ĐBQH NGUYỄN VĂN CẢNH: NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA CẦN ĐỊNH LƯỢNG MỘT SỐ MỤC TIÊU ĐỂ ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ HOÀN THÀNH

07/01/2023

Trong phiên thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Kỳ họp bất thường thứ hai, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định gợi ý khi xây dựng Quy hoạch cần rà soát để định lượng rõ ràng một số mục tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội để có phương án phù hợp và dễ dàng đánh giá được mức độ hoàn thành các mục tiêu ở các mốc thời gian cụ thể.

ĐBQH NGUYỄN VĂN CẢNH: LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH CẦN HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU XÂY DỰNG GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

Nghị quyết của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia cần định lượng một số mục tiêu để đánh giá mức độ hoàn thành.

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch nêu các mục tiêu phấn đấu đạt cao như dịch vụ xã hội chất lượng cao hơn, tốc độ phát triển cao, tính kết nối cao, khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Nhưng đây là những mục tiêu chưa định lượng, như vậy thì sẽ khó chọn được giải pháp để thực hiện. Trong nghị quyết nêu giai đoạn 2031-2050 phấn đấu chỉ số phát triển con người ở mức rất cao và có chú thích rõ là chỉ số HDI từ 0,8 trở lên -đây là mục tiêu có định lượng, giúp chúng ta có kế hoạch đạt được tiêu chí của chỉ số này. Vì vậy, đại biểu đề nghị rà soát lại để định lượng các mục tiêu, bởi nếu có những con số rõ ràng, sẽ có phương án phù hợp, định lượng mục tiêu cũng giúp cho chúng ta dễ dàng đánh giá được mức độ hoàn thành các mục tiêu ở các mốc thời gian.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định góp ý về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch tổng thể quốc gia nêu mục tiêu phát triển đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và tầm nhìn đến năm 2050 là nước phát triển thu nhập cao. Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, điểm khác nhau dễ thấy giữa nước đang phát triển và nước phát triển, đó là chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Đất nước đang phát triển vẫn còn suy nghĩ tiền nào của nấy, các nước phát triển làm sản phẩm nào là có chất lượng cao.

Đại biểu phân tích, nếu sản phẩm trên thị trường không cạnh tranh bằng chất lượng thì không chỉ người tiêu dùng bị thiệt hại, mà những người làm ra sản phẩm chất lượng cũng bị cạnh tranh không lành mạnh như: bị giả thương hiệu, bị bán phá giá, làm cho các ngành sản xuất trong nước đi xuống. Đại biểu lấy ví dụ trong thời kỳ mới mở cửa, nhiều sản phẩm của Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, không chỉ do chúng ta khéo tay đầu tư máy móc hiện đại, mà còn do khách hàng yêu cầu các sản phẩm phải đạt được các yêu cầu kỹ thuật, các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế tại các cơ sở kiểm định tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, trong Quy hoạch tổng thể quốc gia cần bổ sung nội dung phát triển hệ thống các trung tâm cơ sở kiểm định chất lượng sản phẩm tầm cỡ khu vực, có lộ trình hoàn thiện pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn tiệm cận với các nền kinh tế mà Việt Nam muốn đưa sản phẩm đến.

Phát triển đội ngũ các nhà văn hóa để văn hóa phát triển ngang tầm với kinh tế.

Mục tiêu quy hoạch nêu đặt văn hóa ngang tầm với kinh tế, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho biết, để phát triển kinh tế, Việt Nam đã có rất nhiều nhà kinh tế, nhưng hiện nay chưa có đủ đội ngũ các nhà văn hóa để phát triển văn hóa. Đại biểu khẳng định, trong thiết chế văn hóa, con người phải được đưa lên hàng đầu thì các hoạt động văn hóa mới không hình thức, đội ngũ các nhà văn hóa cần được mở rộng hơn đến nhiều đối tượng. Họ là những người hiểu biết sâu sắc về văn hóa, những nhà nghiên cứu văn hóa, những người đam mê trong hoạt động văn hóa. Họ cũng có thể là những người được cộng đồng tôn trọng, người tiêu biểu của Hội người cao tuổi. Họ hoạt động ở nhiều lĩnh vực và nhiều độ tuổi.

Đại biểu cho rằng, có thể phải cần chục ngàn người như vậy trên cả nước là đại diện ở các vùng miền, nhiều người ở các thế hệ trước 6X hiểu thấu được những giá trị văn hóa truyền thống. Những người ở thế hệ 6X, 7X là cầu nối hài hòa văn hóa truyền thống và văn minh hiện đại và nhiều người ở thế hệ 8X về sau tiếp thu được tinh hoa văn hóa thế giới, hiểu được nhu cầu đời sống tinh thần, hành vi ứng xử của thanh niên hiện nay như Đoàn thanh niên. Người từ nhiều thế hệ như vậy sẽ đóng góp vào các chính sách về văn hóa, bình luận về những vấn đề văn hóa đương đại, góp phần giải quyết các vấn đề về đời sống tinh thần đặt ra cũng giúp cho mọi người có cái nhìn rõ hơn về thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội - những vấn đề quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam. Vì vậy, trong Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng cần có nội dung phát triển đội ngũ các nhà văn hóa trong giai đoạn mới.

Phiên thảo luận về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Để phát triển mạnh về công nghiệp văn hóa, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu, uy tín và tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế như trong dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia nêu, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, để sản xuất sản phẩm gì ra thế giới, trước hết sản phẩm đó phải đạt chất lượng và được trong nước ưa chuộng.

Trong đó, sản phẩm điện ảnh nghệ thuật thứ Bảy có thể xem là đại diện cho sản phẩm văn hóa, nhưng cần thời gian để đào tạo đạo diễn diễn viên xứng tầm khu vực và thế giới để có các sản phẩm điện ảnh có thương hiệu. Để sớm đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới, đại biểu đề xuất có thể đưa kho tàng truyện cổ tích Việt Nam ra thế giới giống như truyện thần thoại Hy Lạp hay truyện Ngàn lẻ một đêm đã được phổ biến ở các quốc gia. “Chúng ta có thể phát triển nhanh bằng việc đứng trên vai những người khổng lồ, đó là nhờ các hãng phim Hollywood dựng một bộ phim hoạt hình Thạch Sanh - Lý thông cũng như họ đã làm đối với các phim thần thoại Hy Lạp và Ngàn lẻ một đêm. Bộ phim Thạch Sanh - Lý Thông cũng giúp giới thiệu các cảnh quan thiên nhiên, âm nhạc, điêu khắc, trang phục ẩm thực Việt Nam đến với thế giới. Vì vậy, trong nghị quyết cần có nội dung hợp tác quốc tế về phát triển văn hóa”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng đề nghị trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần có nội dung về hình thành thói quen đọc sách bên cạnh việc phát triển thư viện một cách hiệu quả; đồng thời xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập./.

Lan Hương

Các bài viết khác