Thứ hai, về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, tại Điều 16 quy định rất chung và có tính nguyên tắc về quản lý rủi ro đối với hoạt động hải quan. Trong khi nội dung này rất quan trọng là gốc rễ để đáp ứng mạnh mẽ yêu cầu hiện đại hóa hải quan. Do đó cần chi tiết hóa và bổ sung quy định về quản lý rủi ro, quy trình quản lý rủi ro, thông tin nghiệp vụ hải quan, đồng thời cụ thể hóa các nội dung về quyền hạn, trách nhiệm, đặc biệt giải trừ trách nhiệm của cán bộ, công chức hải quan trong quá trình áp dụng quản lý rủi ro.
Nội dung thứ ba, về kiểm tra, giám sát hải quan xử lý hàng tồn đọng. Trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ, hàng hóa thiết bị nhập khẩu vào nước ta ngày càng nhiều cả chính ngạch và tiểu ngạch, trong dự án và đơn lẻ cùng với hàng hóa có chất lượng thì không ít hàng tồn đọng gây ô nhiễm môi trường phải xử lý đưa ra khỏi Việt Nam.
Tại Điểm b, Khoản 5, Điều 57 đã tiếp thu theo hướng đối với hàng gây ô nhiễm môi trường, người vận chuyển có trách nhiệm vận chuyển hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp không xác định được thì ngành hải quan phải đứng ra phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan thực hiện tiêu hủy. Chúng tôi cho rằng động thái này là cần thiết nhưng chưa đủ, đề nghị:
Thứ nhất, không chỉ xử lý đối với hàng gây ô nhiễm môi trường mà còn cả những hàng khác cần rà soát hàng độc hại, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống nhân dân, những hàng không đủ tiêu chuẩn về kỹ thuật, về kinh tế.
Thứ hai, quy định rõ cơ chế phối hợp với chính quyền địa phương trong việc xử lý tình huống này.
Thứ ba, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý những hành vi không chấp hành các quy định trên.
Thứ tư, về điều kiện thành lập kho ngoại quan, kho bảo thuế và thu gom hàng lẻ. Qua tiếp xúc một số doanh nghiệp, các ý kiến đề nghị nên phân cấp thẩm quyền và thành lập gia hạn thời gian hoạt động và tạm ngừng thành lập kho ngoại quan và kho bảo thuế. Giao cho Cục trưởng hải quan và Chi cục hải quan để thực hiện. Dự thảo luật tiếp thu theo hướng giao cho Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan. Chúng ta sẽ xuất phát từ vai trò của kho ngoại quan, kho bảo thuế trong địa bàn hoạt động hải quan, giúp cho việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với các loại hàng hóa gửi tại kho này. Tại Khoản 4, Điều 61 đã giao cho Chính phủ quy định cụ thể. Do đó, chúng tôi đề nghị không cần quy định tại Khoản 3 đã giao cho Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan mà thẩm quyền này giao cho Chính phủ, Chính phủ sẽ phân cho Bộ trưởng Bộ Tài chính để hướng dẫn.
Cuối cùng về thẩm quyền của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Với đặc thù của hoạt động chống buôn lậu, phạm vi địa bàn ở vùng giáp biên giới, vùng biển, sân bay thì nhất trí với quy định thẩm quyền của cơ quan hải quan, công chức hải quan theo pháp luật xử lý vi phạm hành chính và vận dụng quy định của pháp luật tố tụng hình sự và tương ứng với đó là sửa đổi một số quy định có liên quan trong luật này tại các điều khoản thi hành. Trường hợp căn cứ cho rằng qua hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì tán thành cao việc trao thẩm quyền cho Chi cục trưởng Chi Cục hải quan, đội trưởng đội kiểm soát hải quan và đội trưởng đội kiểm soát trên biển được dừng phương tiện và các hành vi khác. Tuy nhiên, để chặt chẽ thì vẫn phải theo trình tự, thủ tục của Luật xử lý vi phạm hành chính.