SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN: THÁO GỠ ĐƯỢC NHỮNG BẤT CẬP, VƯỚNG MẮC HIỆN NAY
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Dự thảo Luật trình Quốc hội cơ bản giữ nguyên các quy định của Luật Đấu giá tài sản đang còn phù hợp và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản; bổ sung 1 điều mới quy định về: Tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quyền, nghĩa vụ và việc thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, trong đó có tính đến một số loại tài sản đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tổ chức đấu giá và hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được dựa trên các quan điểm: Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò của hoạt động đấu giá trong phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bám sát và cụ thể hóa 3 nội dung chính sách lớn trong Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã được thông qua.
Theo đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số quy định như: Bỏ điều kiện phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo 3 năm mới được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá; bỏ các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá; bổ sung trách nhiệm tham gia bồi dưỡng đối với đấu giá viên; sửa đổi, bổ sung quyền của tổ chức đấu giá tài sản trong việc cung cấp dịch vụ đấu giá; bổ sung quy định về thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản về địa chỉ trụ sở, trưởng chi nhánh...
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (Ảnh minh họa)
Cần có quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án
Qua các phiên thảo luận tại Tổ cũng như tại hội trường về dự án luật, các đại biểu nhất trí việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung trong đó có hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; bảo đảm sự thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật;…
Quan tâm tới nội dung cụ thể, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, tài sản thi hành án là tài sản đặc thù, mặt khác chấp hành viên chỉ là người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo quy định của pháp luật (không phải là người sử dụng, người sở hữu tài sản). Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu có những quy định riêng cho phù hợp với các quy định về thi hành án cũng như bảo đảm tốt quyền lợi của người sở hữu, sử dụng tài sản.
Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật hiện hành và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung thì tài sản thi hành án thuộc trường hợp phải bán thông qua đấu giá. Tuy nhiên, Luật Đấu giá tài sản hiện hành và dự thảo luật hiện nay chưa có quy định thủ tục riêng cho việc đấu giá tài sản thi hành án.
Cũng theo đại biểu, thực tiễn cho thấy để đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá thì thời gian thường kéo dài từ lúc kê biên, thỏa thuận giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá. Trường hợp bán đấu giá không thành thì giảm giá tài sản để tiếp tục bán. Mỗi hành vi, công việc nêu trên của chấp hành viên, của các tổ chức, cơ quan đều có thể bị chủ tài sản, người phải thi hành án khởi kiện, tố cáo và quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo mất rất nhiều thời gian. Nhiều trường hợp người dân sợ rủi ro khi mua tài sản thi hành án nên việc bán đấu giá tài sản thi hành án thường tổ chức rất nhiều lần mà chưa có người mua, đến khi bán đấu giá thành thì không ít trường hợp người phải thi hành án, chủ tài sản chống đối bằng nhiều hình thức nên dẫn đến chậm bàn giao tài sản cho người mua, từ đó dẫn đến quyền lợi của người được thi hành án, người trúng đấu giá bị ảnh hưởng, cơ quan thi hành án đối mặt với nguy cơ khiếu nại, tố cáo và bồi thường nhà nước.
Từ lập luận nêu trên, đại biểu nhấn mạnh, cần nghiên cứu bổ sung các quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án trong dự thảo luật đảm bảo tính minh bạch, chặt chẽ và khả thi trong thực tiễn áp dụng.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Quốc hội Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tại điểm đ khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá tài sản năm 2016 và tại điểm e khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật đấu giá tài sản quy định: “Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”….
Theo đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc, đối với vụ án hình sự, quy định như vậy chỉ đúng đối với vụ án hình sự mà đã được điều tra, truy tố và xét xử và đã có bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Đối với vụ án hình sự mà vì lý do nào đó phải đình chỉ vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố, trong đó có tài sản là tang vật, phương tiện phạm tội Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát quyết định tịch thu xung công quỹ thì trong Luật Đấu giá tài sản chưa quy định. Do vậy, đại biểu cho rằng, cần bổ sung điểm e khoản 1 Điều 4 dự thảo là: “e. Tài sản là tang vật, phương tiện phạm tội trong vụ án hình sự bị tịch thu xung công quỹ nhà nước”.
Tán thành nhất trí việc bổ sung quy định về Cổng đấu giá tài sản quốc gia
Tại phiên thảo luận các đại biểu cũng bày tỏ tán thành sự cần thiết quy định về Cổng đấu giá tài sản quốc gia. Theo đó, các ý kiến cho rằng, việc bổ sung quy định tại dự thảo Luật nhằm phù hợp với yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị nghiên cứu thêm, có thể xã hội hóa tổ chức này nhằm tăng cường tính cạnh tranh, minh bạch và chất lượng dịch vụ, sự lựa chọn của những người có tài sản đấu giá. Đồng thời, đề nghị giữ quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc thông báo công khai trên trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản ở khoản 2 Điều 77.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương kiến nghị, cần có quy định cụ thể về cổng đấu giá tài sản quốc gia theo hướng quy định rõ cơ quan quản lý, vận hành, kết nối với trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện.
Đồng thời, đại biểu tỉnh Bình Dương cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung cụm từ "và các quy định pháp luật liên quan đến tài sản bán đấu giá" vào sau "tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thông báo công khai việc đấu giá tài sản trên các phương tiện thông tin đại chúng khác theo yêu cầu của người có tài sản đấu giá".
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ được Quốc hội dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp 7. Do đó, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp, dự thảo luật sẽ được các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật trên cơ sở các ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội nhằm đảm bảo dự luật đạt chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội thông qua./.