ĐBQH LEO THỊ LỊCH: NGHỊ QUYẾT 30/2021/QH15 – MỘT NGHỊ QUYẾT KỊP THỜI, Ý NGHĨA, VÌ DÂN

17/10/2022

Quan tâm đến Nghị quyết 30/2021/QH15 vừa được Chính phủ báo cáo, tổng kết thực hiện tại Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch- đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, Nghị quyết là một sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ của Quốc hội, đã tháo gỡ hàng loạt “nút thắt” về cơ chế, chính sách, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN QUY ĐỊNH TẠI KHOẢN 3 NGHỊ QUYẾT 30/2021/QH15

Tại Phiên họp thứ 16 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là một sản phẩm lập pháp độc đáo, ý nghĩa, kịp thời, thể hiện sự ưu việt của chế độ, được cử tri, Nhân dân và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Việc ban hành và thực hiện Nghị quyết 30 được nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ, càng củng cố niềm tin đối với những quyết sách phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, đồng thời cũng là một tiền đề quan trọng cho việc nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh các đạo luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Quan tâm đến Nghị quyết này, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch- đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, đây là một sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ của Quốc hội, đã tháo gỡ hàng loạt “nút thắt” về cơ chế, chính sách, giúp việc thực hiện các giải pháp cấp bách được thuận lợi, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đại biểu Leo Thị Lịch- Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc

Phóng viên: Sau hơn một năm nhìn lại, việc ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 được đánh giá là một bước chuyển hướng chiến lược quan trọng trong tiến trình kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Là người trực tiếp thảo luận và bấm nút thông qua, đại biểu có chia sẻ gì về quá trình ban hành Nghị quyết này?

Đại biểu Leo Thị Lịch- Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc: Nghị quyết 30/2021/QH15 là một sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ của Quốc hội, đưa ra trong bối cảnh đặc biệt nhiều khó khăn. Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cũng là lúc dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, công tác phòng dịch được tiến hành nghiêm minh và có phần căng thẳng ngay tại hành lang Hội trường Diên Hồng. Theo thường lệ, Kỳ họp đầu tiên của một nhiệm kỳ thường đặt trọng tâm vào kiện toàn nhân sự, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp bất thường với 5 bộ trưởng nghe báo cáo các vấn đề liên quan tới phòng, chống dịch Covid-19. Ngay sau phiên họp gấp đó của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội lần đầu tiên vừa có sáng kiến lập pháp tức thời, vừa trình Quốc hội cho bổ sung chương trình, vừa xin chủ trương của Bộ Chính trị, vừa thảo luận, vừa biểu quyết trong 3 ngày, với sự đồng thuận rất cao.

Sáng 24/7, toàn bộ đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường đã bấm nút đồng ý bổ sung vào chương trình kỳ họp những đề xuất của Chính phủ. Tận dụng tối đa thời gian, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp với các cơ quan liên quan xem xét dự thảo tờ trình của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nhanh chóng chỉnh sửa lại tờ trình theo hướng tăng quyền nhiều hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao đổi bên lề Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV

Chiều cùng ngày, các nội dung Chính phủ trình Quốc hội đã có sự thay đổi lớn, theo đó, Chính phủ được áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định cần thiết chưa được luật định để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống Covid-19. Bên hành lang Hội trường Diên Hồng, các đại biểu sôi nổi thảo luận về các giải pháp khả thi, các cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch. Sau đó, 100% đại biểu Quốc hội có mặt tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ nhất đã thông qua Nghị quyết 30/2021/QH15, trong đó phần lớn dung lượng là các giải pháp chưa có tiền lệ được trao cho Chính phủ để tăng cường phòng, chống dịch.

Phóng viên: Được ban hành trong tình hình khẩn cấp như vậy, Nghị quyết này có ý nghĩa như thế nào trong phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội thời gian vừa qua, thưa đại biểu?

Đại biểu Leo Thị Lịch- Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc: Sự ra đời của Nghị quyết 30 đã kịp thời tháo gỡ hàng loạt “nút thắt” về cơ chế, chính sách, giúp việc thực hiện các giải pháp cấp bách được thuận lợi, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nghị quyết cũng tạo cơ chế pháp lý đầy đủ hơn để huy động tối đa nguồn lực, quyết định những biện pháp đặc cách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý do những hệ lụy của dịch bệnh gây ra, góp phần quan trọng quyết định kiểm soát được đợt dịch thứ 4.

Nghị quyết này cũng đã thể hiện rõ hình ảnh một Quốc hội thật sự năng động, đổi mới, quyết liệt ngay từ Kỳ họp đầu tiên, đồng thời khẳng định sự phối hợp chặt chẽ, sự đồng hành gắn bó giữa Quốc hội và Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng trên tinh thần "tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân”.

