ĐBQH TẠ ĐÌNH THI: LÀM RÕ CHỨC NĂNG, THẨM QUYỀN CỦA CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG TRONG QUẢN LÝ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐÔ THỊ, ĐƯỜNG ĐÔ THỊ

24/11/2023

Đóng góp vào việc hoàn thiện dự án Luật Đường bộ, đại biểu Tạ Đình Thi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đề nghị làm rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đường đô thị...

GÓC NHÌN: HOÀN THIỆN VÀ ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI CỦA CÁC QUY ĐỊNH TRONG LUẬT ĐƯỜNG BỘ TRONG BỐI CẢNH MỚI

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 24/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐƯỜNG BỘ

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2001), gồm 08 chương với 89 điều, được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13/11/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009.

Qua 13 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực. Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Giao thông đường bộ 2008 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để xây dựng Luật Đường bộ.

Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đề cập về sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ.

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường bộ và bảo đảm tốt hơn quyền tự do đi lại của công dân; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Dự án Luật cơ bản phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm tính khả thi. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đề nghị tiếp tục rà soát một số quy định cụ thể của dự án Luật để bảo đảm tính thống nhất với quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định của pháp luật có liên quan; tương thích với điều ước quốc tế; bổ sung đánh giá tác động đối với một số quy định mới được bổ sung trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.

Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nhằm tập trung quy định chuyên sâu về kết cấu hạ tầng đường bộ và hoạt động vận tải đường bộ. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu, tiếp tục làm rõ về phạm vi điều chỉnh cũng như một số nội dung của dự thảo Luật với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho phù hợp, tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất và khả thi.

Bảo đảm tính thống nhất giữa Luật Đường bộ với các luật liên quan

Tham gia một số ý kiến góp ý đối với dự án Luật Đường bộ, tập trung chủ yếu vào nội dung kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đường đô thị, đại biểu Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nhấn mạnh: Đây là vấn đề lớn, tác động đến sự phát triển bền vững đô thị, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang đẩy nhanh quá trình đô thị hóa.

Hiện nay, chúng ta có khoảng 902 đô thị lớn nhỏ, đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế và phát triển nói chung, nhưng vấn đề hạ tầng giao thông đô thị vẫn đang có nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc và nhức nhối, chưa có sự quan tâm một cách thỏa đáng. Trong 05 chương, 92 điều của dự án Luật có 78 nội dung liên quan đến vấn đề đô thị.

Đại biểu Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Thứ nhất, về việc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đường bộ với các luật liên quan. Điều 1 dự thảo Luật nêu “Luật này quy định về hoạt động đường bộ, bao gồm các quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ”. Như vậy, có thể thấy phạm vi điều chỉnh của dự án Luật bao gồm 2 nhóm chính là quy định về kết cấu hạ tầng và quy định về phương tiện giao thông đường bộ. Nhóm quy định về quy tắc giao thông đường bộ nay được quy định trong dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nhóm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có mối liên kết và quan hệ chặt chẽ nhất, nhiều vấn đề liên quan nhất đến công tác quản lý, phát triển đô thị. Trong đó liên quan chủ yếu đến công tác quản lý quy hoạch đô thị; quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và quản lý vận hành, khai thác sử dụng kết cấu hạ tầng đô thị mà kết cấu hạ tầng giao thông đô thị là một thành phần quan trọng trong đó. Phạm vi điều chỉnh về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong dự thảo Luật không bao gồm kết cấu hạ tầng của các loại hình giao thông khác như đường sắt, đường không, đường thủy ... và đặc biệt là các công trình kết nối các loại hình phương tiện với nhau để phục vụ cho giao thông đô thị. Nhóm vấn đề về phương tiện giao thông trong dự án Luật cũng không bao gồm các loại hình phương tiện khác như đường sắt đô thị, đường thủy, hàng không... Mặt khác, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị, bao gồm các nội dung về quy hoạch, hoạt động đầu tư xây dựng và vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Đường bộ.

Các nội dung nêu trên cần thiết phải có sự gắn bó chặt chẽ và hữu cơ với nhau, nhưng lại đang được quy định tại nhiều đạo luật khác nhau. Do vậy, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần rà soát để bảo đảm đồng bộ giữa dự án Luật Đường bộ với Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và các luật khác liên quan. Trong đó, đặc biệt chú ý đến Luật Đường bộ và Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị hiện đang được nghiên cứu xây dựng. Nghiên cứu, rà soát và thiết kế các quy định phân định rõ những nội dung áp dụng đối với vấn đề kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đường đô thị, nhất là các quy định tại Chương 1, từ Điều 4 đến Điều 8.

Thứ hai, về phân công, phân cấp quản lý Nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đường đô thị. Hiện nay, trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, trong đó có các nội dung về chiếu sáng đường đô thị, thoát nước mặt đường đô thị, xây xanh đô thị đang có sự giao thoa, chống lấn nhiệm vụ quản lý giữa ngành Xây dựng và ngành Giao thông vận tải.

Ngay như đối với vấn đề quản lý hè phố trong đô thị. Hè phố trong đô thị, cùng với lòng đường là thành phần chính của kết cấu hạ tầng giao thông đô thị. Trong đô thị, đường đô thị và hè phố thực hiện 4 chức năng, gồm có: phục vụ giao thông, là nơi để xây dựng các công trình hạ tầng ngầm (cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, viễn thông, cấp điện…), góp phần tạo lập không gian cảnh quan, là nơi để phục vụ các hoạt động chung của đô thị. Do có nhiều chức năng nên việc quản lý khai thác sử dụng hè, đường đô thị liên quan đến nhiều ngành cùng tham gia. Để đáp ứng được yêu cầu khai thác hiệu quả đường đô thị thì đòi hỏi sự phối hợp tốt của đồng thời các ngành có liên quan.

Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hè phố, gồm có: Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Như vậy, có thể thấy việc quản lý hè phố liên quan trực tiếp đến 02 ngành Xây dựng và Giao thông, vai trò quản lý của chính quyền địa phương.

Với những lý do nêu trên, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giữa hai ngành này, giữa Trung ương và địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đường đô thị. Cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các điều, khoản liên quan, nhất là các quy định tại Chương V của dự án Luật về quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ để làm rõ các nguyên tắc, nội dung phân công, phân cấp quản lý nhà nước đối những vấn đề nêu trên./.

Bích Lan

Các bài viết khác