ĐBQH Huỳnh Thanh Phương đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao cho biết năm 2019 vì sao có tình trạng: Cơ quan điều tra cấp Trung ương điều tra cả những vụ án không thuộc thẩm quyền được quy định tại Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, theo quy định của luật Tố tụng hình sự là phải hủy án. Với trách nhiệm kiểm sát hoạt động tư pháp nhưng Viện kiểm sát vẫn phê chuẩn, chấp nhận? Trách nhiệm thuộc về ai? Giải pháp để chấn chỉnh vấn đề này như thế nào trong thời gian tới?
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh)
Trả lời chất vấn ĐBQH Huỳnh Thanh Phương, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Cơ quan điều tra cấp trung ương gồm 6 cơ quan (Cơ quan An ninh điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an; Cơ quan An ninh điều tra, Cơ quan điều tra hình sự thuộc Bộ Quốc phòng; Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương); có thẩm quyền điều tra theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các điều 16, 19, 23, 26, 30, 31 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015.
Theo đó “Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp” (khoản 3 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015); “Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng điều tra vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại; vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra” (điểm c khoản 5 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí
Năm 2019 VKSND tối cao thụ lý thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 210 vụ án, trong đó có 20 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Thực tế có nhiều vụ án phải sau một thời gian điều tra mới đủ căn cứ xác định thẩm quyền điều tra để chuyển đi (đã chuyển 52 vụ án hình sự đến Cơ quan điều tra cấp tỉnh, 8 vụ án đang điều tra để xác định thẩm quyền điều tra); Đối với 150 vụ án còn lại, có 84 vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và liên quan đến nhiều quốc gia; 5 vụ án do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại; 60 vụ án do Cơ quan điều tra VKSND tối cao điều tra, đây là các vụ án Cơ quan điều tra cấp Trung ương điều tra đúng thẩm quyền theo khoản 3 và điểm c khoản 1 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Ngoài ra có 1 vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông tại tỉnh Hòa Bình, thuộc thẩm quyền cấp tỉnh nhưng xét thấy để địa phương điều tra sẽ không bảo đảm khách quan và triệt để nên Cơ quan điều tra Bộ Công an thụ lý điều tra là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý tội phạm, nhất là các tội phạm gây bức xúc trong xã hội.
Nhìn chung, những năm qua Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp, nhất là VKSND tối cao kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện thẩm quyền điều tra vụ án hình sự, bảo đảm việc khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra cấp Trung ương đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015.
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí khẳng định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo phối hợp với bộ, ngành liên quan hướng dẫn thi hành đúng và thống nhất các quy định pháp luật về thẩm quyền điều tra hình sự, nhất là thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp Trung ương; Kiểm sát chặt chẽ căn cứ xác định thẩm quyền điều tra ngay từ giai đoạn tiếp nhận, phân loại, thụ lý nguồn tin về tội phạm để yêu cầu chuyển ngay những nguồn tin về tội phạm không thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra cấp Trung ương, cũng như kiểm sát sau khi khởi tố vụ án để kịp thời quyết định chuyển vụ án nếu không thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp Trung ương.
Đồng thời, sẽ xử lý trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị, Kiểm sát viên để xảy ra các trường hợp điều tra không đúng thẩm quyền./.