ĐBQH NGUYỄN MINH ĐỨC: DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI) CẦN RÀ SOÁT KỸ, CỤ THỂ HÓA 9 NỘI DUNG TRONG NGHỊ QUYẾT SỐ 15-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ HÀ NỘI

11/12/2023

Góp ý vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng dự án Luật này cần được rà soát, đánh giá đầy đủ 9 nội dung và thể chế hóa, cụ thể hóa 9 nội dung này trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng và nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 27/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Qua nghiên cứu dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh nhận thấy có rất nhiều điểm tiến bộ mà Ban soạn thảo mong muốn Thủ đô Hà Nội phát triển với những kỳ vọng rất lớn. Tuy nhiên theo quan điểm của đại biểu, dự án Luật này cần được rà soát và đánh giá đầy đủ 9 nội dung trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng và nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, cần lưu ý 9 nội dung như sau:

Thứ nhất, tổ chức chính quyền thành phố Hà Nội theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong các điều khoản của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định về chính quyền cấp thành phố, chính quyền cấp quận, cấp xã là Hội đồng nhân dân, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Đức bày tỏ băn khoăn sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hiện đại như thế nào?

Đại biểu nhận thấy, gắn với công cuộc chuyển đổi số, những con người đó ngoài năng lực về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực về quản lý nhà nước, về quản lý kinh tế ở tầm các cấp vĩ mô và vi mô, về phương diện của Thủ đô thì cần phải có những yêu cầu như thế nào về ngoại ngữ, về trình độ công nghệ thông tin trong vấn đề quản lý số hóa như nào mới đáp ứng yêu cầu về tinh gọn? Mặc dù dự án Luật đã có những định hướng quy định nhưng đại biểu đề nghị cần có đánh giá một cách đầy đủ cả về những vấn đề thực tiễn, cần phải làm rõ vấn đề này.

Thứ hai, phương hướng trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị là cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô. Đại biểu đề nghị cần phải đánh giá đầy đủ, ở Thủ đô Hà Nội cũng giống như Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều nhân tài của đất nước đều về hai thành phố lớn này. Muốn đánh giá được đầy đủ thì phải có những quy hoạch cả về chiến lược, về công việc và vị trí việc làm thì mới có thể đạt được mục tiêu Nghị quyết của Bộ Chính trị.

“Sau khi học xong, những nhân tài này sẵn sàng ở lại Thủ đô hoặc Tp.Hồ Chí Minh cống hiến, một môi trường cạnh tranh rất cao, như vậy sẽ rất dễ lựa chọn được nhân tài, nhưng vị trí, việc làm cũng như tạo ra cho những nhân lực đó được thỏa nguyện việc cống hiến ở Thủ đô cũng như ở Thành phố Hồ Chí Minh thì phải có sân chơi. Rõ ràng trong trường hợp này cũng phải được đánh giá một cách đầy đủ”, đại biểu phân tích thêm.

Thứ ba, hoàn thiện các quy định về quy hoạch quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông thủ đô. Đại biểu cho rằng, đây là một nỗi trăn trở. Nhìn thực tế hiện nay, tình trạng dân số quá tải, hạ tầng giao thông còn quá eo hẹp so với tỷ lệ người dân. Do đó, với một cơ chế được quy định trong Luật này phải bứt phá được để cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, muốn vậy thì cần đánh giá một cách đầy đủ thực tế hiện nay về hạ tầng giao thông đô thị của Thủ đô, cụ thể hóa trong luật với những văn bản hướng dẫn, gắn với tính đặc thù của Thủ đô mới có thể phát triển được.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức nhận thấy, nếu chỉ quy định trong Luật thì đã được thấy rất rõ, rất hay nhưng quan trọng là thực hiện được như thế nào với thực tế đang là một thách thức của các nhà quản lý. Trong khi đó, chúng ta phải hướng tới Thủ đô hiện đại như các nước. Vấn đề là phải làm sao đưa dân vào các khu đô thị, dành đất cho giao thông, dành đất cho công viên cây xanh để giải trí, dịch vụ công cộng cho người dân thì mới đáp ứng được yêu cầu này. Đồng nghĩa bây giờ phải phát triển được đường sắt đô thị, phải có tàu điện ngầm, nhưng thực tế rất khó. Với hệ thống đường trên cao hiện này, đại biểu cho rằng, hiệu quả chưa được đánh giá một cách đầy đủ. Cho nên, mặc dù đã được quy định trong Luật nhưng mục tiêu này cần phải được quan tâm.

