PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đồng tình cao với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết chương trình giám sát năm 2024.
Về công tác giám sát năm 2022, đại biểu nhất trí cao với những đánh giá kết quả đạt được, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong Chương trình giám sát Quốc hội năm 2022 tại Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, công tác giám sát của Quốc hội đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm và có nhiều đổi mới như: Đã ban hành Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội và kết luận của Đảng đoàn Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, ban hành Nghị quyết về hướng dẫn giám sát văn bản quy phạm pháp luật cho các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp làm cơ sở để các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Một điểm mới của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đó là công tác triển khai quán triệt để thực hiện chương trình giám sát hàng năm, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã triển khai chương trình giám sát năm trực tuyến và kết nối tất cả các tỉnh do trực tiếp đồng chí Chủ tịch Quốc hội chủ trì và có sự tham gia của các đồng chí thường trực tỉnh, thành ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh và đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh. Việc này tạo ra một sự thống nhất, đồng bộ từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến việc tổ chức thực hiện từ trung ương, địa phương và đồng thời cũng tránh được sự chồng chéo về nội dung giám sát giữa Quốc hội với địa phương và đại biểu đề nghị Quốc hội tiếp tục phát huy điểm mới này trong những năm tiếp theo.
Về giám sát của Quốc hội theo Luật Giám sát, đại biểu đồng tình với nội dung giám sát tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8 trong dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, đại biểu đề xuất Quốc hội đưa nội dung vào chương trình giám sát theo Luật Giám sát tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8 nội dung giám sát việc thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn và các vấn đề đã hứa tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5. Vì trong các kỳ họp vừa qua, hoạt động chất vấn của Quốc hội đã được thực hiện với tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, Chính phủ và các bộ, ngành đã trả lời chất vấn đầy trách nhiệm, thẳng thắn và đưa được các giải pháp khắc phục cụ thể. Tuy nhiên, việc giám sát kết quả thực hiện các vấn đề đã hứa chưa được quan tâm kịp thời.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát lại của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch 435 ngày 16/3/2023 triển khai nội dung giám sát của Quốc hội về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề chất vấn và Nghị quyết Quốc hội về giám sát chuyên đề chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4, trong đó đã đưa nội dung giám sát Nghị quyết 62 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3 và hoạt động giám sát tại kỳ họp thứ 6. Vì vậy, việc đưa nội dung giám sát Nghị quyết Quốc hội về hoạt động chất vấn trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn là một điều rất cần thiết và phù hợp với khoản 5 Điều 13, quy chế giám sát của Quốc hội quy định:"Tại phiên chất vấn kết hợp với việc giám sát thực hiện Nghị quyết Quốc hội về hoạt động chất vấn và đồng thời sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội".
Về giám sát chuyên đề Quốc hội năm 2024. Trong 4 chuyên đề, đại biểu đề xuất Quốc hội giám sát tối cao 2 chuyên đề, là chuyên đề 1 và chuyên đề 4 với lý do sau:
Với chuyên đề 1, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu đề ra các chính sách, giải pháp hỗ trợ khả thi, kịp thời, hiệu quả để nâng cao năng lực phòng, chống COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và được thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023. Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 43 với Quốc hội tại kỳ họp giữa năm 2024. Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm quốc gia có liên quan cần phải giám sát để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm đưa vào khai thác, sử dụng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc chọn chuyên đề này Quốc hội giám sát tối cao là phù hợp với thực tiễn.
Với chuyên đề 4, việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ 2015 đến hết 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan. Là chuyên đề hết sức quan trọng và được xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn và đóng băng trong mấy năm vừa qua cần phải có giải pháp để tháo gỡ. Bên cạnh đó, việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay đang vướng mắc nhiều cơ chế, chính sách cần phải được tháo gỡ, nhất là những vướng mắc về thể chế. Vì vậy, việc Quốc hội giám sát để tháo gỡ những nội dung trên cho lĩnh vực bất động sản và nhà ở xã hội là rất cần thiết.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giám sát Quốc hội, đại biểu kiến nghị 3 nội dung sau:
Thứ nhất, đề nghị Quốc hội xây dựng một chương trình giám sát toàn khóa để Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh chủ động trong việc xây dựng chương trình giám sát của mình trong các năm tiếp theo và để Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, địa phương và các tổ chức liên quan cũng sẽ căn cứ vào chương trình giám sát để tổ chức thực hiện và chuẩn bị cho chương trình giám sát Quốc hội. Tùy theo điều kiện cụ thể thì hàng năm Quốc hội có thể tiến hành điều chỉnh bổ sung cho phù hợp vào kỳ họp giữa năm.
Thứ hai, đại biểu đồng tình với các tiêu chí lựa chọn thứ tự ưu tiên để chọn giám sát chuyên đề theo Nghị quyết 334 Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Quốc hội cần hạn chế những việc chọn chuyên đề có phạm vi điều chỉnh của các luật có hiệu lực thi hành ngắn, nên chọn những chuyên đề thuộc phạm vi điều chỉnh của các nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 2 đến 3 năm để chúng ta đánh giá đầy đủ được những kết quả, hạn chế và đưa ra các kiến nghị, giải pháp thực hiện một cách phù hợp.
Thứ ba, tại khoản 4 Điều 53 cơ chế giám sát của Quốc hội quy định: "Đối với giám sát chuyên đề các tỉnh không nằm trong kế hoạch giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tham gia hoạt động giám sát theo yêu cầu cụ thể của Đoàn giám sát". Tuy nhiên, cũng cần quy định rõ Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh này có tổ chức giám sát hay không và có phải gửi báo cáo kết quả giám sát về Đoàn giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay không. Vì vậy, đại biểu đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo sớm việc ban hành kế hoạch và chọn địa phương để giám sát để Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch giám sát của mình, tránh trường hợp Quốc hội chờ báo cáo của các tỉnh rồi mới chọn địa phương giám sát dẫn đến tình trạng một địa phương 1 chuyên đề có 2 đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành giám sát.