Theo Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, hiện nay, Việt Nam chưa có khả năng thiết kế tổng thể để xây dựng Chính phủ điện tử. Xuất phát thực tiễn hiện nay các cấp sau khi có sự triển khai chỉ đạo của Chính phủ, mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi địa phương tự xây dựng mô hình khác nhau vì chúng ta không có mô hình cấu trúc ngay từ ban đầu để làm mẫu hệ thống Chính phủ điện tử để các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện một cách đồng bộ.
Với thực tế trên, Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại sao không đổi mới cách thức thực hiện bằng cách thu hút các doanh nghiệp công nghệ thông tin tham gia vào xây dựng Chính phủ điện tử hoặc chính quyền có thể đặt hàng các doanh nghiệp thực hiện một số dịch vụ công hay một số công đoạn các dịch vụ công?
Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.
Trả lời chất vấn của Đại biểu Leo Thị Lịch, ngày 08/12/2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Theo đó, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 quy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước.
Tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/19/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử cũng đã đề ra các giải pháp, trong đó xác định: Đẩy mạnh triển khai hình thức thuê doanh nghiệp CNTT thực hiện dịch vụ cho thuê từng phần hoặc thuê trọn gói, bao gồm: Phần cứng, phần mềm, đường truyền, giải pháp... để cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến; khẩn trương hoàn thiện các quy định về điều kiện, thủ tục đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ, sản phẩm CNTT; tạo điều kiện đẩy nhanh thực hiện thuê dịch vụ, sản phẩm CNTT trong các cơ quan Nhà nước, đặc biệt trong triển khai các dịch vụ công có thu.
Với các định hướng trên, trong thời gian tới, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng Chính phủ điện tử và hướng theo hình thức các cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ của doanh nghiệp. Thực tế, việc thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT đã được nhiều cơ quan Nhà nước tại các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện trong những năm qua như: Bộ Y tế, Hà Nội, Lào Cai, Đắk Lắk...; phạm vi thuê rộng cả về phần cứng, phần mềm, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin...
Hiện tại, Dự thảo Nghị định quy định quản lý đầu tư, mua sắm, thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT sử dụng vốn Nhà nước đang xin ý kiến của thành viên Chính phủ cũng đã dành 01 Chương để quy định về việc thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước. Như vậy, có thể nói, chính sách thu hút, mở cửa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp CNTT tham gia vào xây dựng Chính phủ điện tử đã được Chính phủ quan tâm và đang ngày càng được xây dựng đồng bộ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển thị trường CNTT cho Chính phủ theo hướng xã hội hóa, giúp thị trường trở nên minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Trong dự thảo Nghị định quy định quản lý đầu tư, mua sắm, thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT sử dụng vốn Nhà nước nói trên cũng đã quy định khuyến khích các cơ quan Nhà nước ưu tiên lựa chọn hình thức thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn chỉnh các quy định pháp luật, hoàn thiện hành lang pháp lý về thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước./.