TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 21/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
Quốc hội thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho biết, Luật Đất đai 2013 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/7/2014. Sau gần 10 năm áp dụng và đưa vào cuộc sống, Luật Đất đai còn nhiều nội dung bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện dẫn đến phát sinh nhiều hệ lụy, một số cá nhân và tổ chức lợi dụng kẻ hở của luật để tham nhũng và trục lợi, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là rất cần thiết.
Nhằm rà soát và hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6, đại biểu tỉnh Hậu Giang góp ý vào nhiều nội dung cụ thể liên quan đến: Giải thích từ ngữ, Người sử dụng đất; Quyền của công dân đối với đất đai; Quyền tiếp cận thông tin đất đai; Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân;…. Cụ thể:
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang
Một là, tại khoản 7 Điều 3 về Giải thích từ ngữ quy định “Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là cá nhân trực tiếp sản xuất và có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác”.
Trước đây, tại Khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa”. Và Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã bỏ quy định “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa”. Do đó, để tránh hiểu nhầm trong quá trình áp dụng Luật và phù hợp với quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ được quy định tại Khoản 2 Điều 32 của Hiến pháp năm 2013, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ cụm từ “không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác” được quy định tại Khoản 7 Điều 3 trong Luật.
Hai là, tại Điều 5 về Người sử dụng đất. Không quy định “cá nhân là người nước ngoài” là đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất;… Tuy nhiên, quy định này còn có điểm chưa phù hợp với các quy định tại các văn bản pháp luật khác, cụ thể tại điểm b khoản 2 Điều 159 Luật Nhà ở 2014 quy định, cá nhân là người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua “mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ” và khoản 2 Điều 14 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định “cá nhân là người nước ngoài được thuê các loại bất động sản để sử dụng; được mua, thuê, thuê mua nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở”.
Điều này tuy không mâu thuẫn về nhà và đất nhưng lại chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản là “việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất”. Mặt khác, nếu người nước ngoài chuyển nhượng tài sản là nhà cho người Việt Nam thì người nhận chuyển nhượng có được thừa nhận quyền sử dụng đất không? Theo đại biểu, vấn đề này cần có sự rà soát, điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với quy định của các văn bản khác và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người mua.
Ba là, tại Điều 24, Khoản 8 về Quyền của công dân đối với đất đai quy định “Nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất; mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật”. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung “bảo lãnh quyền sử dụng đất và cầm cố quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật” để có căn cứ pháp lý giải quyết khi có xảy ra tranh chấp.
Bốn là, tại Điều 25 về Quyền tiếp cận thông tin đất đai. Chủ thể thực hiện quyền này trong Luật chỉ quy định đối với cá nhân “công dân”. Đại biểu nêu vấn đề: "Vậy, với các tổ chức, doanh nghiệp có đất thì theo quy định này có được thực hiện quyền này hay không?"
Theo đại biểu, nhắc đến thuật ngữ “công dân” thì được hiểu là công dân nước CHXHCN Việt Nam, có quốc tịch Việt Nam. Vậy đối với người nước ngoài sở hữu Bất động sản tại Việt Nam thì quyền này thực hiện thế nào? Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người gốc Việt Nam đã có quốc tịch khác... thì họ có được pháp luật bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về đất đai hay không? Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc làm rõ để thống nhất thực hiện.
Năm là, tại Khoản 5 Điều 72 về Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định “Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 03 năm liên tục được xác định trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải xem xét, đánh giá để tiếp tục thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm tiếp theo hoặc hủy bỏ và phải công bố việc tiếp tục thực hiện hoặc hủy bỏ việc thu hồi hoặc hủy bỏ việc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất”. Do đó, đại biểu đề nghị điều chỉnh lại thời gian “sau 02 năm và được gia hạn điều chỉnh 01 lần”, để đảm bảo hạn chế ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đồng thời, những dự án hết thời hạn kế hoạch sử dụng đất và gia hạn mà không thực hiện thì phải tính việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt thòi trong khoảng thời gian chưa thực hiện
Sáu là, tại Điều 75 về Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đại biểu đồng tình theo quy định trong Luật nhưng cần xem xét, đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư và người quản lý, phải đảm bảo đồng thuận việc thu hồi đất và có sự tách bạch rõ ràng từ mục đích sử dụng đất… Nếu dự án nào thực sự vì mục đích công cộng, vì quốc phòng an ninh thì Nhà nước phải thu hồi bằng cơ chế hành chính. Còn đối với các dự án nhà ở xã hội,…các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và ngay cả các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ về mặt tài chính thì cần thỏa thuận với người sử dụng đất bị thu hồi đất theo cơ chế thị trường.
Bảy là, tại Khoản 2 Điều 173 về Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân, đại biểu đề nghị bổ sung thêm 1 điểm: “c) Năng lực, trình độ, quy mô sản xuất nông nghiệp và năng lực tài chính của người sử dụng đất”. Vì việc xác định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phải căn cứ vào các yếu tố gồm điều kiện đất đai và công nghệ sản xuất; chuyển dịch lực lượng lao động, cơ cấu kinh tế; quá trình đô thị hóa là cần thiết. Vì vậy, người nhận chuyển nhượng phải có năng lực tài chính thực sự.
Tám là, tại Khoản 2 Điều 86 về Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định “Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.
Quy định trên nêu “bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể được phê duyệt tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường”. Tuy nhiên, việc lập phương án bồi thường chỉ được hoàn chỉnh sau khi có giá đất cụ thể do cơ quan thẩm quyền phê duyệt, sau đó phải trải qua các bước: niêm yết lấy ý kiến người dân, tiếp thu ý kiến, giải trình, hoàn chỉnh phương án. Do đó, việc phê duyệt phương án bồi thường cùng thời điểm phê duyệt giá đất cụ thể là không thể, cần quy định khoảng cách thời gian cụ thể giữa thời gian phê duyệt phương án bồi thường và phê duyệt giá đất cụ thể. Vì vậy, đề xuất quy định “bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định trước ngày phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không quá 06 tháng” .
Chín là, tại Khoản 10 Điều 201 Đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xác định nhu cầu xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp để tích hợp vào quy hoạch”. So với quy định Luật Đất đai hiện hành, quy định trên thiếu sự rõ ràng khi sử dụng cụm từ “Xác định nhu cầu xây dựng”. Mặt khác, vẫn chưa giải quyết được những khó khăn vướng mắc trong quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để xây dựng nhà ở công nhân tại khu công nghiệp chưa phù hợp, tương thích với nội dung sửa đổi trong Luật Nhà ở về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà cho công nhân thuê ngay trong khu công nghiệp tương thích với hướng Luật Nhà ở (sửa đổi), coi nhà lưu trú cho công nhân thuê là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp. Cụ thể sửa khoản 10 Điều 201 Đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung như sau: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xác định rõ diện tích đất để xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất để tích hợp vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nông thôn; bố trí quỹ đất, giao đất để lực lượng Công an nhân dân đảm bảo an ninh trật tự đối với khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, trong khu công nghiệp được bố trí nhà lưu trú công nhân tại phần diện tích đất dịch vụ của khu công nghiệp.”
Thực tiễn cho thấy việc xây nhà lưu trú cho công nhân tại khu công nghiệp mang lại nhiều lợi ích; giảm chi phí đi lại cho công nhân và doanh nghiệp; giảm ùn tắc giao thông; tiện lợi cho tổ chức sản xuất, nhất là khi có dịch bệnh, thiên tai,…./.