GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: KIẾN NGHỊ QUỐC HỘI QUY ĐỊNH ĐẤT ĐAI CHO VĂN HÓA, GIÁO DỤC TRONG XÂY DỰNG LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

22/06/2023

Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật cần cân nhắc kỹ lưỡng các quy định liên quan đến đất cho văn hóa, giáo dục.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 21/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) 

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

Bày tỏ quan điểm về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho biết, khoản 5, Điều 199 của dự thảo quy định nhà nước khuyến khích việc sử dụng đất vào mục đích phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ môi trường. Điều 209 quy định đất có di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên đã được xếp hạng chưa hoặc là chưa được xếp hạng thì đều được bảo vệ nghiêm ngặt theo các mức độ khác nhau.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa bày tỏ băn khoăn những phần đất đang được sử dụng vào mục đích văn hóa, mục đích giáo dục thì có cách nào để ưu tiên sử dụng mà tránh chuyển đổi vì mục đích lợi nhuận thuần túy hay không?

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nêu thực tế, có rất nhiều đất, nhất là đất trường học, đất cơ sở văn hóa ở các khu vực trung tâm được các nhà đầu tư rất quan tâm, khi chuyển sang mục đích sử dụng khác hoặc đấu giá thì những khu đất này thu hút được sự ưu tiên của các nhà đầu tư. Nhiều cơ sở giáo dục, kể cả cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi chỉ chuyển đổi vị trí sang vị trí đất khác cách vài cây số thì việc thu hút người vào học hết sức khó khăn. Bởi vì trừ những nơi như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đất chật, người đông thì rất nhiều khu vực ở huyện, thị đất đai vẫn còn rất rộng và việc chuyển các cơ sở này ra bên ngoài khá xa như vậy là không thật sự cần thiết.

Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, khi thực hiện Chỉ thị 21 của Ban Bí thư về phát triển giáo dục nghề nghiệp, nếu chúng ta chuyển các cơ sở giáo dục này ra bên ngoài một cách đơn giản như vậy thì sẽ dẫn đến không có người học. Bởi vì, các em sinh viên còn có nhu cầu làm thêm, nhu cầu kết nối văn hóa và đi lại cho thuận lợi hoặc gắn bó với gia đình để bớt gánh nặng chi phí, chỉ chuyển đi khoảng 5-7km, 10km thôi cũng hết sức khó khăn cho các cơ sở này và lãng phí nguồn lực, dù giáo viên, dù cơ sở vật chất đã được chuẩn bị.

Phản ánh về trường hợp của Hãng phim truyện Việt Nam, đại biểu cho biết chứng kiến tận mắt sự đổ nát của một cơ sở hơn 4.000 m2 ở trung tâm thủ đô và khi tư duy khác nhau về đất sẽ dẫn đến bất động. Các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú của hãng phim, từ năm 2018 đến nay các nghệ sĩ này không có lương, không có bảo hiểm, nhiều nghệ sĩ đến tuổi về hưu hoặc chuẩn bị về hưu với một mức lương hết sức khiêm tốn, họ không nói gì về đãi ngộ đối với họ, nhưng họ xót xa cho một hãng phim được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập, đến năm nay là 70 năm kỷ niệm thành lập.

Thủ tướng rất quan tâm vấn đề này, đã chỉ đạo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm việc với các bên để giải quyết dứt điểm. Đại biểu Nghĩa cho biết, lợi ích chung đã rõ rồi, nhưng chắc chắn trong việc xử lý những hệ quả này thì cần dám nghĩ, dám làm. Đây là một ví dụ rất điển hình.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ đến những quy định về nguồn lực đầu tư cho văn hóa, giáo dục, coi đó là sự đầu tư trực tiếp cho tương lai, không nên coi đó là những nhà đầu tư, kinh doanh thông thường, để có hướng quy định phù hợp.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, Điều 157 cần sửa đổi theo hướng thiết kế thêm đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là các cơ sở giáo dục ngoài công lập, để tạo được những thành tựu cụ thể trong giáo dục về dài hạn.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị bổ sung quy định về đất xây dựng công trình sự nghiệp kết hợp sử dụng vào mục đích công cộng và dịch vụ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thí điểm thực hiện chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hóa thể thao, y tế, khoa học và công nghệ.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga -  Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

