Thứ nhất, về giá trị pháp lý của văn bản công chứng, qua thực tế và qua tiếp xúc cử tri rất nhiều cử tri băn khoăn về giá trị pháp lý của văn bản công chứng. Theo quy định thì những hồ sơ, giấy tờ, hợp đồng giao dịch khi đã qua công chứng thì bản công chứng có giá trị về mặt pháp lý, thế nhưng các hợp đồng, hồ sơ giao dịch được quy định tản mát ở các văn bản luật và các văn bản dưới luật khác nhau, gây khó khăn, tốn kém về thời gian, tiền bạc cho người dân khi thực hiện các hợp đồng giao dịch, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Chẳng hạn như khi muốn vay vốn thì người dân công chứng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đến ngân hàng lại đặt ra quy định phải có bản chứng thực của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và người dân phải trả tiền chứng thực. Hoặc khi mua bán tài sản như xe máy phải qua công chứng thế nhưng người dân phải có bản báo cáo là đã mua tài sản cho công an. Tôi đề nghị cần có quy định thống nhất về hợp đồng giao dịch giữa các văn bản luật trong hợp đồng công chứng để giảm thiểu khó khăn phiền hà cho người dân cũng như là thực hiện tốt về việc cải cách thủ tục hành chính.
Thứ hai, về giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên, tôi đề nghị cần phải có quy định về độ tuổi của công chứng viên. Tôi đồng ý việc hành nghề công chứng là công việc có tính đặc thù đòi hỏi tính chính xác, tính chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao. Vì vậy, quy định như phương án 2 dự thảo luật để tận dụng những kiển thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của những người làm công việc này. Tuy nhiên, quy định như vậy là đúng nhưng chưa phù hợp, vì hiện nay cả nước có 658 tổ chức hành nghề công chứng với 138 phòng công chứng và 520 văn phòng công chứng, có 1490 công chứng viên được bổ nhiệm hành nghề, trong số công chứng viên đang hành nghề công chứng thì công chức chiếm đến 2/3 tổng số công chứng viên cả nước. Như vậy trên thực tế có 2 loại công chứng viên, đó là công chứng viên là viên chức nhà nước làm trong các phòng công chứng, công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động tại các văn phòng công chứng, công chứng viên không phải là viên chức nhà nước mà họ tự tổ chức hành nghề bằng hình thức lập văn phòng công chứng.
Mặc dù làm việc ở 2 hình thức tổ chức hành nghề công chứng khác nhau nhưng về địa vị pháp lý của công chứng viên hành nghề công chứng và giá trị pháp lý của văn bản công chứng là như nhau. Việc hành nghề của từng đối tượng nêu trên sẽ tuân theo quy định tương ứng của pháp luật về lao động viên chức và các văn bản khác có liên quan. Do vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo cần có cơ sở pháp lý cụ thể quy định công chứng viên được hành nghề để khi đủ 65 tuổi không phân biệt nam, nữ.
Về nguyên tắc hành nghề công chứng, vấn đề này tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Huỳnh Nghĩa ở Đà Nẵng. Tôi vẫn còn băn khoăn tại Khoản 3, Điều 4 quy định: "không vì mục đích lợi nhuận", tôi đồng ý với lý do mà Bộ Tư pháp đưa ra quy định này. Tuy nhiên dù là hoạt động kinh doanh dịch vụ đặc thù thì tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ công chứng vẫn lấy mục tiêu lợi nhuận làm chính khi bỏ vốn thành lập văn phòng công chứng. Nếu không vì lợi nhuận thì không ai bỏ vốn ra đầu tư. Hơn nữa, trong dự thảo luật cũng đã thừa nhân công chứng là một loại dịch vụ, đã là cung cấp dịch vụ thì lợi nhuận luôn được các nhà đầu tư quan tâm. Do vậy, nếu Luật công chứng coi công chứng là một loại hình dịch vụ phi lợi nhuận thì tôi chắc chắn rằng không ai bỏ vốn ra để thành lập các văn phòng công chứng.
Theo quy định hiện hành Văn phòng công chứng hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp, không có sự bao cấp của Nhà nước nên dù cung cấp dịch vụ công ích thì hoạt động của tổ chức này cũng không thể không tính đến yếu tố lợi nhuận. Mặt khác, quy định nguyên tắc hành nghề công chứng không vì mục đích lợi nhuận cũng sẽ mâu thuẫn với quy định cho phép chuyển đổi phòng công chứng hay chuyển nhượng văn phòng công chứng và quy định này còn làm hạn chế xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ công, đồng thời làm hạn chế việc phát triển mạng lưới văn phòng công chứng. Do vậy, tôi đề nghị cần quy định rõ chế định này khi áp dụng cho cả tư nhân và các cơ quan sự nghiệp của Nhà nước để đảm bảo tính khả thi của dự thảo luật. Trên đây là một số ý kiến tham gia dự thảo Luật công chứng.