cơ “mất” thương hiệu gạo này trên thị trường Mỹ và Australia rất có thể xảy ra nếu chúng ta không có động thái kịp thời.
Ông Ngô Văn Hiệp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, các công ty tại Mỹ và Australia mới đang trong quá trình nộp đơn đăng ký thương hiệu gạo ST25 tại các quốc gia đó mà chưa được cấp Văn bằng. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam sở hữu thương hiệu gạo ST25 cần nhanh chóng thu thập, lưu trữ các chứng cứ chứng minh mình mới là chủ sở hữu đích thực thương hiệu gạo ST25 đồng thời cần liên hệ ngay với các hãng luật có uy tín để tiến hành thủ tục nộp hồ sơ khiếu nại, đề nghị cơ quan có thẩm quyền nước sở tại không cấp Văn bằng cho tổ chức, cá nhân có hành vi “đánh cắp” thương hiệu gạo ST25. Ông Ngô Văn Hiệp cho rằng, về lý thuyết là như vậy nhưng trên thực tế, cuộc chiến pháp lý khá phức tạp đòi hỏi mất nhiều thời gian, tiền bạc.
Ông Ngô Văn Hiệp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
ST25 không phải là trường hợp đầu tiên rơi vào tình cảnh mất thương hiệu, mà trước đó nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước cũng từng bị các doanh nghiệp nước ngoài xâm phạm. Đơn cử như Cà phê Trung Nguyên, năm 2000, thương hiệu này đã bị một công ty ở Mỹ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Sau 2 năm ròng rã thương thảo, doanh nghiệp này mới lấy lại được thương hiệu, nhưng chi phí cho quá trình thương thảo này lên tới hàng trăm nghìn đô la Mỹ. Sau bài học này, thương hiệu Trung Nguyên đã đăng ký thương hiệu tại 60 quốc gia trên thế giới.
Một ví dụ khác, đó là nước mắm Phú Quốc cũng từng bị một doanh nghiệp khác tại Mỹ đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Để tìm lại thương hiệu cho nước mắm Phú Quốc cũng phải mất 6 năm sau khi chứng minh quyền sở hữu của mình.
Tương tự, kẹo dừa Bến Tre cũng rơi vào cảnh "chịu trận" tương tự vì chậm chân trong bảo hộ thương hiệu ra nước ngoài và phải rất vất vả, kẹo dừa Bến Tre mới trở về quê hương ở miền Tây…
Những ví dụ điển hình trong việc chậm trễ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt trước đây và gần đây nhất là gạo ST25 cho thấy một thực trạng nhức nhối đã kéo dài nhiều năm nay về vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu thương hiệu cho các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường thế giới còn hạn chế.
Chủ động bảo vệ thương hiệu giúp doanh nghiệp Việt tự tin hội nhập.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có ý thức hơn trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển và thương hiệu. Năm 2015 có gần 37.300 đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp thì đến năm 2020 có 55.600 đơn, tăng gần 50% trong vòng 5 năm. Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế thông qua Cục Sở hữu trí tuệ cũng tăng gâp đôi từ 105 đơn vào năm 2015 lên 269 đơn vào năm 2020. Tuy nhiên, có thể thấy so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động vô cùng lớn ở nước ta hiện nay với gần 800.000 doanh nghiệp thì số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu vẫn còn chưa xứng với tiềm năng phát triển của doanh nghiệp nước ta. Các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến nhãn hiệu, thương hiệu của doanh nghiệp mình. Cũng theo Cục Sở hữu trí tuệ, riêng trong lĩnh vực nông sản, có đến 80% doanh nghiệp chỉ chi ra 5% doanh số cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định: “Mặc dù đã được chú trọng nhưng doanh nghiệp Việt vẫn chưa chú trọng đến đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đầy đủ ở cả thị trường trong nước và nước ngoài. Đơn đăng ký bảo hộ vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp Việt”.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cũng theo ông Đinh Hữu Phí, từ trước đến nay, nhiều thương hiệu, nhãn hiệu, sản phẩm chúng ta mới chỉ dừng ở việc đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước, riêng việc đăng ký bảo hộ tại một thị trường khác ngoài Việt Nam chúng ta chưa thực sự quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, nhãn hiệu được bảo hộ theo lãnh thổ nên doanh nghiệp có đăng ký ở Việt Nam cũng không có nghĩa sẽ được bảo hộ ở thị trường nước ngoài. Vì thế, doanh nghiệp có sản phẩm thương hiệu tốt có nhu cầu xuất khẩu cần chủ động xin bảo hộ tại nước ngoài.