Thứ tư, về quy hoạch, đại biểu Nguyễn Minh Đức kiến nghị cần tính đến Luật Quy hoạch hiện nay cũng như Luật Đất đai đang sửa đổi. Hiện nay Luật Đất đai (sửa đổi) Điều 9 quy định về phân loại các loại đất. Nhưng đại biểu bày tỏ băn khoăn, thực tế đất ở Hà Nội, toàn bộ đất ngoài bờ đê sông Hồng thì địa vị pháp lý của đất đó như thế nào, đang tồn tại rất nhiều công trình, kể cả công trình công cộng, công trình của các cơ quan, công sở cũng như người dân. Luật Đất đai hiện nay đã giải quyết chế độ pháp lý cho vấn đề đó hay chưa, chưa giải quyết được thì Luật Thủ đô này có thực hiện được quy hoạch đó hay vẫn còn nhìn thấy sự nhếch nhác của việc phát triển thiếu sự quản lý đồng bộ tại các khu vực đất ở ngoài đê sông Hồng. Đại biểu cho rằng, nếu vậy thì không thể nhìn thấy một Thủ đô theo đúng kỳ vọng như trong Nghị quyết cũng như trong Luật này. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, cần tính toán một cách đầy đủ và phải có đánh giá kỹ, đồng thời xin cơ chế đặc thù rất rõ trong Luật này thì mới giải quyết được bài toán này.

(Ảnh minh họa)

Thứ năm, vấn đề cơ chế, chính sách xây dựng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Đại biểu Đoàn Tp.Hồ Chí Minh nhận thấy, đây cũng là một bài toán cần tính đến. Mặc dù trong luật đã quy định nội dung này nhưng phải được đánh giá một cách đầy đủ là thực lực và khả năng của nó trong các vùng, miền khi chúng ta đã đưa cả Hà Tây về thành một Thủ đô rất rộng. Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, phong tục, tập quán, văn hóa của mỗi địa phương, ngay kể cả các huyện, thị của thành phố Hà Nội có những đặc trưng khác nhau. Chính vì thế, quy định trong Luật phải có những đánh giá đầy đủ để tính tương lai và các cấp độ thời gian để thực hiện làm sao đạt được mục đích.

Thứ sáu, vấn đề cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo Thủ đô. Ở đây trong dự án Luật đã có quy định rất rõ tại Điều 23 nhưng nêu lên rất nhiều mục tiêu và tiêu chí về văn hóa. Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, mục tiêu rất lớn lao nhưng quá trình thực hiện phải có lộ trình, cần có quy định cụ thể. Tuy nhiên tại khoản 2 của Điều 23 mới chỉ quy định về vấn đề đầu tư cho nguồn lực phát triển thành tích cao chủ yếu tập trung phát triển thành tích cao, xây dựng các công trình thể thao hiện đại đạt chuẩn khu vực thế giới, đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên đạt trình độ quốc gia, quốc tế. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp.

“Đây mới chỉ là một mặt. Thủ đô ở đây với số lượng 10 triệu dân, phải có một mảng là những người dân được thụ hưởng và phát triển thể thao. Nếu không quy định như vậy thì tất cả những công dân ở đây có những nơi nào, những trung tâm thể thao nào để họ tập luyện, đảm bảo sức khỏe?”, đại biểu băn khoăn.

