Thứ nhất, Luật Bình đẳng giới đã đưa ra các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới, trong đó tại khoản 4 Điều 6 quy định: "Chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới". Tuy nhiên, trong Báo cáo của Chính phủ khi đề cập đến kết quả thực hiện mục tiêu thứ tư về bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tại phần thực hiện chỉ tiêu số 2 về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản đã đưa ra số liệu là: "Tỷ số tử vong mẹ ở miền núi cao khoảng gấp đôi so với con số toàn quốc và gấp khoảng 3 lần so với tử vong mẹ tại các vùng đồng bằng". Như vậy, ở đây có sự chênh lệch trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung giải pháp để từng bước khắc phục tình trạng nêu trên, để phụ nữ vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người giảm bớt khoảng cách, tạo điều kiện và cơ hội như nhau để phụ nữ giữa các vùng miền đều được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đảm bảo nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới.
Hai là hiện nay nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn, miền núi, vùng biên giới sang nước ngoài làm thuê bất hợp pháp và hệ lụy của vấn đề này là người phụ nữ phải sống tha phương, cảnh vợ xa chồng, mẹ một nơi, con một chốn. Nhiều phụ nữ có thể bị lừa đảo trở thành nạn nhân trong các vụ buôn bán người, bị cơ quan chức năng nước bạn bắt, giam giữ, phạt tiền và lao động công ích. Thậm chí một số trường hợp còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng. Dù biết những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cao nhưng nhiều phụ nữ vẫn phải xuất cảnh trái phép và tình trạng này hàng năm giảm không đáng kể bởi những nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do cuộc sống còn khó khăn, thu nhập thấp, công việc chưa ổn định.
Mặc dù đã có nhiều lớp tập huấn, nhiều đề án, chính sách quan tâm đến lao động việc làm của phụ nữ nhưng đầu ra cho lao động nữ nông thôn sau học nghề còn nhiều trở ngại. Vì vậy, để phụ nữ, nhất là phụ nữ ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, biên giới yên tâm ổn định lao động sản xuất thì cần thiết phải có các giải pháp cụ thể và thiết thực. Ví dụ như các lớp tập huấn đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động việc làm và thu nhập ở địa phương bảo đảm hiệu quả thực chất.
Ba là việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản pháp luật và lồng ghép bình đẳng giới trong thực thi pháp luật đã được chế định trong luật. Nhưng theo số liệu thống kê trong Báo cáo của Chính phủ, hầu hết các văn bản được lồng ghép giới tại 22 tỉnh, thành cung cấp số liệu thì đều có tỷ lệ rất cao, còn 41 tỉnh thành chưa cung cấp số liệu, cho nên con số trung bình trên cả nước vẫn chưa tính được. Tuy nhiên, trên thực tiễn yếu tố về giới vẫn chưa thực sự được quan tâm và thể hiện trong các văn bản cụ thể hóa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới ở các cấp địa phương. Do vậy đại biểu tán thành cao khi Quốc hội đã đưa ra nội dung về bình đẳng giới, việc phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, phụ nữ vào dự thảo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2018.
Bốn là liên quan đến quy định mức lương hưu hàng tháng của người lao động tại Điều 56, Điều 74, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Điều 7 Nghị Định 115 của Chính phủ ngày 11/11/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do quy định công thức tính lương hưu của nữ không có lộ trình thay dần trong vòng 5 năm như của nam giới dẫn đến số lao động nữ nghỉ hưu kể từ năm 2018 có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với nam giới và so với người cùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội nghỉ hưu trong năm 2017, nhất là người có dưới 30 năm đóng bảo hiểm xã hội. Theo đại biểu cách tính này của lao động nữ chưa bình đẳng trong tổng thể nguyên tắc chung về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Năm, cần quan tâm hơn nữa tới nhóm giải pháp truyền thông chú trọng đến tính thực chất, hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền nhằm từng bước xóa bỏ những rào cản về bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực.
Sáu, để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới thì cần xem xét, nghiên cứu lại một số chỉ tiêu của chiến lược đề ra dù đã được triển khai nhưng không có khả năng thu thập đầy đủ số liệu. Việc đánh giá tình hình triển khai và khả năng thực hiện sẽ như thế nào, khi đã đề ra nên có kiểm tra, đánh giá.