Đại biểu Quốc hội Lê Anh Tuấn - Hà Tĩnh phát biểu tại Hội trường
Thứ nhất, Điều 4 của dự thảo về nguyên tắc áp dụng pháp luật, sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã xử lý được một phần mối quan hệ giữa Luật cạnh tranh với các luật chuyên ngành có liên quan. Theo đó, luật khác có liên quan quy định cụ thể hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì ưu tiên áp dụng quy định của luật đó. Việc xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh và vi phạm pháp luật về tập trung kinh tế được thực hiện theo quy định của Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, với quy định như dự thảo dễ dẫn đến cách hiểu là: Khi có vụ việc xảy ra thì chỉ có các vi phạm liên quan đến hạn chế cạnh tranh vào tập trung kinh tế mới được xử lý theo quy định của Luật cạnh tranh. Còn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ được xử lý theo quy định của Luật chuyên ngành. Như vậy, quy định này đã làm vô hiệu hóa xung đột pháp luật với việc xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định ngay trong Luật Cạnh tranh Điều 114 và khoản d Điều 116 của dự thảo.
Hơn nữa, nếu chỉ quy định xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong luật chuyên ngành thì những hành vi mới đưa vào trong dự thảo Luật Cạnh tranh mà chưa được quy định trong luật chuyên ngành như hành vi cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác, hành vi lôi kéo khách hàng bất chính. Những hành vi này sẽ được xử lý theo quy định nào của pháp luật cạnh tranh hay cần được cụ thể hóa trong luật chuyên ngành. Đây là những vấn đề pháp lý rất quan trọng, chi phối quá trình áp dụng pháp luật. Theo đại biểu, cần phải được làm rõ để tiếp tục hoàn chỉnh thêm Điều 4 của dự thảo bảo đảm phù hợp với thực trạng pháp luật về cạnh tranh hiện nay cũng như bảo đảm hiệu lực thực thi của Luật Cạnh tranh khi được ban hành.
Thứ hai, quy định giao thẩm quyền cho Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tại Điều 85 được áp dụng một số biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh như khám phương tiện, khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm là có phần mâu thuẫn với Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Vì, về nguyên tắc, chỉ có các chủ thể được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định mới có thẩm quyền áp dụng các biện pháp này. Trong khi, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia không là 1 trong 13 nhóm chủ thể được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đây là vấn đề cần cân nhắc, xem xét thận trọng để tìm một giải pháp pháp lý phù hợp giải quyết mâu thuẫn này bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Thực tế hiện nay, việc Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có quy định giao cơ quan quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương thực hiện một số biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, khi cần thiết thì cơ quan cạnh tranh vẫn có thể đề nghị sự phối hợp từ phía cơ quan quản lý thị trường hoặc các chủ thể khác có thẩm quyền theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính để thực hiện các yêu cầu về công tác nghiệp vụ và việc phối hợp này có thể được quy định chi tiết trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi)
Thứ ba, đại biểu tán thành với không sử dụng chung các chế tài hành chính cho cả hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, khoản 5 Điều 113 của Dự thảo được thiết kế theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh là chưa phù hợp vì lý do. Nhiều luật chuyên ngành điều chỉnh hành vi không lành mạnh trong những lĩnh vực cụ thể đã có nghị định hướng dẫn, trong đó xác định hành vi nào là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và xác định mức xử phạt cụ thể, không thể nào bằng một nghị định của Chính phủ mà có thể thay thế hết các nghị định đã quy định về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong các lĩnh vực cụ thể. Chỉ nên giao Chính phủ hướng dẫn về xử lý vi phạm hành chính về những hành vi cạnh tranh không lành mạnh mới được bổ sung trong luật này mà luật chuyên ngành khác chưa quy định.
Thứ tư, quy định về năm nhóm quyết định của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia phải được công bố công khai ở Điều 107 của dự thảo là cần thiết. Tuy nhiên, việc công bố công khai chỉ áp dụng đối với các quyết định của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia mà không áp dụng đối với các quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh là toàn diện và chưa đầy đủ theo đúng tinh thần mà Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương TPTPP và các Hiệp định thương mại đa phương khác đã quy định.
Trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp thì cần nội luật hóa và bổ sung các quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh vào diện cũng phải được công bố công khai và đảm bảo rằng các bên liên quan và các thành viên nào quan tâm đều có thể tiếp cận được những quy định này. Có như vậy mới bảo đảm tính minh bạch đồng thời cũng thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam trong việc thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế liên quan đến vấn đề này.