Trong nội dung chất vấn của Đại biểu biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang nêu rõ: Thủ tướng đã quyết định “đóng cửa rừng tự nhiên” ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số các dự án du lịch nghỉ dưỡng tại các khu rừng tự nhiên, thậm chí các vườn quốc gia vẫn lách luật phê duyệt. Trước thực trạng này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu chất vấn Thủ tướng có cần thêm các quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ rừng nói riêng và môi trường sống nói chung của Việt Nam hay không?
Trả lời chất vấn của Đại biểu biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu về thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên, Thủ tướng Chính phủ cho biết: Ngày 11/12/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2242/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 – 2020. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu dừng khai thác chính gỗ rừng tự nhiên (đóng cửa rừng tự nhiên). Từ năm 2014 đến nay, các địa phương trên cả nước đều chấp hành nghiêm túc, không có trường hợp nào khai thác chính và khai thác tận dụng từ rừng tự nhiên. Theo các quy định Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 và Luật Lâm nghiệp năm 2017 thì chỉ cho phép sử dụng môi trường rừng để thực hiện các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, không được phép khai thác rừng để thực hiện dự án.
Đại biểu biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang.
Đối với quy định của pháp luật về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trên đất lâm nghiệp, trước ngày 01/01/2019, tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên đất lâm nghiệp được thực hiện theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 và các văn bản hướng dẫn luật. Theo đó, chủ rừng được tổ chức du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo các phương thức chủ rừng tự đầu tư, tổ chức kinh doanh; hoặc liên doanh, liên kết kinh doanh; hoặc cho thuê môi trường rừng phù hợp với quy hoạch, có dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Sau ngày 01/01/2019, theo quy định Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản hướng dẫn luật, chủ rừng tự tổ chức, hợp tác, liên doanh, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuế môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí không làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường và các chức năng khác của rừng, không phá vỡ cảnh quan, không chặt phá rừng, chỉ được xây dựng công trình ở những khu đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi không có khả năng tự phục hồi. Việc thực hiện các hoạt động du lịch sinh thái trên đất lâm nghiệp phải đảm bảo điều kiện: chủ rừng phải xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và chủ rừng triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.