Trong phần chất vấn gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo cho biết, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng xảy ra nhiều nơi trong phạm vi cả nước. Đặc biệt tại các dự án lớn như khu du lịch, khu đô thị. Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng tập trung tiến hành tổng kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện và xử lý kiên quyết, nghiêm minh, không có “vùng cấm” đối với các tổ chức, cá nhân có lên quan đến vi phạm.
Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Trong những năm gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quản lý trật tự xây dựng trên toàn quốc. Công tác quản lý trật tự xây dựng đã từng bước đi vào nề nếp và có những chuyển biến tích cực; số lượng công trình vi phạm trật tự xây dựng trên cả nước giảm dần qua từng năm. Theo tổng hợp của Bộ Xây dựng từ báo cáo của các Sở Xây dựng địa phương, năm 2016, số công trình có vi phạm trên cả nước là 13.882 công trình, năm 2017 là 10.612 công trình, năm 2018 là 3.249 và 6 tháng đầu năm 2019 là 2.931 công trình.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều nơi trong phạm vi cả nước như đại biểu phản ánh. Một số nguyên nhân chính do: (1) Tại một số địa phương, công tác lập, phê duyệt các loại quy hoạch xây dựng theo quy định (đặc biệt là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) chưa được quan tâm đúng mức, thực hiện còn chậm (toàn quốc tỷ lệ phủ kín quy hoạch 1/500 chỉ đạt 35%, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chỉ đạt 26%). (2) Mô hình tổ chức bộ máy Thanh tra xây dựng đô thị tại các địa phương còn có điểm bất cập, đặc biệt là tại các thành phố lớn (theo quy định của Luật Thanh tra chỉ có ở hai cấp: cấp Bộ và cấp Sở), do vậy, thiếu gắn kết giữa các cấp chính quyền cơ sở và lực lượng Thanh tra của Sở Xây dựng trong việc phát hiện và xử phạt vi phạm trật tự xây dựng. Một số cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức và chỉ đạo thường xuyên đối với công tác quản lý nhà nước về xây dựng và thanh tra, kiểm tra trật tự xây dựng; một số vi phạm trật tự xây dựng chưa được xử lý kịp thời, triệt để. (4) Việc áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình còn khó khăn liên quan đến lực lượng, phương án phá dỡ, chi phí, một số công trình đã bàn giao đưa dân vào ở... (5) Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân, tổ chức, doanh nghiệp chưa cao, nhiều trường hợp cố tình vi phạm mặc dù đã bị phát hiện và nhắc nhở.
Để khắc phục các tồn tại trên, tiến tới hạn chế tối đa các vụ việc vi phạm trật tự xây dựng trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1398/QĐ-TTg ngày 16/10/2019 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 83/2014/QH14 ngày 14/6/2013 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đối với lĩnh vực xây dựng, trong đó đã quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương về thực hiện các giải pháp về quản lý hoạt động xây dựng, bao gồm: (1) Tăng cường công tác rà soát, chấn chỉnh nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng. (2) Tăng cường quản lý, kiểm soát các hoạt động xây dựng và ngăn chặn, phòng ngừa các vi phạm trong xây dựng; (3) Tăng cường kiểm soát, quản lý và ngăn chặn kịp thời, hiệu quả đối với các vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng; (4) Giải pháp về thanh tra, kiểm tra; (5) Hoàn thiện mô hình Thanh tra Xây dựng. Chính phủ sẽ thường xuyên chỉ đạo việc kiểm tra thực hiện.
Về tình trạng lập các dự án “ma”, phân lô bán nền trên đất không phù hợp với quy hoạch, phá vỡ quy hoạch, lừa đảo người dân trong mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất liên tiếp diễn ra trong thời gian dài nhưng việc xử lý khá chậm, để lại hậu quả nặng nề.
Đề cập tới giải pháp để ngăn chặn từ đầu tình trạng trên và phương án xử lý những vụ việc xảy ra trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cho biết: Hình thức kinh doanh phân lô, bán nền đất trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở đã được quy định cụ thể tại Luật Đất đai năm 2013. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền, khu vực được phép thực hiện và các điều kiện để thực hiện việc phân lô, bán nền tại các dự án phát triển đô thị cũng đã được quy định chi tiết, chặt chẽ tại các Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của các Bộ ngành có liên quan. Căn cứ các quy định này, việc phân lô bán bên được triển khai trong thực tiễn đã góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn cho các chủ đầu tư nhất là trong giai đoạn thị trường bất động sản khó khăn trước năm 2013. Mặt khác, quy định này giúp nâng cao khả năng tiếp cận nhà ở của đại bộ phận người dân, đặc biệt đối với những người có nhu cầu mua đất và xây dựng nhà ở trong khi điều kiện thu nhập còn hạn chế. Theo đó, sau khi người dân nhận chuyển quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô bán nền thì việc đầu tư xây dựng vẫn được kiểm soát chặt chẽ theo quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và các quy định khác có liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính từ năm 2013 đến cuối tháng 8/2019, đã có khoảng trên 460 dự án trên địa bàn 43/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc phân lô bán nền. Hầu hết các dự án đã được đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, người dân hoàn thành xây dựng nhà ở theo đúng mẫu thiết kế được duyệt và đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản, tạo lập bộ mặt đô thị mới khang trang, hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nêu trên, trong thực tế hình thức phân lô bán nền cũng có hạn chế, dễ làm cho thời gian hình thành dự án bị kéo dài; đồng thời, một số doanh nghiệp đã cố tình vận dụng sai pháp luật, gây ra tình trạng lập dự án “ma”, phân lô bán nền trên đất không phù hợp với quy hoạch, phá vỡ quy hoạch, lừa đảo người dân trong mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất... như cử tri tỉnh Lâm Đồng phản ảnh.
Để giải quyết các hạn chế nêu trên và nhanh chóng xử lý dứt điểm các vụ việc lừa đảo người dân trong mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất xảy ra trong thời gian gần đây, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm minh và kịp thời các vụ việc vi phạm; chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, đồng thời tăng cường, thắt chặt công tác quản lý đất đai và các hoạt động buôn bán bất động sản trên địa bàn, đồng thời đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về xây dựng và quản lý đô thị cho đội ngũ cán bộ quản lý đô thị các cấp./.