Ông Đinh Hữu Phí khuyến cáo: “Nếu doanh nghiệp nào đang có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu ra nước ngoài hoặc chuẩn bị xuất khẩu ra nước ngoài, cần tiến hành đăng ký thương hiệu ngay. Đó chính là cách duy nhất để doanh nghiệp không rơi vào tình huống phải đi kiện tụng sẽ rất tốn kém thời gian, tiền bạc. Chi phí đăng ký thương hiệu ra nước ngoài ban đầu có thể khá cao so với khả năng tài chính của nhiều doanh nghiệp nhưng sẽ không đáng là bao khi so sánh với chi phí mà doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra nếu rơi vào tình huống phải đi kiện tụng để lấy lại thương hiệu”.
Việt Nam đẩy mạnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đang mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng dẫn đến những cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Và để có thể tồn tại và phát triển tại các thị trường có tính cạnh tranh khốc liệt, không còn cách nào khác các doanh nghiệp Việt cần phải nghiêm túc trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu để đứng vững trong thị trường cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ và quy luật trong sử dụng quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh vẫn chưa được các doanh nghiệp Việt nhìn nhận một cách đúng đắn nhất. Trong khi đó thương hiệu là "linh hồn" của mỗi doanh nghiệp. Nếu mất thương hiệu không chỉ mất đi lợi thế cạnh tranh mà còn mất uy tín, mất thị trường. Do đó, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu, song song với việc xây dựng thương hiệu cũng cần có chiến lược bảo vệ, giữ gìn thương hiệu. Phóng viên đã phỏng vấn Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV về những giải pháp cho vấn đề này:
Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV.
Phóng viên: Mặc dù đã được chú trọng hơn nhưng vấn đề đăng ký bản quyền và bảo hộ thương hiệu Việt tại nước ngoài vẫn còn là vấn đề cần quan tâm, và câu chuyện gạo ST25 vừa qua là một ví dụ. Vậy theo ông nguyên nhân?
Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV: Thời gian vừa qua một loạt các thương hiệu bị các doanh nghiệp nước ngoài họ đăng ký trước khi doanh nghiệp Việt hướng đến vươn ra thị trường quốc tế. Đây là các vấn đề còn có những bất cập do tư duy nhận thức của các doanh nghiệp ở Việt Nam, do nhiều quy định của pháp luật chưa nắm rõ và đặc biệt một số doanh nghiệp cũng đang chỉ quan tâm đến việc sản xuất được đến đâu tiêu thụ đến đó và mong muốn sản phẩm mình tốt hơn để đáp ứng yêu cầu thị trường.
Vấn đề đăng ký bản quyền ở nước ngoài còn là việc xa xỉ đối với nhiều doanh nghiệp Việt hiện nay do kinh phí đăng ký tương đối lớn, bao gồm chi phí cho luật sư ở nước sở tại, cơ quan sở hữu trí tuệ thẩm định đơn đăng ký. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sản xuất nhỏ và vừa, không gắn kết với nhau nên không đảm bảo sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu của phía đối tác, trong khi đó vai trò của nhiều địa phương, cơ quan chức năng chưa thực sự quan tâm đầu tư đúng mực cho vấn đề này.
Phóng viên: Với những sản phẩm do người Việt sáng chế lại bị doanh nghiệp nước ngoài “nhanh chân” đăng ký trước tại thị trường quốc tế, điều này sẽ để lại những hệ lụy gì thưa ông?
Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV: Khi thương hiệu nổi tiếng, một sản phẩm đã được khẳng định ở trong nước muốn vươn ra thị trường quốc tế thì phải có giá trị thương hiệu để nó phát triển thị trường. Thế nhưng nếu bị các doanh nghiệp nước ngoài nhanh chân đăng ký trước thì rõ ràng việc xuất khẩu qua đó sẽ ảnh hưởng đến việc hạn chế việc tiêu thụ, thậm chí phải thông qua họ để đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ trên thị trường của nước sở tại. Hệ lụy là phát sinh các chi phí, chi cho các doanh nghiệp mà họ đã đăng ký bản quyền đó hoặc thậm chí nếu muốn lấy lại bản quyền ấy thì mình phải chi phí cho luật sư để họ tìm cách xác định thương hiệu đó. Tùy thuộc giai đoạn mà các doanh nghiệp họ đăng ký và đồng thời nó cũng phát sinh chi phí của doanh nghiệp cho việc tạm dừng lại hoạt động kinh doanh hàng hóa đó ở thị trường liên quan đến vấn đề tranh chấp.
Phóng viên: Khi doanh nghiệp Việt muốn lấy lại thương hiệu đã mất trên thị trường Quốc tế thì sẽ gặp những khó khăn, rào cản gì thưa đại biểu?
Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV: Khi một thương hiệu của một doanh nghiệp đã mất ở trên thị trường quốc tế gặp phải khó khăn rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu thụ sản phẩm của mình trên nước bạn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp do phải chậm trễ ngưng trệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp cũng phải chi phí cho các phí phát sinh vào luật sư chi phí để mà tiến hành các hoạt động lấy lại thương hiệu đó. Có những doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động pháp lý để lấy lại hiệu đó không lấy lại được thì doanh nghiệp phải bỏ ra số tiền rất lớn để mua lại chính thương hiệu của sản phẩm và của chính mình. Do vậy, hệ lụy của việc doanh nghiệp lấy mất thương hiệu thì đấy là điều các doanh nghiệp gây rất nhiều phiền hà và tốn kém.
Phóng viên: Đối với gạo ST25, hiện có tới 6 công ty đăng ký bảo hộ ở nước sở tại là Mỹ và Australia, theo ông khi có tranh chấp, doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị những gì? Bài học cần rút ra đối với các doanh nghiệp khi có sản phẩm có giá trị, có thương hiệu tốt là gì?
Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV: Khi một thương hiệu bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thương hiệu, mà cụ thể như ST thì rõ ràng doanh nghiệp cần phải khẩn trương nhờ luật sư hoặc bản thân doanh nghiệp tiến hành gửi đơn thủ tục để đăng ký bản quyền ở nước doanh nghiệp sở tại đang tiêu thụ sản phẩm của mình. Đồng thời phải có các hoạt động, các chi phí cho Bộ nông nghiệp của các nước sở tại để họ tiến hành tìm hiểu sản phẩm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp để tạo dựng cho mình một sản phẩm một thương hiệu tốt thì ngoài việc phát triển nó, duy trì tồn tại và chiếm lĩnh thị trường đồng thời cũng phải chú trọng đến khâu đăng ký bản quyền, đăng ký thương hiệu. Các doanh nghiệp cần phải xác định sản phẩm đó vươn đến thị trường nào ở khu vực nào trên thế giới, qua đó các doanh nghiệp có được những phương án kế hoạch để đăng ký thực hiện thương hiệu, đăng ký bản quyền chỉ dẫn địa lý đối với bản quyền của mình ở các nước sở tại liên quan đến việc phát triển thị trường ở đó.
Phóng viên: Trước xu thế hội nhập, theo ông các doanh nghiệp Việt cần phải làm gì để không rơi vào các tình huống phải đi kiện tụng, tốn tiền, tốn thời gian? Và vấn đề chiến lược xây dựng thương hiệu Việt Nam tại nước ngoài cần được chú trọng như thế nào thưa ông?
Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV: Xu thế hội nhập hiện nay rõ ràng để tránh sự phát sinh tranh chấp phải chú trọng đến các khâu pháp lý yếu tố pháp lý trong vấn đề kinh doanh, yếu tố pháp lý trong vấn đề hợp đồng thương mại, yếu tố pháp lý về vấn đề bảo đảm bản quyền cho những thương hiệu đối với sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến yếu tố thông qua luật sư cũng như bộ phận Pháp chế để từ đó thực hiện những hoạt động của mình theo đúng quy định của pháp luật. Và những hoạt động kinh doanh vươn ra thị trường quốc tế phải nghiên cứu những quy định của pháp luật nước sở tại, có như vậy hoạt động kinh doanh mới bảo đảm tính bền vững và phát triển. Mặt khác, nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng xuất khẩu; các thương hiệu mới nên kiên kết cói các thương hiệu có tên tuổi nhằm tận dụng sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, kỹ thuật.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần chú trọng những giải pháp như quy hoạch vùng sản xuất và thiết lập các vùng chuyên canh sản xuất; tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức vai trò của thương hiệu, giúp doanh nghiệp nâng cao cạnh tranh.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, để thực thi có hiệu quả các cam kết về sở hữu trí tuệ trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu với kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược đăng ký nhãn hiệu ra quốc tế, trong đó cân nhắc về chi phí, thời gian, số lượng và quốc gia đăng ký. Cụ thể, các doanh nghiệp có thể đăng ký trên 4 quốc gia, so sánh thời gian đăng ký trực tiếp và đăng ký qua chỉ định thư hay thỏa ước. Một số quốc gia đã cho phép đăng ký với thủ tục rút gọn mà doanh nghiệp có thể cân nhắc như Campuchia, Úc, Hàn Quốc…Các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu kỹ trước khi lựa chọn quốc gia và cách thức đăng ký để tiết kiệm thời gian, chi phí và đem lại hiệu quả tốt nhất cho quá trình đăng ký nhãn hiệu của doanh nghiệp./.