Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội Ảnh: N.Huyền
Phải thu hồi tối đa tài sản tham nhũng
Nhiều cử tri bày tỏ phấn khởi, tin tưởng vào những nỗ lực, kết quả mà Đảng, Nhà nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết trong thời gian gần đây, trong đó có công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và công tác cán bộ. Cử tri cho rằng, Đảng đã nhìn thẳng vào những tồn tại, yếu kém, đấu tranh quyết liệt với sự suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; khẳng định quyết tâm Đảng ta không bao giờ khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực.
“Đảng dám nói, dám làm, hành động quyết liệt. Đây là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy đất nước tiếp tục phát triển đi lên. Nhân dân mong rằng Đảng phải làm tốt hơn nữa, Nhà nước phải làm tốt hơn nữa. Chúng tôi sẵn sàng đứng bên cạnh và phía sau Đảng, Nhà nước”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, cử tri quận Ba Đình, Hà Nội, bày tỏ.
Đa số ý kiến cử tri hoan nghênh việc đưa ra xử lý nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó có những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và doanh nghiệp. Các đối tượng vi phạm đã bị xử lý, kỷ luật nghiêm minh, “làm phấn chấn xã hội, yên lòng dân và dân nhìn thấy Đảng khỏe mạnh hơn”, như ý kiến phát biểu của cử tri Trần Viết Hoàn, quận Ba Đình, Hà Nội.
Nhiều cử tri kiến nghị “phải thu hồi tối đa tài sản tham nhũng về cho Nhà nước, có như vậy đất nước mới phát triển lên được, đời sống của dân mới cải thiện được, cuộc chiến chống tham nhũng mới gọi là thắng lợi”.
Tất cả cùng làm mới tạo chuyển động mạnh mẽ
Cử tri cho rằng, việc phải đưa ra xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm “cũng rất đau lòng”, nhất là với những cán bộ trẻ được Đảng tin tưởng, nhân dân kỳ vọng giao trọng trách. Từ những vụ án, vụ việc vừa qua, càng giúp cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý thấm sâu những điều răn bảo của Bác Hồ: “Ai chẳng muốn cơm no áo ấm. Nhưng cuộc sống vật chất hết đời người là hết. Còn tiếng tăm tốt, xấu truyền đến ngàn đời sau.”
Cử tri nêu một thực tế là Trung ương đã và đang vào cuộc quyết liệt, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc có hiệu quả, đưa ra xét xử nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng với nhiều mức hình phạt nghiêm khắc. Nhưng vấn đề là ở các địa phương, tình hình chưa có nhiều chuyển biến; bằng chứng là có những vụ việc “đã rõ như ban ngày” như ở Yên Bái, Thanh Hóa… nhưng còn chậm trong việc đưa ra kết luận thanh tra, kiểm tra.
Cử tri mong muốn, Trung ương và địa phương phải cùng hành động. Ủy ban kiểm tra các tỉnh, thành phố phải làm mạnh như Ủy ban Kiểm tra Trung ương; phải tiếp tục chỉ đạo làm quyết liệt, phải có “bàn tay sắt”; tăng cường sự tham gia của báo chí trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Toàn Đảng, toàn dân và cả nước cùng làm thì mới tạo chuyển động mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện.
Giảm tối đa tình trạng luật chờ nghị định, thông tư
Cử tri đề nghị nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tính ổn định, lâu dài, tránh vừa ban hành đã sửa, giảm tối đa tình trạng luật chờ nghị định, thông tư hướng dẫn; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân. Quốc hội cần tiếp tục đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, cùng với 4 kỳ tiếp xúc mỗi năm, cần tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tiếp xúc cử tri nơi cư trú… Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát tối cao, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu, mong muốn của cử tri và nhân dân.
Cử tri cho rằng, cần tăng cường kỷ cương phép nước, tập trung xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đồng thời với phát triển kinh tế, đẩy mạnh công tác đối ngoại, nâng cao vị thế đất nước trên cả bình diện song phương và đa phương. Đặc biệt, Tuần lễ cấp cao APEC sắp tới tổ chức tại Đà Nẵng, cần được chuẩn bị chu đáo, bảo đảm an toàn tuyệt đối, thành công tốt đẹp.
Vui mừng với khả năng năm nay sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, song cử tri cũng lưu ý những khó khăn, thách thức đang đặt ra như nợ công, nợ xấu tăng cao; hệ thống ngân hàng tuy có nhiều chuyển biến tốt nhưng còn để xảy ra nhiều sai phạm; việc cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước còn chậm trễ… Nhiều cử tri bày tỏ sự quan tâm, lo ngại về nội dung đổi mới giáo dục và đào tạo, các khoản thu đầu năm học cần có tiêu chí, quy chế rõ ràng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng an ninh; phát triển giao thông đô thị; an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân...
Nguồn sinh lực mới, sức sống mới
Cảm ơn những ý kiến xác đáng, tâm huyết, trách nhiệm và hết sức phong phú của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, mỗi cuộc tiếp xúc cử tri như tiếp thêm nguồn sinh lực mới, sức sống mới, thêm sức mạnh, niềm tin, giúp các đại biểu Quốc hội hiểu biết thêm thực tiễn, từ đó làm tốt công việc của mình.