Hiện dự án Luật mới chỉ nhấn mạnh làm sao đạt thành tích cao, không có những nội dung phục vụ người dân. Do vậy, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị cần có những điều khoản quy định để hướng tới phục vụ người dân được phát triển về thể lực, về thể chất trong quá trình hoạt động thể thao, đáp ứng nhu cầu đó.

“Bây giờ những khu dân cư, người dân chỉ mong có những hành lang gọi là đường nội bộ để người dân chạy bộ, đi bộ trong đó cũng chưa có, các trường phổ thông chưa đủ các lớp để học, chưa nói những cơ sở vật chất dụ như bể bơi, sân tập thể thao về điền kinh cũng không có đất để cho học sinh các cấp học. Vậy trong điều khoản của Luật Thủ đô cần sửa đổi và khắc phục điều này”, đại biểu nêu dẫn chứng. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể như vậy thì mới có hành lang pháp lý để hướng tới điều đó và tất cả các công dân Thủ đô phải được tập luyện thể dục thể thao trong môi trường mà Thủ đô đang hướng tới.

Thứ bảy, vấn đề huy động, sử dụng phát triển tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Nội dung này đã được dự án Luật quy định nhưng đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, cần cụ thể theo lộ trình rõ ràng.

Thứ tám, cơ chế phát triển chính sách hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững. Đại biểu nêu rõ, với sự quá tải của các bệnh viện ở Thủ đô cũng giống như ở Thành phố Chí Minh, nếu như các bệnh viện chỉ phục vụ những người dân của Thủ đô thì thực tế đã đáp ứng theo quy định và mong ước của chúng ta hiện nay hay chưa?

Trong khi đó, ở Thủ đô, các bệnh viện tuyến trung ương phải có trách nhiệm chăm sóc y tế, chữa bệnh cho tất cả những người dân ở khắp mọi miền đất nước có nhu cầu khám, chữa bệnh. Vấn đề đặt ra là phải giải quyết được bài toán rất khó khăn trong vấn đề y tế. Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, muốn giải quyết được phải có nhiều bệnh viện hơn, có nhiều lực lượng y tế để thực hiện nhiệm vụ này. Vấn đề đất quy hoạch, đền bù giải tỏa cho việc xây dựng các trung tâm y tế, bệnh viện, đào tạo đội ngũ này như thế nào? Hiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) mới chỉ nêu ra nhưng chưa quy định một cách cụ thể về lộ trình. Do đó, đại biểu cho rằng cần bổ sung một cách đầy đủ hơn mới đáp ứng được yêu cầu này.

Thứ chín, cơ chế, chính sách liên kết phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm. Đại biểu nhận thấy, đây cũng là một tiêu chí, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã một phần thể chế hóa được nội dung của Đảng, quan điểm của Đảng, nhưng các quy định trong dự thảo Luật này mới chỉ là phác thảo ban đầu, chưa rõ lộ trình thực hiện như thế nào về vấn đề liên kết vùng.

Vì vậy, đại biểu đề nghị liên kết vùng phải tính toán đến vấn đề quy hoạch các vùng xung quanh, các tỉnh, thành phố giáp ranh với Thủ đô tạo thành sự liên kết vùng gắn với đặc thù và năng lực phát triển kinh tế của các khu vực liên vùng.

Với các phân tích nêu trên, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, cần nghiên cứu kỹ 9 nội dung này trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị thì mới có thể thể chế hóa được trong các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi). Trên cơ sở các điều luật quy định được thể chế hóa như vậy, cần cố gắng thể chế đầy đủ trong một luật, hoặc phải có dự thảo các văn bản dưới luật để thực hiện, nếu không thì sẽ rất khó thực hiện. Bởi 9 nội dung này mới là những nội dung khó, phức tạp, do đó cần phải được thể hiện rõ hơn, cụ thể hơn trong dự thảo Luật./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác