ĐBQH PHAN ĐỨC HIẾU: ĐỀ XUẤT KHÔNG MỞ RỘNG ÁP DỤNG LUẬT ĐẤU THẦU ĐỐI VỚI CÔNG TY CON CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

24/05/2023

Phát biểu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sáng 24/5, Đại biểu Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, ĐBQH tỉnh Thái Bình đề xuất không mở rộng áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, các công ty con thuộc doanh nghiệp Nhà nước (có vốn Nhà nước 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng tổng vốn Nhà nước trong dự án trên 500 tỷ đồng) sẽ không phải đấu thầu.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Đại biểu Phan Đức Hiếu bày tỏ nhất trí với đề xuất của Chính phủ, đó là chỉ áp dụng Luật Đấu thầu đối đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp Nhà nước thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp, đồng thời bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu hiện hành để không áp dụng Luật này đối với các công ty con thuộc doanh nghiệp Nhà nước.

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, nếu mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu cho công ty con của doanh nghiệp nhà nước, điều đó đồng nghĩa sẽ mở rộng thêm 4 nhóm đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu, đây là một phạm vi rất rộng.

Đại biểu Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Bên cạnh đó, căn cứ vào sự phù hợp của chủ trương, chính sách, các nghị quyết của Đảng và hệ thống pháp luật, nếu mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu, đánh đồng các chủ thể, áp dụng cứng nhắc một phương thức quản lý thì đại biểu bày tỏ quan ngại về sự phù hợp với chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng và hệ thống pháp luật đã được thiết kế và đang thi hành.

“Luật Đấu thầu không phải là công cụ duy nhất để quản lý doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta có Luật Doanh nghiệp thông qua cơ chế quản trị, giám sát nội bộ. Chúng ta có Luật Quản lý, sử dụng vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp, (Luật số 69) cũng có cơ chế quản lý thông qua người đại diện vốn và các cơ chế giám sát, báo cáo khác. Chúng ta phải hết sức cân nhắc điều này”, đại biểu Phan Đức Hiếu cho nhấn mạnh.

Đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, trong các doanh nghiệp có một phần vốn Nhà nước, lợi ích của nhà đầu tư tư nhân rất lớn. Nhiều tập đoàn tư nhân, công ty mẹ trong các doanh nghiệp Nhà nước cũng thiết kế quy trình đấu thầu phù hợp để chống thất thoát. Tức là nhu cầu tự thân chống thất thoát vốn của các doanh nghiệp nhóm này đã có, không cần thiết quy định tại luật.

Các đại biểu tại phiên họp.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng nếu như áp dụng cứng nhắc luật đấu thầu cho các công ty con của doanh nghiệp nhà nước thì có thể làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh kém linh hoạt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh thì không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư mà lợi ích của nhà nước cũng bị ảnh hưởng

“Trong trường hợp này nếu như áp dụng Luật Đấu thầu cho cả các công ty con của doanh nghiệp nhà nước thì có thể ảnh hưởng đến sự linh hoạt, chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, như vậy gián tiếp, vô hình chung lợi ích của nhà nước cũng bị ảnh hưởng”, đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Từ những lý do trên, đại biểu Phan Đức Hiếu thống nhất như phương án Chính phủ đã trình là chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước, không mở rộng áp dụng cho các công ty con của doanh nghiệp nhà nước./.

Trọng Quỳnh