ĐBQH NGUYỄN THỊ THU HÀ: NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ CỦA CÁC LUẬT, NGHỊ QUYẾT, CHÍNH SÁCH DO QUỐC HỘI BAN HÀNH
Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội. Với sự tham gia tích cực, chủ động của nữ đại biểu, các cơ quan dân cử đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, vì lợi ích của cử tri. Năng lực, tầm nhìn và sự đóng góp của các nữ đại biểu đã góp phần tạo nên những dấu ấn tích cực cho hoạt động chung. Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương khẳng định, vai trò của phụ nữ trong các cơ quan dân cử đang ngày càng được khẳng định và nâng cao.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Phóng viên: Vai trò của phụ nữ trong cơ quan dân cử hiện nay đang ngày càng được nâng cao. Đại biểu có nhận định gì về thực tế này?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Có thể khẳng định, phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng trong các cơ quan dân cử.
Trước tiên nói về số lượng, qua các nhiệm kỳ Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, số lượng đại biểu nữ ngày một tăng lên. Tỷ lệ trúng cử của nữ đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đạt cao nhất từ trước tới nay. Trong đó nữ đại biểu Quốc hội là 151 đại biểu (đạt 30,26%); nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh là 1079 đại biểu (đạt 29%, cao hơn nhiệm kỳ 2016 – 2021 là 2,44%); nữ đại biểu HĐND cấp huyện là 6557 đại biểu (đạt 29,08%, cao hơn nhiệm kỳ 2016 – 2021 là 1,58%; nữ đại biểu HĐND cấp xã là 68256 đại biểu (đạt 28,48% cao hơn nhiệm kỳ trước 1,89%)
Bên cạnh số lượng các nữ ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp tăng qua các nhiệm kỳ thì chất lượng hoạt động của các nữ đại biểu cũng ngày một chuyên nghiệp và nâng cao hơn. Nhiều đại biểu nữ giữ vai trò, trọng trách quan trọng trong các cơ quan dân cử; là các Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn chuyên trách các đoàn ĐBQH, là lãnh đạo các Uỷ ban và các cơ quan của Quốc hội. Đặc biệt, các nữ ĐBQH khoá XV hoạt động vô cùng tích cực và hiệu quả, từ việc tham gia phát biểu trên nghị trường đến các hoạt động khác của Quốc hội. Cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các nữ ĐBQH trong hoạt động xây dựng pháp luật và các vấn đề trọng đại của đất nước.
Phóng viên: Tham gia vào cơ quan dân cử là một vinh dự lớn lao, nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề. Các nữ đại biểu đã gặp phải những thách thức gì trên cương vị của mình, thưa đại biểu?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Các nữ đại biểu quốc hội và HĐND các cấp luôn nỗ lực không ngừng, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân. Có những khó khăn rất đặc trưng về giới mà các đại biểu nam không gặp phải. Ví dụ như nhiều nữ đại biểu tuổi còn rất trẻ, trong thời gian làm đại biểu dân cử còn mang trọng trách sinh con, nuôi con nhỏ rất vất vả.
Là ĐBQH từ khoá XIV, tôi chứng kiến có những nữ ĐBQH mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ khi là ĐBQH, đặc biệt trong các kỳ họp tập trung, các bà mẹ có con chưa cai sữa đã phải mang con cùng đến Thủ đô Hà Nội dự họp. Đó là cả một nỗ lực lớn. Việc tham gia các kỳ họp tập trung của Quốc hội thường diễn ra trong khoảng từ 4- 6 tuần, mỗi năm có hai kỳ họp. Là người phụ nữ lo toan mọi công việc gia đình, để “đi vắng” trong ngần ấy thời gian, mỗi chị em đều phải thu xếp, toan lo rất nhiều. Thế nhưng trên nghị trường, chúng ta đều chứng kiến sự hết mình vì công việc của các nữ ĐBQH.
