Đại biểu Quốc hội Phùng Thị Thường- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Quốc hội Phùng Thị Thường- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay các mạng xã hội và các công ty cung cấp nội dung xuyên biên giới đang hoạt động và được đông đảo người sử dụng, trong đó có nhiều thông tin xấu, độc hại lan rộng toàn cầu làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ cho biết trong thời gian tới Bộ có giải pháp gì ngăn chặn tình trạng trên.
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Phùng Thị Thường- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của những thông tin xấu độc trên các mạng xã hội đối với người sử dụng tại Việt Nam, cụ thể:
Thứ nhất, chủ động đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Facebook và Google buộc các mạng xã hội này phải tích cực cộng tác, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.
Thứ hai, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế, Bộ Công an cùng triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh về an ninh chính trị, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu Facebook và Google phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam.
Thứ ba, tăng cường công tác phát hiện và xử lý các đối tượng cung cấp thông tin vi phạm trên mạng.
Thứ tư, xây dựng và vận hành hiệu quả Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia nhằm giám sát, phát hiện kịp thời nguồn gốc thông tin vi phạm nói chung và nguồn thông tin xuyên tạc về Đảng và Nhà nước trên môi trường mạng.
Thứ năm, chỉ đạo các nhà mạng triển khai giải pháp kỹ thuật mới để ngăn chặn hiệu quả sự phát tán của thông tin xuyên tạc về đảng và Nhà nước trên các trang của nước ngoài.
Thứ sáu, bám sát tình hình, kịp thời chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng internet và mạng xã hội; phê phán các hành vi sai phạm khi sử dụng mạng xã hội; vạch trần âm mưu, thủ đoạn lợi dụng internet và mạng xã hội để cung cấp các luận điệu sai trái, thông tin xấu độc nhằm chống phá Đảng và Nhà nước của các thế lực thù địch; làm rõ những hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật Việt Nam của các trang mạng nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, đặc biệt là Google và Facebook.
Thứ bảy, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật với mục tiêu để doanh nghiệp nước ngoài phải bình đẳng với doanh nghiệp trong nước, tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam; có chính sách thúc đẩy phát triển mạng xã hội của Việt Nam./.