Tổng Bí thư cho biết: Kỳ họp sắp tới của Quốc hội dự kiến diễn ra từ ngày 23/10-22/11, tập trung vào công tác xây dựng pháp luật, thảo luận, thông qua một số luật, cho ý kiến lần đầu một số luật khác, trong đó có Luật Quy hoạch, Luật Phòng, chống tham nhũng… Là kỳ họp cuối năm, tại Kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách năm 2018; bổ sung vấn đề nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Trao đổi về từng vấn đề cử tri nêu, Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải bình tĩnh xem xét mọi mặt, với phương châm biện chứng, lịch sử, cụ thể, toàn diện, nhìn về tương lai, hướng vận động phát triển… như Bác Hồ dạy, cốt để sửa, để tiến bộ, trưởng thành, tốt nhất là tự giác thấy mà sửa; nhưng cũng phải thấy hết những thành tích, cố gắng của toàn Đảng, toàn dân ta.
Tổng Bí thư chỉ rõ: Từ sau Đại hội XII đến nay, đất nước ta có bước chuyển mình, kinh tế - xã hội ổn định hơn, quan hệ đối ngoại, vị thế quốc tế của nước ta ngày càng được nâng cao. Nhìn tổng thể, chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ như thế này. Tự hào về những thành tựu, kết quả đã đạt được, tuy nhiên “Chúng ta không được chủ quan, thách thức còn nhiều, còn gian nan, ngay từ trong nội bộ, đấu tranh mà giữ được ổn định để phát triển, đấu tranh để đoàn kết tốt hơn chứ không phải để làm đổ vỡ, đúng như có bác cử tri nói, xử lý không phải là cốt để xử lý, cứ tử hình, xử lý thật nặng mới tốt, mà cái chính là làm cho người ta giác ngộ, tự nhận thấy để tiến lên, để thu hồi cho được nhiều tài sản, để tất cả mọi người đừng đi theo vết xe đổ ấy…”.
Kỳ họp Trung ương vừa qua thống nhất rất cao, bầu bổ sung Ban Bí thư với số phiếu rất tập trung, xử lý cán bộ rất nghiêm khắc. Về đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đúng như ý kiến cử tri đã chỉ ra, cấp trên làm mạnh hơn cấp cơ sở, các địa phương phải cùng làm, tất cả cùng vào cuộc, phê phán chỗ khác nhưng mình vẫn chẳng có gì thì không tiến bộ được. “Các bác nêu ý kiến rất sâu sắc, cả mặt được và không được, cái gì tiến bộ thì phải làm tiếp, dân ủng hộ, nếu mất lòng tin của dân là mất tất cả, từng người phải chuyển, tất cả phải chuyển, vì trách nhiệm với đất nước này”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Xử lý để cảnh tỉnh cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa
Đặt vấn đề tại sao việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm lại được nhân dân hoan nghênh, đồng tình như vậy, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Làm việc gì hợp lòng dân thì mới thành công, mất niềm tin của dân là mất tất cả.
Lấy của công làm của mình, lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí… không phải chỉ nước mình mới có, không phải bây giờ mới có, mà đã có từ xa xưa. Cách đây 90 năm, Bác Hồ đã viết tác phẩm: “Đường cách mệnh” và phần đầu tiên trong cuốn sách là viết về tư cách người cách mạng. Năm 1947, Bác lại viết “Sửa đổi lối làm việc” về giữ gìn phẩm chất đạo đức của người cán bộ cách mạng… Qua đó để thấy cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một công việc khó khăn phức tạp, phải kiên trì, kiên quyết, giải quyết được việc này nó lại ra việc khác, xong việc này lại ra việc khác. Đây là cuộc chiến đấu cam go gian khổ, cho nên phải kiên quyết, kiên trì, phải có cách làm đúng, phương pháp đúng, trên dưới một lòng.
Tổng Bí thư khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước là phải làm, càng khó càng phải làm, không có vùng cấm trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Trong xử lý vi phạm, ta cũng rất nhân văn, xử một vài người để cứu muôn người, để cảnh tỉnh cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa, mở đường cho người ta tiến chứ không phải vùi dập người ta. Bởi vậy, phải hết sức bình tĩnh, làm cho có hiệu quả, không gây xáo trộn xã hội, tất cả cùng làm, không ai đứng ngoài cuộc. Mượn dẫn lời thơ Tố Hữu: “Mỗi lần ngã là một lần bớt dại; Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?”. Tổng Bí thư nhấn mạnh, điều quan trọng là phải tự giác nhìn lại, phải tìm cách tự mình đứng dậy.
Trước sự quan tâm của nhiều cử tri về công tác tổ chức cán bộ, Tổng Bí thư chỉ rõ: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Trong công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ là then chốt của mọi then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Cán bộ là gốc. Phải có phương thức lãnh đạo, phương thức làm việc cho đúng. Hội nghị Trung ương 6 vừa qua thành công chính là chấn chỉnh một bước về tổ chức cán bộ, phương thức lãnh đạo và hiệu quả làm việc của cả hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập. Cán bộ phải hết sức gương mẫu. Tổ chức bộ máy phải trong sạch. Tất cả phải cùng làm.