Các nữ đại biểu Quốc hội bên hành lang hội trường Diên Hồng
Với các đại biểu kiêm nhiệm, riêng việc thu xếp thời gian để vừa đảm bảo việc gia đình, vừa đảm bảo việc chuyên môn ở cơ quan, vừa hoàn thành tốt trách nhiệm người đại biểu nhân dân quả là một bài toán không hề đơn giản, trong khi thời gian vật chất của mỗi người là như nhau. Những trọng trách về giới của người phụ nữ như mang thai, sinh con, nuôi dạy con, chăm sóc, thu vén gia đình chiếm rất nhiều thời gian, công sức, đòi hỏi phụ nữ phải nỗ lực rất lớn.
Hơn thế nữa, để vượt qua được những rào cản vô hình là định kiến giới để hoạt động tích cực, cống hiến cho công việc và sự nghiệp cũng là điều mỗi nữ đại biểu dân cử phải rất bản lĩnh và cố gắng. Việt Nam là nước có nhiều thành tích đáng tự hào trong quá trình thực hiện bình đẳng giới, nhưng cũng phải nói thêm rằng cho đến ngày hôm nay, rào cản định kiến giới vẫn còn là thách thức đối với phụ nữ nói chung và phụ nữ làm chính trị nói riêng.
Về cấu tạo sinh học, sức khỏe thể chất của phụ nữ cũng không mạnh mẽ được như nam giới. Chính bởi vậy, khi gánh vác nhiều trọng trách, vấn đề sức khoẻ cũng là một thách thức đối với người phụ nữ. Tôi rất tự hào khi thấy các nữ đại biểu dân cử của chúng ta không những giỏi việc nước, đảm việc nhà mà còn rất giàu năng lượng và xinh đẹp ở tất cả mọi lứa tuổi.
Phóng viên: Nhiều thách thức là vậy, theo đại biểu, những cơ hội nào mở ra đối với người phụ nữ khi tham gia vào các cơ quan dân cử?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi thấy, tham gia các cơ quan dân cử, phụ nữ có nhiều cơ hội. Chúng tôi vẫn nói vui với nhau đó là những “cơ hội vàng’’.
Cơ hội trước tiên là sự trưởng thành trong công việc. Để làm người đại biểu của nhân dân, yêu cầu mỗi cá nhân phải có sự rèn luyện và nỗ lực không ngừng. Thông thường, mỗi người sẽ được đào tạo ở một chuyên ngành nhất định, ra công tác sẽ phụ trách phần công việc thuộc về lĩnh vực mình được đào tạo. Nhưng làm đại biểu dân cử, tính chất công việc đặc biệt hơn rất nhiều. Muốn tham gia được ý kiến vào những vấn đề quan trọng của địa phương, của đất nước, mỗi đại biểu đều phải tự học, tự tìm hiểu để thu nhận cho mình những kỹ năng và kiến thức khá phong phú, đa dạng.
Hơn thế nữa, trong quá trình làm đại biểu dân cử, phụ nữ sẽ có cơ hội rèn luyện bản lĩnh của mình. Khác với nam giới, phần đông phụ nữ Việt Nam vẫn có tâm lý khá e dè khi tham gia các diễn đàn xã hội, các vấn đề chính trị. Tham gia cơ quan dân cử, người phụ nữ có cơ hội để đánh giá, nhìn nhận vấn đề, nói lên và bảo vệ chính kiến. bảo vệ lẽ phải gắn liền với nguyện vọng chính đáng của nhân dân, của cử tri. Qua theo dõi tôi thấy rất nhiều nữ đại biểu dân cử có sự trưởng thành vượt bậc trong công việc khi tham gia các cơ quan dân cử, đặc biệt là với các nữ đại biểu Quốc hội.
Thêm nữa, là đại diện cho cử tri, cho nhân dân, phụ nữ có ưu thế mềm mỏng, dễ lắng nghe và thấu hiểu. Cho nên công việc của một đại biểu dân cử lại tiếp tục bổ trợ cho phụ nữ phát huy những thế mạnh về giới của mình trong cả công việc chuyên môn lẫn trong gia đình: lắng nghe nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn, thấu hiểu nhiều hơn…
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!