ĐBQH LÊ VĂN KHẢM: TÁN THÀNH TRÌNH QUỐC HỘI XEM XÉT DỰ ÁN LUẬT CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH TẠI KỲ HỌP THỨ 8

24/05/2023

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Văn Khảm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương bày tỏ đồng tình đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đồng thời đề nghị cân nhắc trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào kỳ hợp thứ 8 và thông qua vào kỳ họp thứ 9.

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐỒNG THUẬN VỚI SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG LUẬT CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH

ĐBQH PHẠM VĂN HÒA: XÂY DỰNG LUẬT CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH LÀ CẦN THIẾT NHƯNG PHẢI ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG KỸ LƯỠNG

Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023

Sáng 23/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã trình Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo đó, UBTVQH trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 đối với 02 dự án luật gồm: Luật Chuyển đổi giới tính và Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó, dự án Luật Chuyển đổi giới tính do đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị đưa dự án Luật vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Bên hành lang Quốc hội, chia sẻ về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với Luật Chuyển đổi giới tính, đại biểu Lê Văn Khảm đồng thuận cao với sự cần thiết ban hành luật. Theo đại biểu, đây là điểm mới của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, bởi dự án luật được một đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực có tính nhạy cảm về giới, xã hội và văn hóa, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội và luật pháp nên cần có thời gian để thực hiện các nghiên cứu, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, đối tượng chịu tác động trực tiếp và đối tượng liên quan để bảo đảm chất lượng dự án luật. Vì vậy, việc dự kiến thời gian trình Quốc hội xem xét vào kỳ hợp thứ 8 và thông qua vào kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV là phù hợp.

Đại biểu Lê Văn Khảm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương 

Lý giải về sự cần thiết xây dựng và ban hành dự luật, đại biểu Lê Văn Khảm cho biết, Bộ luật dân sự năm 2015, tại Điều 37 về chuyển đổi giới tính đã quy định “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Triển khai thực hiện Điều 37 Bộ luật Dân sự, Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng dự án luật Chuyển đổi giới tính từ năm 2016. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay – năm 2023, dự án Luật này vẫn chưa hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Trước yêu cầu thực thi pháp luật và đáp ứng đòi hỏi thực tế của đời sống xã hội, bảo đảm việc bảo vệ quyền con người, việc đưa dự án luật chuyển đổi giới tính vào chương trình xây dựng luật tại thời điểm này là cần thiết. Đây cũng là việc tiếp tục thể chế hóa quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, trên cơ sở các luận cứ khoa học, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động chính sách, cùng với sự chuẩn bị bài bản của Bộ Y tế về dự án luật này từ mấy năm qua.

Hiện nay, nhận thức chung về những vấn đề xã hội liên quan đến nhạy cảm giới và chuyển giới đã có những thay đổi nhất định; đồng thời, những nghiên cứu xã hội học, kinh nghiệm trên thế giới trong cách tiếp cận xây dựng luật về giới, bản dạng giới đã đưa ra những luận chứng, bài học về luật hóa việc chuyển đổi giới tính. Khi luật chuyển đổi giới tính được ban hành, việc quyết định chyển đổi giới tính sẽ tuân thủ những quy trình khoa học được luật hóa để đảm bảo rằng quyết định của mỗi cá nhân về nhu cầu chuyển giới là có cân nhắc kỹ lưỡng, có tư vấn chuyên sâu và trải nghiệm trên các phương diện sinh học, cơ thể học, tâm lý học và nhân học. Tương tự, việc tiếp cận các can thiệp y tế, sử dụng dịch vụ y tế liên quan đến chuyển giới được bảo đảm về sự hợp lý, hợp pháp, an toàn và chất lượng.

Tuy vậy, những thách thức lớn đối với dự án luật này không chỉ ở vấn đề chuyên môn kỹ thuật để thực hiện việc chuyển giới mà còn ở các vấn đề văn hóa, xã hội và luật pháp. Với người chuyển giới (khi có nhu cầu và đủ điều kiện để thực hiện chuyển đổi) sẽ được công nhận giới tính mới so với giới tính sinh học và giới tính giải phẫu học thông thường khi sinh. Khi có thay đổi về giới tính được công nhận, cá nhân người chuyển đổi giới tính sẽ thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật, bao gồm cả các quy định của pháp luật liên quan đến giới và bình đẳng giới. Điều này cũng dẫn đến việc phải điều chỉnh một số quy định trong các luật và chính sách hiện hành (như Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nghĩa vụ quân sự, Bộ luật Hình sự,…). Ứng xử xã hội cũng sẽ có những thay đổi đối với đối tượng là người chuyển giới. Xét trên phương diện sức khỏe, các vấn đề về chăm sóc sức khỏe, sử dụng dịch vụ y tế có tính đặc thù về tâm sinh lý, giải phẫu/ hình thể, bệnh lý liên quan đến giới tính của đối tượng chuyển giới cũng cần có những giải pháp khoa học về chuyên môn kỹ thuật y học để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc y tế của đối tượng này.

Do đó, theo đại biểu Lê Văn Khảm để hoàn thiện dự án Luật chuyển đổi giới tính trình Quốc hội, rất nhiều hoạt động xây dựng luật cần triển khai, bao gồm cả việc tổ chức các nghiên cứu, đánh giá sâu rộng, bảo đảm tính khoa học trên các lĩnh vực xã hội, y học, tâm lý học, nhân học, kinh tế, pháp luật và đánh giá tác động tổng thể  của các chính sách trong dự án luật này.

Cũng theo đại biểu tỉnh Bình Dương, về mặt pháp luật, cần rà soát, đánh giá, nghiên cứu chuyên sâu các luật liên quan phải điều chỉnh, nhận diện đầy đủ những thách thức và cần đưa ra các giải pháp điều chỉnh các luật liên quan.

Ngoài ra, đây là một lĩnh vực có tính nhạy cảm về giới, xã hội và văn hóa, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội và luật pháp nên cần có thời gian để thực hiện các nghiên cứu, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, đối tượng chịu tác động trực tiếp và đối tượng liên quan để bảo đảm chất lượng dự án luật.

Đại biểu Lê Văn Khảm cho rằng, việc dự kiến thời gian trình Quốc hội xem xét vào kỳ hợp thứ 8 và thông qua vào kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV là phù hợp./.

Lê Anh