ĐBQH HỒ THỊ MINH: THÀNH CÔNG CỦA KỲ HỌP THỨ 6 ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NGÀY CÀNG CAO CỦA THỰC TIỄN

29/11/2023

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 6, 9h00 sáng 29/11, Quốc hội tiến hành phiên bế mạc. Chia sẻ bên lề phiên họp, đại biểu Hồ Thị Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng, Kỳ họp thứ 6 với nhiều dấu ấn đổi mới trên tất cả các mặt hoạt động đã thành công tốt đẹp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.

GÓC NHÌN: KỲ VỌNG NHIỀU QUYẾT SÁCH ĐỘT PHÁ CỦA QUỐC HỘI SẼ ĐƯA ĐẤT NƯỚC VƯỢT QUA KHÓ KHĂN, PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 23/10 - 29/11, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22,5 ngày, tiến hành theo 02 đợt theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 07 luật, 08 nghị quyết; thảo luận, cho ý kiến 08 dự án luật khác; thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác và ban hành Nghị quyết chung của Kỳ họp.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Phóng viên: Sáng 29/11, Quốc hội đã tiến hành phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6. Đại biểu có đánh giá như thế nào về những kết quả nổi bật tại kỳ họp lần này?

Đại biểu Hồ Thị Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã xem xét, quyết định, hoàn thành khối lượng lớn nội dung của Kỳ họp thuộc các lĩnh vực xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, thể chế hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng,..

Về công tác lập pháp, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 02 nghị quyết quy phạm pháp luật và 07 luật; cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật. Đây là các đạo luật có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị.

Về hoạt động giám sát, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 và thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề với nhiều nội dung quan trọng.

Quốc hội cũng đã dành 2,5 ngày tiến hành chất vấn Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 với 21 lĩnh vực thuộc 04 nhóm nội dung: kinh tế tổng hợp; kinh tế ngành;nội chính, tư pháp; văn hóa, xã hội.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023; việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;..

Đặc biệt, tại kỳ họp Quốc hội cũng đã thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đại biểu Hồ Thị Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Phóng viên: Với những kết quả nổi bật như trên, đại biểu đặc biệt ấn tượng đối với nội dung nào tại kỳ họp thứ 6?

Đại biểu Hồ Thị Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: Tại Kỳ họp thứ 6, không khí làm việc rất sôi nổi, khẩn trương và trách nhiệm. Trong đó, việc thảo luận cho ý kiến về dự thảo luật cũng như tình hình kinh tế - xã hội, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn rất sôi nổi, nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, chất lượng,…

Đơn cử như phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có tới gần 100 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu và bấm nút tranh luận. Điều này cho thấy, các đại biểu rất trách nhiệm, quan tâm đến nhiều vấn đề mà dự thảo luật này đưa ra. Đặc biệt, dù là thảo luận dự án luật trình thông qua hoặc dự án luật cho ý kiến lần đầu thì các đại biểu Quốc hội đều phát biểu với tinh thần trách nhiệm rất cao, thể hiện sự tâm huyết, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Đại biểu cũng cho rằng, dù luật là thông qua hoặc cho ý kiến lần đầu thì các đại biểu rất trách nhiệm và thảo luận trên tinh thần đóng góp, xây dựng với mong muốn luật được hoàn thiện, có độ chín để khi được thông qua, đi vào cuộc sống sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tôi đánh giá cao các tư lệnh ngành đã trả lời rất thẳng thắn, không vòng vo, không né tránh. Đặc biệt, Chính phủ đã thẳng thắn, đứng trước Quốc hội thừa nhận một số lĩnh vực điều hành còn chậm, còn hạn chế. Điển hình như với việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã mạnh dạn thừa nhận những hạn chế trước Quốc hội vì có nhiều khó khăn, bất cập mà chương trình mục tiêu quốc gia chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Thông qua giám sát, đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại và kịp thời có giải pháp phù hợp khắc phục nhằm đảm bảo việc triển khai hiệu quả khai các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề với nhiều nội dung quan trọng, nhiều kiến nghị, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả, chất lượng các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới. Quốc hội đồng ý để Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất dự thảoNghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và việc phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các Chương trình.

Bên cạnh đó, tôi cũng ấn tượng với việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh, đại biểu nhìn nhận, công việc này được tiến hành thận trọng, khách quan. Chất lượng hiệu quả hoạt động của ngành, việc điều hành công việc của ngành đều tác động đến lá phiếu rất lớn. Kết quả phiếu tín nhiệm sẽ giúp các tư lệnh ngành nhìn nhận lại tổng thể ngành mình và hy vọng rằng nửa nhiệm kỳ còn lại sẽ điều hành hiệu quả hơn.

Việc bố trí Kỳ họp làm 2 đợt giúp cho đại biểu có thời gian để nghiên cứu dự thảo luật cũng như có thời gian về để điều hành công việc ở địa phương. Hơn nữa, thời lượng kỳ họp diễn ra khoảng 2-3 tuần cũng hợp lý, không quá dài, không tạo áp lực cho đại biểu.

Để Kỳ họp thành công không thể không nhắc đến phần điều hành Chủ tọa các phiên họp. Đoàn Chủ tịch đã điều hành rất linh hoạt, khoa học, trong các phiên họp, tạo được sự hài lòng cho đại biểu trong quá trình kỳ họp diễn ra, đạt được yêu cầu và mục đích đề ra..

Phóng viên: Kỳ họp thứ 6 đã thành công tốt đẹp. Theo đại biểu, kết quả của kỳ họp thứ 6 sẽ có tác động như thế nào đến việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025?

Đại biểu Hồ Thị Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước; thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; quyết định Kế hoạch đầu tư công năm 2024;..

Dự báo thời gian tới, kinh tế thế giới nói riêng và tình hình quốc tế nói chung vẫn còn nhiều thách thức mới. Ở trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, chúng ta vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Tôi kỳ vọng, với thành công của Kỳ họp thứ 6 đặc biệt là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, cùng với  nỗ lực của Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành, sự quyết tâm của các cấp quyền; sự ủng hộ, tin tưởng của cử tri, việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 2021 – 2025 sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh - Ngọc Thúy

Các bài viết khác