Hiệu quả của Nghị quyết 30 đã ngay lập tực thể hiện trong thực tế. Đợt dịch thứ 4, khi dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh phía nam, trong thời gian ngắn chúng ta đã huy động, điều động một lực lượng lớn nhân lực của y tế, quân đội, công an của Trung ương và 34 địa phương hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác đang có dịch. Triển khai thực hiện Nghị quyết này, Bắc Giang, địa phương nơi tôi ứng cử đã kịp thời thu xếp nhân lực, vật lực chi viện cho các tỉnh phía nam chống dịch. Đồng thời, tỉnh Bắc Giang cũng cử một trong những đoàn cán bộ y tế đầu tiên của 11 tỉnh, thành phố theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ đến tham gia hỗ trợ Tp.Hà Nội trong công tác xét nghiệm, tiêm chủng diện rộng. Cùng với sự hưởng ứng cao của người dân, sự vào cuộc của các cấp, ngành, chúng ta đã từng bước khống chế được dịch bệnh ở các nơi tâm dịch, không để dịch bệnh lan rộng ra toàn quốc, qua đó tạo ra bước ngoặt trong công cuộc chống dịch, tiến tới phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội như hiện nay.

Bắc Giang thu xếp nhân lực, vật lực chi viện cho các tỉnh phía nam chống dịch

Phóng viên: Sau hơn một năm triển khai, đã đến lúc phải tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15. Đại biểu đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện Nghị quyết này trong thời gian qua?

Đại biểu Leo Thị Lịch- Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc: Tại Nghị quyết 30, Quốc hội đã trao cho Chính phủ quyền lực lớn hơn trong việc điều phối, sử dụng, tận dụng nguồn lực về con người, của cải cho công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, trao quyền bao giờ cũng phải đi kèm với giám sát, và đặc biệt là cần tổng kết, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm. Không thể phủ nhận những kết quả rất đáng tự hào chúng ta đã đạt được, nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng ta vẫn còn có những tồn tại, hạn chế. Chính phủ đã thận trọng chủ động ban hành và áp dụng một số biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ, chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly có lúc, có nơi còn lúng túng, chưa nghiêm, chưa thống nhất.

Về huy động nguồn lực và thực hiện các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ được ban hành kịp thời để hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp và được dư luận đánh giá cao. Nhưng trong điều kiện khó khăn, không tránh khỏi trường hợp việc thực hiện triển khai một số chính sách hỗ trợ còn chậm; tiếp cận các gói an sinh xã hội còn hạn chế; vẫn có tình trạng tồn đọng, chưa chi trả cho đối tượng được hỗ trợ; công tác dự báo, dự kiến quy mô chính sách còn chưa sát thực tế.

Ngoài ra, cá nhân tôi cho rằng, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các chính sách của Nghị quyết này, trong khi, đây lại là lực lượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh về tất cả mọi mặt như kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm. Trong đại dịch vừa qua, lao động là người dân tộc thiểu số tự làm trong lĩnh vực nông nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm, lao động di cư lao động tự do qua biên giới phải quy trở về không tìm được việc làm tại địa phương. Việc tiếp cận với các gói an sinh xã hội chậm hoặc không thể tiếp cận được trong giai đoạn giãn cách xã hội cũng là một trong những nguyên nhân gây nghèo đói tạm thời, gây khó khăn, thậm chí là bức xúc đối với một số lao động dân tộc thiểu số và miền núi.

Phóng viên: Trong tổ chức thực hiện, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng trân trọng nhưng cũng không tránh khỏi một số tồn tại, hạn chế. Theo đại biểu, cần tiến hành những giải pháp gì để tiếp tục phát huy hiệu quả của Nghị quyết này?

Đại biểu Leo Thị Lịch- Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc: Đến nay, khi dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước, vấn đề an sinh xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế cần được quan tâm hàng đầu. Tôi cho rằng, đối với an sinh xã hội, cần quan tâm phối hợp thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Bên cạnh đó, công tác phòng dịch cũng không được buông lỏng, mà ngược lại, cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, ứng phó linh hoạt phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Đặc biệt, với lượng người khá lớn đã nhiễm Covid trong thời gian vừa qua, chúng ta cần giải quyết thấu đáo các vấn đề hậu COVID, việc tác động của tiêm vắc xin kéo dài.

Tiếp tục công tác giám sát, chúng ta cần đánh giá, phân tích, nhận định đúng bản chất, nguyên nhân chủ quan, khách quan và phân tích các vấn đề tiêu cực, lãng phí trong công tác phòng chống dịch vừa qua, tăng cường công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực y tế nhất là việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh thuốc.

Phóng viên: Nghị quyết 30/2021-QH15 sẽ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện một số chính sách trong Nghị quyết này đến hết 31/12/2023. Đại biểu có nhận định gì về vấn đề này?

Đại biểu Leo Thị Lịch- Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc: Tôi cho rằng việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết, kéo dài đến 31/12/2023 về một số chính sách là cần thiết nhằm duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, đây là những chính sách rất đặc thù phục vụ cao điểm khi xảy ra dịch bệnh căng thẳng.

Hiện nay đang tiềm ẩn dịch bệnh phát sinh, có thể phát sinh và bùng phát trở lại. Chính phủ cần có Báo cáo đánh giá tác động, tổng quát, từ đó mới đề ra phương hướng, danh mục cụ thể các nội dung cần làm cho thời gian tới phù hợp với thực tiễn hiện nay mới đảm bảo hiệu quả, chất lượng, đáp ứng yêu cầu chống dịch trong giai đoạn mới. Báo cáo đó sẽ là cơ sở để Quốc hội quyết định việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết và để thực hiện đạt hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực, đồng thời đảm bảo kiểm soát tốt quyền lực, vì lợi ích người dân.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Hồ Hương

Các bài viết khác