Cũng quan tâm tới các quy định về đất đai cho văn hóa, giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga -  Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội lần này vẫn còn nhiều vấn đề; trong đó có những chính sách căn cơ về đất đai tháo gỡ cho các bất cập của lĩnh vực giáo dục chưa được thể hiện rõ ràng.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho biết, Hiến pháp, Nghị quyết 29 của Trung ương và Luật Giáo dục quy định “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện khâu đột phá chiến lược về nguồn nhân lực; giáo dục đang rất cần đầu tư đồng bộ; chính sách đồng bộ. Trong đó, việc đầu tư chính sách đất đai cho giáo dục đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Theo đại biểu, kinh nghiệm từ nhiều nước phát triển, đặc biệt bài học được các nhà khoa học nhắc đến nhiều nhất là Luật cấp đất cho trường học của Mỹ. Quy định này đã tạo bệ phóng cho giáo dục phát triển, góp phần quan trọng vào đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ. Ở nước ta, hiện quy hoạch đất cho giáo dục còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương thiếu quỹ đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là các thành phố lớn, Chính sách xã hội hoá giáo dục còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc do chính sách đất đai.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nhấn mạnh, nếu không có chính sách phù hợp, đủ mạnh thì sẽ dẫn tới bất bình đẳng trong giáo dục, thương mại hoá giáo dục, làm méo mó chủ trương xã hội hóa giáo dục của nhà nước ta.

Dự thảo Luật Đất đai có tới 263 điều, trong đó có nhiều quy định cụ thể cho các lĩnh vực Kinh tế, An ninh, Quốc phòng, thậm chí có nhiều điều riêng quy định về đất cho đất của các lĩnh vực... Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nhấn mạnh, chưa có điều nào quy định riêng về đất giáo dục. Đất giáo dục được quy định chung với đất của đơn vị sự nghiệp công lập; hoà vào quy định đất với các lĩnh vực khác… chưa quy định được các vấn đề đặc thù, chính sách riêng, cụ thể rõ ràng, đủ mạnh cho xã hội hóa giáo dục.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, dường như, dự thảo luật đang đánh đồng chính sách đất trường ngoài công lập (trong đó có trường tư không vì lợi nhuận) với tổ chức kinh tế… Nữ đại biểu tỉnh Quảng Bình nêu rõ, khi xây dựng các luật chuyên ngành về giáo dục, các quy định về đất đai giáo dục thì chờ quy định trong Luật đất đai. Tuy nhiên, với quy định như dự thảo thì chưa rõ nét. Do vậy, đề nghị Dự thảo luật cần có các điều riêng về đất giáo dục nhằm thể hiện được quan điểm, các đặc thù trong chính sách và quản lý đất giáo dục.

Cụ thể, đại biểu cho rằng, cần có điều riêng hoặc bổ sung quy định tại điều 10 về chính sách khuyến khích, ưu tiên sử dụng đất cho phát triển giáo dục.Về chính sách đất cho trường công lập tự chủ, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nhất trí với dự thảo đã tiếp thu ý kiến Uỷ ban văn hóa giáo dục bỏ quy định “các cơ sở giáo dục tự chủ phải nộp tiền sử dụng đất”.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Điều 3 của dự thảo Luật quy định “các đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền và bổ sung quy định “trong trường hợp có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích được giao để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ” (Khoản 3 điều 32). Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị, cần quy định rõ ràng hơn cho cả cơ sở giáo dục tự chủ vì tại Điều 99 và một số điều khác vẫn có những tách bạch giữa đơn vị sự nghiệp công lập và đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ.

Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của đơn vị công lập, đặc biệt đối với cơ sở giáo dục khi “sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ” thì phải đảm bảo nguyên tắc "Bảo toàn và phát triển, phù hợp với môi trường giáo dục, văn hoá học đường”.

Về chính sách đất cho xã hội hóa giáo dục, đại biểu Nga kiến nghị, trong liệt kê đối tượng sử dụng đất cần bổ sung các cơ sở ngoài công lập hoạt động không vì lợi nhuận (Điều 5) và rà soát trong tổng thể dự thảo luật, không đánh đồng các cơ sở tư thục phi lợi nhuận với các tổ chức kinh tế.

Đồng thời, cần luật hóa các chính sách về đất đai đã được quy định tại các Nghị quyết và văn bản pháp luật về xã hội hóa giáo dục thời gian qua. Cụ thể một số chính sách quan trọng như: Nhà nước có nhiệm vụ giao đất, cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; có chính sách hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa đã tự thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng…

Cùng với đó, cần bổ sung vào Điều 157 dự thảo Luật Đất đai, quy định việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Dự thảo tại điều này quy định việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện với 10 trường hợp nhưng chưa có quy định cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đặc biệt là cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận. Đại biểu cho rằng, đây là điểm bất cập chưa phù hợp với chủ trương của Đảng về chính sách khuyến khích xã hội hoá nhằm phục vụ lợi ích chung của xã hội.

Đại biểu cho biết, hiện chính sách xã hội hóa đã có bước phát triển mới với việc phát triển các dự án theo quan hệ đối tác công-tư (PPP). Nghị quyết 19 và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (2020) đã chính thức quy định giáo dục, đào tạo là một lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP./.

Thu Phương