GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU:SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ CẦN CÁC CHÍNH SÁCH THẬT ĐẶC THÙ, ĐẶC BIỆT, ĐỘT PHÁ

11/12/2023

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần đầu trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Quan tâm tới dự thảo luật, một số đại biểu kỳ vọng, việc sửa đổi toàn diện, với nhiều nhóm chính sách mới quan trọng, mang tính đặc thù, được kỳ vọng sẽ là động lực lan tỏa phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đồng thời, đề nghị ban soạn thảo tiếp tục cân nhắc một số quy định thật sự đặc thù, đột phá liên quan đến mô hình chính quyền đô thị, phát triển văn hóa, thu hút và sử dụng nhân tài…

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: QUY ĐỊNH THU HÚT, TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI TRONG DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI) CẦN ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI

Việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 09 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) xây dựng dựa trên 05 quan điểm chỉ đạo, gồm: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; Bám sát 09 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; Chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; Kế thừa, phát triển các quy định đang phát huy tác dụng tốt của Luật Thủ đô 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.

Sửa đổi toàn diện trên nhiều lĩnh vực

Đánh giá về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ tình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là sự thay đổi mang tính toàn diện trên nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh. So với Luật Thủ đô hiện hành, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 tăng 59 Điều, trong đó có 3 Chương mới, với 23 Điều mới. Việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn mới theo sự chỉ đạo của Đảng, trong đó sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mang tính tổng thể trên các lĩnh vực để phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh và hiện đại.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội 

Về quy mô, nếu dự thảo luật được thông qua sẽ có sự thay đổi rất lớn, đặc biệt Thủ đô Hà Nội sẽ có thêm hai thành phố vệ tinh là thành phố trong Thủ đô, một thành phố ở khu vực phía bắc gồm: Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn và một thành phố ở khu vực Láng Hòa Lạc, với chức năng rõ ràng hơn.

Về tổng thể, thành phố được tái cấu trúc về quy hoạch, hệ thống tổ chức bộ máy, phân cấp phân quyền rõ hơn, Thủ tướng Chính phủ giao quyền cho thành phố thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn, tạo sự thông thoáng về cơ chế. Còn đội ngũ cán bộ sắc sảo, có kiến thức, có trình độ, truyền thống, bề dày về kinh nghiệm, phương pháp làm việc.

Còn theo đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, phát triển Thủ đô Hà Nội là động lực để phát triển chung của cả nước, vì vậy có cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt để bứt phá, đột phá tạo lan tỏa phát triển của cả vùng Thủ đô. Các nhóm chính sách được đề cập trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tương đối bao quát, toàn diện, nhưng so với luật hiện hành vẫn còn một số nội dung chưa có tính đột phá, tạo sự bứt phá cao hơn. Hiện nay có nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù cho các tỉnh, thành phố nhưng chính sách đặc thù cho thành phố Hà Nội cần được quan tâm đặc biệt hơn. Trong đó, cần chú trọng đến chính sách phát triển đầu tư, chính sách phát triển chung cần được ưu tiên đặc biệt, tập trung nguồn lực phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Công Long – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai 

Đại biểu Nguyễn Công Long – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nêu quan điểm, để phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm, các cơ chế, chính sách phải thật đặc biệt, trong đó có mô hình chính quyền đô thị.  Trên cơ sở tổng kết, đánh giá mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội, rất cần các quy định mang tính chuyên biệt, đặc thù để khẳng định vai trò, vị thế của Thủ đô. Vì vậy, đại biểu cho rằng, việc trao quyền cho các cơ quan rất quan trọng, đặc biệt nên bỏ mô hình Hội đồng nhân dân cấp quận, cấp phường và tập trung xây dựng Hội đồng nhân dân thành phố.

Theo đại biểu Nguyễn Công Long, nếu bỏ mô hình Hội đồng nhân dân cấp quận, phường, khi đó biên chế của Hội đồng nhân dân thành phố tăng lên là cần thiết để giữ vai trò là cơ quan quyết định các vấn đề quan trọng của thành phố, thực hiện hiệu quả vai trò giám sát và quyết định các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô. Vì vậy, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố có thể tăng lên 150, tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách khoảng 40% để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Về lo ngại bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận và cấp phường sẽ dồn việc cho Hội đồng nhân dân cấp thành phố, đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, việc xử lý các vụ việc cụ thể thuộc các cấp chính quyền, còn việc xem xét các vấn đề quan trọng thuộc về Hội đồng nhân dân thành phố.

Có chiến lược cụ thể để thu hút và trọng dụng nhân tài

Cơ bản nhất trí với quy định về chính sách thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao quy định tại dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đề nghị rà soát để quy định nhóm các đối tượng được thu hút, phát triển, vừa có tính bao quát vừa có tính cụ thể làm cơ sở để Hội đồng nhân dân thành phố quy định chi tiết. Tại Điều 17 dự thảo Luật mới có nhóm quy định đối tượng thu hút là nhóm công dân Việt Nam trong nước, nhóm công dân Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao nhưng vẫn còn thiếu vắng nhóm như thủ khoa hay nhóm nhân tài nhân lực chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình 

Hiện nay để thực hiện chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, Chính phủ cũng đã có Nghị định số 140 năm 2017 và gần đây nhất thì Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 899 ngày 31/7/2023 về phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút trọng dụng nhân tài đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050. Như vậy về những cơ chế, chính sách thu hút trọng dụng nhân tài đã có những văn bản quy phạm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với những tiêu chí, những nguyên tắc chung trong cả nước. Tuy nhiên, đối với Thủ đô Hà Nội đặc thù, cũng cần có nghiên cứu để quy định cụ thể trong dự thảo luật về cấp độ, năng lực, tài năng và cách thức thu hút chế độ đãi ngộ, cơ chế quản lý trách nhiệm ở mức cao hơn các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, để tạo sự đột phá cho Thủ đô.

