ĐBQH CẦM THỊ MẪN: CHỈ NÊN QUY ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶC THÙ VỀ NHÀ Ở TRONG DỰ THẢO LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)

14/07/2023

Góp ý về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ nên quy định những vấn đề đặc thù về nhà ở.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 19/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)

Đại biểu Cầm Thị Mẫn- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Cầm Thị Mẫn- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, cho biết, Điều 1 dự thảo Luật về phạm vi điều chỉnh quy định: “Luật này quy định về sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý Nhà nước về nhà ở tại Việt Nam”. Như vậy, Điều 1 dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở mà không quy định những vấn đề, nhóm quan hệ pháp luật không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này như Luật Nhà ở hiện hành. Đối với các vấn đề không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này được cơ quan chủ trì soạn thảo đưa vào quy định tại Điều 4 dự thảo Luật.

Tuy nhiên, nghiên cứu Điều 4, đại biểu Cầm Thị Mẫn cho rằng, Khoản 1 Điều 4 tiếp tục quy định lại, trùng lặp những nội dung đã được quy định tại Điều 1 dự thảo Luật về phạm vi điều chỉnh là không cần thiết. Đối với nội dung tiếp theo được quy định tại khoản 1 Điều 4: “…trường hợp Luật khác ban hành sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà có quy định các nội dung của Luật Nhà ở thì phải xác định rõ các nội dung cần thực hiện khác với quy định của Luật này”.

Theo đại biểu, về nguyên tắc, những vấn đề đã được Luật Nhà ở quy định thì đương nhiên Luật khác không quy định lại, trừ trường hợp Luật khác đó quy định về việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Nhà ở nếu Luật khác đó được ban hành sau Luật Nhà ở. Đồng thời, vấn đề chưa được cơ quan chủ trì soạn thảo dự liệu là đối với những vấn đề đã được Luật khác quy định nhưng ban hành trước hoặc ban hành cùng thời điểm với ngày Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành thì xử lý như thế nào ? Dự thảo Luật cũng chưa quy định trường hợp Luật Nhà ở chưa có quy định thì áp dụng luật như thế nào? Như vậy, về mặt kỹ thuật lập pháp cần phải xem xét điều chỉnh lại nội dung của khoản 1 Điều 4 cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 4 của dự thảo Luật quy định đối với giao dịch mua bán cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại của các doanh nghiệp, hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản, giao dịch chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thì thực hiện theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản. Theo đại biểu Nội dung tại khoản 2 Điều 4 vừa nêu cho thấy việc dẫn chiếu áp dụng chỉ dẫn chiếu tới các quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản. Thực tế cho thấy, liên quan tới vấn đề nhà ở còn có sự tham gia điều chỉnh của nhiều nhóm quan hệ pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, ngay trong dự thảo Luật Nhà ở cũng có nhiều điều khoản cụ thể dẫn chiếu hoặc liên quan tới việc áp dụng pháp luật ở các lĩnh vực khác nhau như pháp luật về dân sự; đất đai; công chứng, chứng thực; Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư; Xây dựng; Quy hoạch...

Đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ nên quy định những vấn đề đặc thù về nhà ở

Như vậy, nghiên cứu các quy định của dự thảo Luật về phạm vi điều chỉnh, áp dụng pháp luật Nhà ở và các Luật khác có liên quan chưa cho thấy dự thảo Luật có được nguyên tắc trong việc xác định phạm vi điều chỉnh của Luật này, cũng như việc áp dụng Luật nhà ở hay Luật khác có liên quan một cách minh bạch, khả thi, đồng bộ, thống nhất trong mối quan hệ giữa Luật Nhà ở và hệ thống pháp luật khác.

Do đó, đại biểu đề nghị cần xem xét lại các quy định tại Điều 1 và Điều 4 dự thảo Luật theo hướng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ quy định những vấn đề đặc thù về nhà ở. Trường hợp cần thiết thì viện dẫn ngay tại các điều luật cụ thể về các vấn đề có liên quan thuộc các lĩnh vực pháp luật khác điều chỉnh để tránh sự chồng chéo, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và khả thi khi Luật Nhà ở có hiệu lực.

Đối với các quy định tại Điều 7 dự thảo Luật, đại biểu Cầm Thị Mẫn cho rằng, tại khoản 4 Điều 7 quy định đối với khu vực đô thị, việc phát triển nhà ở chủ yếu được thực hiện theo dự án... Đối với các khu vực còn lại thì căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể các địa điểm, vị trí phải phát triển nhà ở theo dự án... Theo đại biểu, dự thảo Luật cần nghiên cứu điều chỉnh quy định cụ thể theo hướng: “Đối với khu vực đô thị (hoặc khu vực được quy hoạch là đô thị), việc phát triển nhà ở phải được thực hiện theo dự án (trừ các trường hợp phát triển nhà ở của các thành viên hộ gia đình, cá nhân quy định tại Mục 5 Chương IV của dự thảo Luật)...”.

Đồng thời, bổ sung quy định đối với việc phát triển nhà ở của hộ gia đình, cá nhân trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai (trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở trong dự án đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước); lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường để thống nhất quy định khu vực được thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai…/.

Thu Phương