- Táo tợn…
- Hung hãn…
- Manh động…
Đó là hình ảnh thường xuyên xảy ra tại Bệnh viện - nơi mà nhân viên y tế làm nhiệm vụ cứu người, nhưng lại bị nhiều đối tượng có lời lẽ đe dọa, hành hung gây thương tích, thậm chí tử vong.
Những tháng đầu năm 2018, các bác sỹ tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên bị một bệnh nhân xách dao phay vào viện đòi bác sỹ tháo khớp bàn tay vì đã đánh vợ.
Bệnh nhân tử vong trước khi vào bệnh viện nhưng người nhà bệnh nhân lại la hét, chửi bới, đập phá trang thiết bị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Hai bác sĩ Phạm Hải Ninh và Hoàng Đức Trung của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Yên Bái sau khi phẫu thuật lấy thai cho bệnh nhân thì chính bị người thân của sản phụ hành hung dẫn đến thương tích nặng cho 2 bác sĩ.
Trước đó, trong năm 2017 cũng xảy ra hàng loạt các vụ hành hung cán bộ y tế, thu hút sự quan tâm của dư luận:
Một cán bộ Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình bị hành hung gãy xương sống mũi khi đang cấp cứu bệnh nhân.
Bác sĩ bị bố bệnh nhân đập cốc uống nước vào đầu tại Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, thành phố Hà Nội.
20 côn đồ khống chế bác sĩ, chém bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Bác sĩ bị đập máy đo huyết áp vào đầu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang…
Bác sỹ Đỗ Chính Nghĩa, Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình bị người nhà bệnh nhân hành hung khi đang cứu người
Đã nhiều năm công tác trong ngành y, bác sỹ Nguyễn Thu Bùi, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cảm thấy bất an và đau lòng. “Mặc dù cán bộ y tế dốc hết sức để cứu chữa cho bệnh nhân nhưng có một số người nhà bệnh nhân lại không thông cảm, chia sẻ với sự vất vả của nhân viên y tế”, bác sỹ Nguyễn Thu Bùi chia sẻ.
Bác sỹ Nguyễn Thu Bùi, Bệnh viên Phụ sản Trung ương
Còn với bác sỹ Đào Xuân Hải, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng cảm thấy rất buồn, bởi các bác sỹ đã dành nhiều thời gian học tập, nghiên cứu để phục vụ bệnh nhân, nhưng chỉ vì một vài lý do chủ quan hay khách quan mà một số người đã có hành động cũng như lời nói xúc phạm, gây thương tích cho cán bộ y tế.
Bác sỹ Đào Xuân Hải, Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2017 có 84 vụ liên quan đến việc truy sát nạn nhân, hành hung các bác sỹ, cán bộ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm nay, khi cả nước đang có nhiều hoạt động tri ân nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, thì cũng chính trong thời điểm này, liên tiếp xảy ra hang loạt vụ hành hung cán bộ y tế. Đặc biệt tính chất, hành vi của các đối tượng ngày càng manh động, thậm chí các đối tượng còn đạp phá máy móc, cơ sở vật chất của bệnh viện. Bên cạnh việc buông lỏng công tác đảm bảo an ninh trật tự tại của các cơ sở y tế thì vấn đề nhức nhối đang đặc đặt ra, đó là báo động về sự xuống cấp đạo đức xã hội.
Theo Bộ Công an, năm 2018, cả nước xảy ra 84 vụ hành hung cán bộ y tế
Tình trạng người nhà hành hung cán bộ y tế ngày càng gia tăng đang gây tâm lý bất an cho nhân viên y tế, từ cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện tới Trung ương. Nếu được hỏi các bác sĩ, y tá rằng: Điều gì ám ảnh họ nhất trong lúc làm việc? Thì câu trả lời tất yếu luôn là: khả năng bị tấn công khi chăm sóc người bệnh. Ngay cả người đứng đầu ngành Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã từng thốt lên: "Ngành y tế đang quá đơn độc trong việc chống lại bạo hành trong bệnh viện".
Ông Trương Minh Hoàng, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau chia sẻ áp lực, vất vả của cán bộ y tế
Chia sẻ với những vất vả cũng như áp lực mà cán bộ y tế đối mặt hàng ngày, đại biểu Trương Minh Hoàng, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những trường hợp hành hung án bộ y tế. Mặt khác, cơ sở y tế cũng cần bổ sung lực lượng bảo vệ; trang bị thêm hệ thống máy móc như máy ghi hình, máy theo dõi; đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, đặc biệt cơ quan công an, dân quân tự vệ để có sự hỗ trợ kịp thời khi xảy ra sự cố.
PGS.TS Nguyễn Anh Trí, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, thời gian qua tình trạng hành hung cán bộ y tế đang tăng lên cả về số lượng, nặng lên về tính chất. Ông Nguyễn Anh Trí cho rằng, đây là dấu hiệu đáng lo ngại, chứng tỏ sự xuống cấp đạo đức trong xã hội. “Tất nhiên cũng phải thừa nhận, vì lý do chủ quan mà có một vài trường hợp gây ra tử vong cho bệnh nhân. Nhưng điều này khó tránh khỏi vì tại bất cứ quốc gia nào cũng gặp phải, không chỉ ở Việt Nam. Tuy nhiên, không vì vậy mà giải quyết vấn đề bằng nắm đấm mà chúng ta có pháp luật để thực thi”, ông Nguyễn Anh Trí cho biết.
Ông Nguyễn Anh Trí, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Thầy thuốc là nghề cao quý, có nhiệm vụ cao cả là cứu chữa người bệnh, đáng lẽ phải biết ơn thầy thuốc thì nhiều trường hợp người nhà bệnh nhân chỉ vì bất đồng, xích mích nhỏ mà có hành vi và lời nói thiếu chuẩn mực. Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, những chuẩn mực đạo đức thông thường của xã hội đang bị xuống cấp. Vì vậy, bên cạnh lên án tình trạng hành hung bác sỹ, cơ quan chức năng cần có giải pháp bảo đảm môi trường làm việc của các cơ quan nói chung, trong đó có ngành y nói riêng, để cán bộ y tế yên tâm làm việc.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Bệnh viện vốn là môi trường làm việc nhạy cảm. Và công việc cứu chữa người bệnh không thể đạt hiệu quả hữu hiệu nhất khi mà người thầy thuốc luôn phải đối mặt với sự bất an trong công việc. Nếu chưa thể dành cho y, bác sỹ những lời tri ân trân quý nhất thì mỗi chúng ta cũng cần có thái độ, cách hành xử phù hợp để chia sẻ với cán bộ y tế trước những áp lực hàng ngày mà họ phải đối mặt, tiếp thêm động lực cho những người khoác áo blouse trắng hoàn thành nhiệm vụ cao cả - nhiệm vụ cứu người./.