GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: SỬA ĐỔI LUẬT LƯU TRỮ CẦN LÀM RÕ THẨM QUYỀN CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ LƯU TRỮ

25/11/2023

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 27/11 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Góp ý hoàn thiện dự thảo luật trước phiên thảo luận, một số ý kiến đại biểu cho rằng, cần đánh giá tác động khi bổ sung ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Làm rõ thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ; Tăng trách nhiệm bảo quản tài liệu trong quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ vụ việc của cán bộ, công chức...

LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI): NGHIÊN CỨU QUY ĐỊNH VỀ NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI CÔNG TÁC LƯU TRỮ Ở CÁC CẤP

Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 gồm 09 chương, 68 điều (tăng 2 chương, 26 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011). Trong đó: 38 điều quy định mới về nội dung, chủ yếu về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ và hoạt động lưu trữ tư. 28 điều được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở quy định tại Luật Lưu trữ năm 2011 bảo đảm phù hợp với bối cảnh Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nền lưu trữ số, Chuyển đổi số, lưu trữ tài liệu điện tử, xã hội hóa lưu trữ và hợp tác quốc tế về lưu trữ... 02 điều cơ bản giữ nguyên như quy định tại Luật Lưu trữ năm 2011 về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng tài liệu lưu trữ và hiệu lực thi hành.

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định tăng trách nhiệm bảo quản tài liệu trong quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ vụ việc của cán bộ, công chức trong dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Thảo luận tại Tổ về nội dung này, đa số đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011 và mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật như được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi Luật này cũng là nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung dự thảo Luật cơ bản thống nhất với các chính sách được đề xuất khi đưa dự án Luật vào Chương trình. Đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát 12 nội dung giao quy định chi tiết, bảo đảm yêu cầu luật hóa tối đa các nội dung đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế.

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động lưu trữ tư nhằm tạo hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động lưu trữ, góp phần bảo đảm lưu giữ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư phục vụ lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, đồng thời thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ, một quốc gia lưu trữ.

Đánh giá tác động khi bổ sung ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Quan tâm đến quy định về bổ sung Phụ lục IV của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2022/QH15 (Điều 65), đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, dự thảo đã bổ sung một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới, so với Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư 2020. Theo quy định của pháp luật về đầu tư, việc bổ sung ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sẽ phải phân tích sự cần thiết, đánh giá tác động, đánh giá tính hợp lý, khả thi của việc bổ sung này. Tuy vậy, trong nội dung Tờ trình lại không thấy đề cập đến việc bổ sung các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mới này, trong khi đây lại là một trong những quy định lớn của Dự thảo.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Ngoài ra, tại Khoản 1 Điều 53 Dự thảo quy định các hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện gồm: Chỉnh lý tài liệu; Bảo quản tài liệu lưu trữ; Số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ. Việc xác định các ngành nghề trên là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần được cân nhắc xem xét ở các điểm sau:

Nhà nước đang có chính sách “4. Xây dựng xã hội lưu trữ, khuyến khích tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. 5. Xã hội hóa hoạt động lưu trữ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tài trợ, đầu tư, kinh doanh dịch vụ lưu trữ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.” (khoản 4,5 Điều 4 Dự thảo). Theo đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, việc ràng buộc điều kiện kinh doanh đối với hoạt động dịch vụ lưu trữ dường như đi ngược lại chính sách này.

Mặt khác, không nhận thấy lợi ích công cộng nào bị ảnh hưởng/tác động nếu không kiểm soát điều kiện của tổ chức, cá nhân có hoạt động dịch vụ lưu trữ tài liệu tư - đây là yếu tố quan trọng để xác định có cần thiết phải áp dụng điều kiện kinh doanh hay không.

Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2020 quy định “ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Trong hoạt động lưu trữ tư, các bên có thể tự thỏa thuận về việc lưu trữ để đảm bảo an toàn của tài liệu, Nhà nước không nhất thiết phải can thiệp vào mối quan hệ này.

Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc không xác định các hoạt động trên là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong trường hợp cần thiết phải bổ sung vào Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các nội dung để chứng minh sự phù hợp với Điều 7 Luật Đầu tư 2020 và quy định rõ các điều kiện kinh doanh dự kiến áp dụng đối với các ngành nghề này để có thể nhận diện rõ hơn về chính sách, đánh giá tính hợp lý của các điều kiện kinh doanh.

Làm rõ thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ.

Góp ý hoàn thiện quy định về chứng chỉ hành nghề lưu trữ tại Điều 57, đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, tại điểm b, khoản 5 của dự thảo quy định: "Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục", nội dung đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục chỉ là một trong những quy định tại khoản 5, Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về biện pháp xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, mà không phải là tội phạm bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào các cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Như vậy, biện pháp xử lý hành chính còn có các nội dung khác, không phải chỉ riêng nội dung đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại quy định này để đưa vào cho chính xác.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn 

Cho ý kiến về thẩm quyền cấp giấy chứng chỉ hành nghề lưu trữ tại Điều 57 của dự thảo luật, đại biểu Rơ Châm H’Phik – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho biết, khoản 1, Điều 57 quy định: "Chứng chỉ hành nghề lưu trữ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và khoản 6, Điều 57 giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết cấp, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề lưu trữ". Cũng tại mục a, khoản 1, Điều 56 cũng quy định: "Bộ Nội vụ quản lý cấp, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề lưu trữ". Mục b, khoản 1 lại quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ theo mẫu quyền quản lý và các quy định này chưa rõ ràng, chưa có cơ sở để thực hiện. Trong khi đó, một trong các nguyên tắc chỉ đạo xây dựng dự án luật được nêu tại Tờ trình của Chính phủ là thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong lĩnh vực lưu trữ, đại biểu đề nghị làm rõ thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ cụ thể hơn.

Cũng liên quan đến quy định về chứng chỉ hành nghề lưu trữ, đại biểu Rơ Châm H’Phik cho biết, tại khoản 3 Điều 68 dự thảo luật quy định, chứng chỉ hành nghề lưu trữ đang có hiệu lực được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2026 và được cấp lại sau khi tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do đơn vị có thẩm quyền tổ chức theo quy định của luật này.

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 01 ngày 3/1/2013 của Chính phủ, chứng chỉ hành nghề lưu trữ có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, quy định theo hướng chứng chỉ hành nghề lưu trữ được cấp trước ngày luật này có hiệu lực, được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn khi trên chứng chỉ hai nghề lưu trữ.

Tăng trách nhiệm bảo quản tài liệu của cán bộ, công chức.

Về trách nhiệm cơ quản lý nhà nước về lưu trữ tại Điều 59. Tại khoản 3 của dự thảo đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của Ủy ban nhân dân nhân dân cấp xã trong quản lý nhà nước về lưu trữ, đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, việc tổ chức thực hiện quản lý nhà nước ở địa phương thực hiện từ cấp xã. Đại biểu cho rằng, nội dung lưu trữ ở cấp xã rất quan trọng, liên quan đến trực tiếp đến hồ sơ, tài liệu của các cá nhân, người dân.

Ngoài ra, đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị cơ quan soạn thảo, nghiên cứu bổ sung thêm trách nhiệm liên quan đến bảo quản, (thêm từ bảo quản) trong trách nhiệm của cán bộ, công chức (Điều 60) để tăng trách nhiệm bảo quản tài liệu trong quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ vụ việc của cán bộ, công chức.

Trên thực tế, có rất nhiều vụ việc liên quan đến khiếu kiện, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân, có nhiều vụ việc người dân yêu cầu các cơ quan nhà nước phải cung cấp những tài liệu hay hồ sơ, chứng cứ, các cơ quan nhà nước cũng không cung cấp được do chuyển qua từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, làm thất lạc tài liệu đó đi gây khó khăn trong quá trình xử lý vụ việc. Do vậy, đại biểu đề nghị tăng cường thêm trách nhiệm của cán bộ trong công chức, trong công tác bảo quản hồ sơ.

Cho ý kiến về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động dịch vụ lưu trữ, đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết khoản 1, Điều 57 của dự thảo luật về chứng chỉ hành nghề lưu trữ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có đủ trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và các điều kiện theo quy định của pháp luật. Để thực hiện kinh doanh dịch vụ lưu trữ, đại biểu đề nghị xem xét quy định rõ hơn về thời hạn, nguyên tắc và điều kiện cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề lưu trữ nhằm làm rõ hơn trong xu hướng phân cấp trong việc cấp chứng chỉ.

Đại biểu Cầm Hà Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Trong khi đó, đại biểu Cầm Hà Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ quan tâm đến vấn đề quản lý hoạt động lưu trữ trong mối quan hệ với thiết chế thư viện theo quy định của Luật Thư viện. Theo đó, tại khoản 4 Điều 2 dự thảo luật quy định: "Lưu trữ là hoạt động lưu giữ lâu dài, tài liệu nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân". Tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật Thư viện quy định: "Thư viện là thiết chế văn hóa thông tin giáo dục khoa học thực hiện việc xây dựng, xử lý lưu giữ, bảo quản, cung cấp tài nguyên thông tin phục vụ nhu cầu của người sử dụng"; "thư viện số là thư viện hoặc bộ phận của thư viện có tài nguyên thông tin được xử lý, lưu giữ dưới dạng số mà người sử dụng thư viện truy cập khai thác thông qua thiết bị điện tử và không gian mạng".

Đại biểu Cầm Hà Chung cho rằng, thư viện là một hình thức tổ chức cụ thể của hoạt động lưu trữ có chức năng lưu giữ, bảo quản, cung cấp tài nguyên thông tin phục vụ nhu cầu quyền tiếp cận thông tin của người dân. Dự thảo luật chưa thể hiện sự đánh giá, xem xét hoạt động lưu trữ trong mối tương quan với Luật Thư viện. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các thiết chế, hình thức tổ chức lưu trữ để có quy định quản lý phù hợp, vừa bao quát nhưng tránh việc chồng chéo, trùng lắp. Đặc biệt là đối với hình thức tổ chức lưu trữ tư nhân, hiện nay trên không gian mạng xuất hiện rất nhiều thư viện số, kho dữ liệu số chuyên ngành. Từ đó, phân tích, quy định cụ thể và quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ lưu trữ thông qua hình thức bảo quản tài liệu, các kho lưu trữ số, lưu trữ giấy và số hóa.

Lan Hương

Các bài viết khác