ĐBQH NGUYỄN HẢI ANH: KỲ VỌNG VÀO NHỮNG QUYẾT SÁCH CỦA QUỐC HỘI KHÓA XV TẠI KỲ HỌP THỨ 4

20/10/2022

9h00 sáng 20/10/2022, Quốc hội Khóa XV sẽ khai mạc Kỳ họp thứ 4. Đây là kỳ họp cuối năm với khối lượng công việc lớn và nhiều nội dung quan trọng. Chia sẻ trước thềm Phiên khai mạc, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng những quyết sách của Quốc hội tại kỳ họp này sẽ tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, tháo gỡ khó khăn và là động lực thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ PHIÊN KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

Theo Chương trình Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Nhiệm vụ lập pháp được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Kỳ họp khi Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 7 luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 7 dự án luật khác.

Với hoạt động giám sát, Quốc hội dự kiến chất vấn và trả lời chất vấn về 4 nhóm vấn đề trong 2,5 ngày; tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” trong 1 ngày.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét quyết định về nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác, trong đó có việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Chia sẻ trước thềm Phiên khai mạc Kỳ họp, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đây là kỳ họp với khối lượng công việc rất lớn và nhiều nội dung quan trọng. Để có thể hoàn thành khối lượng công việc lớn trong khoảng thời gian ngắn, đáp ứng được nguyện vọng, mong mỏi của cử tri, đòi hỏi các đại biểu Quốc hội phải chủ động, tích cực đóng góp trí tuệ, trách nhiệm trong từng nội dung Quốc hội xem xét, quyết định. Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng bày tỏ kỳ vọng vào những quyết sách tại Kỳ họp cuối năm sẽ là đòn bẩy, động lực thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững, phồn vinh của đất nước.

Phóng viên: Thưa đại biểu, chỉ còn ít giờ nữa là Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ chính thức khai mạc. Vậy, đại biểu có đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị của kỳ họp lần này?

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Đã thành thông lệ, các công việc chuẩn bị cho Kỳ họp được Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội triển khai từ rất sớm và kỹ lưỡng. Ngay sau khi Kỳ họp thứ 3, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức hữu quan tích cực chuẩn bị các nội dung bảo đảm yêu cầu, điều kiện các dự án, dự thảo, báo cáo để kịp trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.  Đồng thời, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, không quản ngại vất vả với tinh thần bao trùm “làm hết việc chứ không hết giờ”; đồng thời luôn bám sát thực tiễn cuộc sống, lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học.

Về công tác cung cấp tài liệu phục vụ kỳ họp, Kỳ họp thứ 4 đã có nhiều cải tiến và cơ bản đáp ứng yêu cầu về thời gian gửi tài liệu. Trên phần mềm của Quốc hội đã cung cấp đầy đủ và liên tục cập nhật các tài liệu phục vụ Kỳ họp để đại biểu có thời gian nghiên cứu. Thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã rất chủ động phối hợp chặt chẽ chuẩn bị các nội dung bảo đảm yêu cầu, điều kiện để kịp trình Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung của Kỳ họp.

Phải nhấn mạnh và khẳng định vai trò quan trọng của Tổng Thư ký Quốc hội trong chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ trì, phối hợp triển khai tổ chức nghiên cứu, biên dịch, tổng hợp thông tin, tài liệu tham khảo phục vụ đại biểu Quốc hội tại kỳ họp; các công tác bảo đảm để tiếp nhận và trả lời yêu cầu cung cấp thông tin của đại biểu Quốc hội trong suốt thời gian diễn ra kỳ họp tại khu vực sảnh Hội trường Diên Hồng cũng được tiến hành chu đáo. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan hữu quan trong công tác chuẩn bị kỳ họp.

Ngoài ra, các điều kiện đảm bảo khác như: cơ sở vật chất, kỹ thuật, hậu cần, y tế,... đã được Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội chuẩn bị hết sức chu đáo với tinh thần tạo mọi điều kiện tốt nhất cho đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp, đảm bảo Kỳ họp diễn ra an toàn, hiệu quả.

Phóng viên: Công tác lập pháp được đánh giá là nhiệm vụ trọng tâm của Kỳ họp thứ 4. Vậy, đâu là nội dung đại biểu đặc biệt quan tâm trong số 14 dự án Luật dự kiến trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến lần đầu?

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Đối với các dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự, tôi đặc biệt quan tâm tới dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là một đạo luật hết sức quan trọng, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là hoàn toàn cần thiết, là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ với tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng, doanh nghiệp, người dân và bảo đảm một số nguyên tắc chung. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 đã được Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa. Các cơ quan của Quốc hội cũng luôn theo sát quá trình xây dựng dự án Luật, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Dự thảo Luật có nhiều điểm mới như: Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân trong việc xây dựng bảng giá đất; hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp,...

Cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng như quy định về việc thu hồi đất, bồi thường đất, hỗ trợ tái định cư, việc xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường;... Cử tri và nhân dân mong đợi những quy định tại dự luật phải đảm bảo phù hợp với thực tiễn, mang tính khả thi cao. Tôi rất kỳ vọng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với sự đồng hành, sát sao của Quốc hội trong quá trình xây dựng Luật sẽ cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện và đồng bộ các chủ trương, chính sách lớn trong Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Phóng viên: Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV với khối lượng công việc lớn nhưng thời gian rút ngắn chỉ còn 21 ngày. Vậy, trước thềm Phiên khai mạc đại biểu có kỳ vọng gì về thành công của Kỳ họp?

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Kết quả kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022 của đất nước là đặc biệt tích cực, và điều này cho chúng ta cơ sở vững chắc để kỳ vọng vào những thành tựu tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam trong cả năm 2022. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức. Cùng với những biến động nhanh, phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, kinh tế nước ta cũng đang phải chịu những áp lực lớn. Do đó, việc tìm giải pháp, có quyết sách kịp thời tháo gỡ, nhằm khắc phục những hạn chế trong phát triển kinh tế là vô cùng cấp thiếp. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ về công tác đảm bảo an sinh xã hội, giáo dục, y tế,... cũng cần tiếp tục được chú trọng đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa.

Kỳ họp thứ 4 diễn ra ngay sau thành công hết sức tốt đẹp của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, và như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ “phải tiếp tục lan tỏa tinh thần, thành công của Hội nghị Trung ương 6, đưa ra những quyết sách đúng đắn về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”, tôi rất kỳ vọng và tin tưởng vào thành công của Kỳ họp. Các đại biểu Quốc hội sẽ hết sức nỗ lực, quyết tâm, tích cực nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; chất vấn đúng và trúng các vấn đề trọng tâm,... góp phần đưa ra các quyết sách đúng đắn trên cơ sở lợi ích của dân tộc và Nhân dân.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lê Anh