ĐBQH HUỲNH THANH PHƯƠNG: CẦN XEM XÉT TRƯỜNG HỢP TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI, ĐƯƠNG SỰ KHÔNG CÓ GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

09/07/2023

Đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị xem xét quy định thêm trường hợp tranh chấp đất đai, đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 21/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Các quy hoạch sử dụng đất có thể được thành lập đồng thời

Đưa ra quan điểm về nguyên tắc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại Điều 60, đại biểu cho biết, tại khoản 9 có nêu "các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời, quy hoạch được lập, thẩm định xong trước được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch cấp thấp hơn phải điều chỉnh phù hợp với quy hoạch cao hơn".

Việc quy định các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời để các cấp quy hoạch có sự chủ động hơn trong việc thực hiện quy hoạch của cấp mình, tuy nhiên để hoàn chỉnh quy hoạch thì cấp dưới cũng phải chờ quy hoạch của cấp trên đã được phê duyệt. Cho dù quy hoạch của cấp dưới có được chủ động thực hiện trước thì cũng khó có thể thẩm định được phê duyệt trước, nếu chưa có quy hoạch của cấp trên, do vậy nguyên tắc này có thể gây khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Vì lẽ đó, đại biểu thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đề nghị sửa đổi khoản 9 theo hướng các quy hoạch sử dụng đất có thể được thành lập đồng thời, quy hoạch sử dụng đất cao hơn phải được phê duyệt quyết định trước quy hoạch cấp thấp hơn và cần quy định rõ, chặt chẽ hơn về trách nhiệm, thời gian hoàn thành quy hoạch, các cấp quy hoạch, tránh tình trạng vướng mắc cấp dưới phải chờ quy hoạch của cấp trên kéo dài trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức và cá nhân.

Về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy định tại Điều 76, đại biểu cho biết, theo quy định tại khoản 3, khoản 4 thì trường hợp đất đã được quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch sử dụng thì không hạn chế quyền của người sử dụng đất. Trường hợp đất quy hoạch đã có kế hoạch sử dụng đất thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thu hồi đất, sẽ bị hạn chế một số quyền nhất định, như là không được xây dựng nhà mới, công trình, cây lâu năm, nếu có nhu cầu cải tạo, sửa chữa công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều dự án quy hoạch nhưng chậm triển khai thực hiện đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất. Quy định trong dự thảo cho rằng, nếu đã có quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất thì không hạn chế quyền của người dân. Nhưng thực tế, nếu vướng quy hoạch nhà đất thì trong trường hợp được phép chuyển nhượng cũng hạn chế về giá, khó giao dịch, không cho phép xây dựng, sửa chữa, gây thiệt hại cho người dân, lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, người dân rất bức xúc.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 5 điều này thì sau 3 năm liên tục được xác định trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển nhượng mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải xem xét, đánh giá để tiếp tục thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm tiếp theo hoặc hủy bỏ. Nếu căn cứ hủy bỏ thì quyền của người sử dụng đất có thể bị ảnh hưởng ít, nhưng trường hợp nếu tiếp tục đưa vào kế hoạch sử dụng đất của năm tiếp theo trong thực tế vẫn không thực hiện được thì không biết khi nào mới dừng quy hoạch, việc kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người sử dụng đất trong vùng được quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

Do vậy, đại biểu đề nghị làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất trong trường hợp đất đã được quy hoạch, đã có kế hoạch sử dụng đất và làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng chậm triển khai thực hiện, gây thiệt hại cho người sử dụng đất, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.

Đề nghị xem xét quy định thêm trường hợp tranh chấp đất đai, đương sự không có GCNQSDĐ

Đối với vấn đề về tranh chấp đất đai, đại biểu cho biết, tại Điều 233 khoản 5 quy định "đối với trường hợp hòa giải tranh chấp đất đai quy định tại khoản 1, 2, 3 điều này mà hòa giải thành và có thay đổi hiện trạng về ranh giới, diện tích sử dụng đất thì cơ quan tổ chức thực hiện hòa giải gửi văn bản công nhận kết quả hòa giải đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng theo quy định" là phù hợp. Tuy nhiên, trong trường hợp các bên tự hòa giải, có thể tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân hoặc cá nhân với tổ chức, tức là không có bên thứ ba là cơ quan, tổ chức đứng ra trung gian hòa giải thì trường hợp hòa giải sẽ thực hiện như thế nào? Các bên tranh chấp tự hòa giải có cần thiết phải đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để xác nhận tính hợp pháp của biên bản tự hòa giải hay không? Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn về vấn đề này.

Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, đại biểu nêu rõ, Điều 234 dự thảo luật về cơ bản giữ nguyên thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như Luật Đất đai hiện hành, với định hướng vẫn mở rộng quyền của người dân trong việc lựa chọn cơ quan thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Trong trường hợp đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân hay Tòa án nhân dân đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu trường hợp tranh chấp đất mà đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không có tranh chấp tài sản gắn liền với đất thì Ủy ban nhân dân có thể giải quyết. Trường hợp tranh chấp đất mà không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có tranh chấp tài sản gắn liền với đất, nếu đương sự lựa chọn Ủy ban nhân dân giải quyết thì Ủy ban nhân dân chỉ có thể giải quyết phần tranh chấp đất, không thể giải quyết tranh chấp về tài sản nên đương sự cũng phải kiện ra tòa để giải quyết tranh chấp tài sản.

Do vậy, đề nghị xem xét quy định thêm trường hợp tranh chấp đất đai, đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì giao cho Tòa án nhân dân giải quyết. Quy định tại khoản 3 điều này, đại biểu bày tỏ thống nhất với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đề nghị xem xét lại quy trình và thủ tục đối với trường hợp các bên tranh chấp nếu không đồng ý với quyết định của Ủy ban nhân dân cấp dưới thì làm đơn khiếu nại, giải quyết gửi đến cơ quan Ủy ban nhân dân cấp trên, không phải là gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đến Ủy ban nhân dân cấp trên. Nếu gửi đơn yêu cầu tranh chấp đến Ủy ban nhân dân cấp trên thì trình tự, thủ tục ra sao thì cũng chưa được quy định rõ trong luật.

Tại khoản 6 quy định Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất khi được Tòa án nhân dân yêu cầu để làm căn cứ giải quyết tranh chấp. Theo quy định tại khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay không có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chậm hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ việc, vụ án dân sự.

Trong thực tiễn, nhiều trường hợp Tòa án đã có văn bản yêu cầu cơ quan liên quan cung cấp chứng cứ thì việc cung cấp thường rất chậm. Khi đã hết thời hạn giải quyết vụ án mà vẫn chưa cung cấp thì Tòa án phải tạm đình chỉ giải quyết, chờ kết quả cung cấp tài liệu làm cho vụ việc kéo dài, tăng bức xúc cho người dân. Do vậy, đề nghị cần có quy định chế tài mạnh mẽ hơn về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, các cơ quan liên quan trong việc cung cấp hồ sơ tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất khi được Tòa án nhân dân yêu cầu để làm căn cứ giải quyết tranh chấp.

Hồ Hương

Các bài viết khác