Về thu hút, trọng dụng nhân tài phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đại biểu Đoàn Thị Hảo – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đồng tình với quy định về cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô nêu trong dự thảo. Theo đại biểu, việc thu hút nhân tài cần hướng đến không chỉ những người gốc Hà Nội mà còn từ khắp các tỉnh, thành phố và cả kiều bào muốn đến Hà Nội sinh sống và làm việc, không chỉ người trong nước mà cả người nước ngoài. Do đó cần có những cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đãi ngộ vượt trội, hơn hẳn những địa phương khác để người giỏi, người tài phát huy được năng lực, cống hiến, xây dựng cho Thủ đô.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cũng đặc biệt ấn tượng với quy định liên quan đến trọng dụng, thu hút nhân tài thông qua chế độ lương, bổ nhiệm, tìm kiếm bổ sung vào đội ngũ cán bộ các cấp. Đại biểu bày tỏ vui mừng bởi dự thảo luật cũng đề cập đến không gian ngầm tại thành phố Hà Nội – vấn đề này đã được đại biểu phát biểu nhiều lần tại nghị trường Quốc hội. Dù hiện nay chưa đủ nguồn lực triển khai, chưa sử dụng đến nhưng trong tương lai Hà Nội rất cần không gian ngầm để tiếp tục phát triển thành phố với quy mô lớn hơn.

Nêu quan điểm về các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, đại biểu Nguyễn Công Long – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, nhân tài không có sẵn để tìm về mà quan trọng, nhân tài được đặt đúng vị trí, khơi gợi phát huy tiềm năng, tố chất tiềm ẩn, khi đó trở thành nhân tài. Do vậy, điều quan trọng là bố trí, sắp xếp phù hợp, bởi chưa chắc sinh viên giỏi, được đào tạo bài bản ở trong nước và nước ngoài nhưng bố trí, sắp xếp không hiệu quả sẽ không phát huy tác dụng.

Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội 

Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, chủ trương thu hút, trọng dụng nhân tài được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, cụ thể Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ và mới đây, tháng 7/2023, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Lịch sử đã chứng minh đất nước phát triển đột phá cần trọng dụng nhân tài, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Vấn đề đặt ra là thu hút như thế nào, trọng dụng như thế nào cần được nghiên cứu, xây dựng các đề án chi tiết cụ thể.

Phát triển văn hóa Thủ đô để dẫn dắt và định hướng văn hóa của đất nước.

Quan tâm đến các quy định liên quan đến văn hóa trong dự thảo luật, đại biểu Bùi Hoài Sơn – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nêu quan điểm, Hà Nội không chỉ là Thủ đô chính trị của cả nước, mà còn là Thủ đô văn hóa – nơi tụ hội các giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, vì vậy, cử tri và Nhân dân mong muốn trong lần sửa đổi này, những quy định trong dự thảo luật sẽ giúp sự phát triển của văn hóa Hà Nội dẫn dắt và định hướng cho sự phát triển văn hóa của đất nước.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, cơ quan soạn thảo đã rất chú ý đến điều này và có những quy định cụ thể cho sự phát triển văn hóa của Thủ đô như chính sách về phát triển công nghiệp văn hóa, ưu đãi hợp tác công tư, chính sách đặc thù cho văn nghệ sĩ… Tuy vậy, đại biểu cho rằng chúng ta vẫn có thể nghiên cứu thêm các biện pháp, chính sách cho văn hóa Thủ đô phát huy hơn nữa vai trò của mình như, mở rộng phát triển thêm các lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa, không chỉ tập trung vào 4-5 lĩnh vực như dự thảo luật. Đại biểu cho biết, trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có 12 lĩnh vực, trong đó Hà Nội có thể có thêm các lĩnh vực như thời trang, các trò chơi giải trí.

Cùng với đó, cũng cần có các giải pháp tháo gỡ trong triển khai hợp tác công tư, quản lý tài sản công, đặc biệt khi Hà Nội đang thận trọng trong quản lý và phát triển các thiết chế văn hóa như bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa. Những lĩnh vực này rất nhạy cảm, nếu làm thái quá sẽ ảnh hưởng đến bản chất cũng như giá trị của các di tích hay các thiết chế văn hóa này. Tuy nhiên, theo đại biểu cần phải phân biệt rõ ràng giữa quản lý và điều hành, giữa quản lý và hoạt động dịch vụ. Về nguyên tắc phải giữ vai trò quản lý của nhà nước trong việc đưa ra các quy định, quy chế, định hướng, nhưng với hoạt động du lịch, cần có sự tham gia của đối tác tư nhân.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn băn khoăn về nêu thực tế ở Hà Nội có nhiều thiết chế văn hóa ở Trung ương như sân vận động, nhà hát, bảo tàng… khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, liệu các thiết chế văn hóa này có được hưởng chế độ ưu đãi từ các quy định của Luật Thủ đô hay không? Theo đại biểu, nên đưa vào đối tượng được thụ hưởng, bởi những thiết chế văn hóa này đều phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao, thúc đẩy cho văn hóa của Thủ đô phát triển.

Lan Hương

Các bài viết khác