ĐBQH THẠCH PHƯỚC BÌNH: QUY ĐỊNH RÕ THÔNG TIN VỀ CHỦ SỞ HỮU HƯỞNG LỢI CỦA CÁC GIAO DỊCH TRONG LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN

13/10/2022

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 4 sắp tới, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) nên quy định rõ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của các giao dịch để đảm bảo xác định đúng đối tượng quản lý.

ĐBQH NGUYỄN TẠO: CẢI THIỆN CHẾ ĐỊNH VỀ THU THẬP, XỬ LÝ, CHIA SẺ THÔNG TIN TRONG PHÒNG CHỐNG RỬA TIỀN

Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 4 sắp tới, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, qua việc thực hiện Luật Phòng chống rửa tiền 2012, hệ thống tài chính của Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực và tạo cơ sở pháp lý để từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác này. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, FATF đã 11 lần sửa đổi các khuyến nghị và theo đánh giá đến hiện nay thì Việt Nam mới tuân thủ hoàn toàn được 13/40 kiến nghị, khuyến nghị, còn 27/40 khuyến nghị bị xếp hạng tuân thủ 1 phần hoặc chưa tuân thủ. Vì vậy, với những thiếu hụt về khung pháp lý và hiệu quả thực thi trong thực tế còn hạn chế, thiếu tính đồng bộ ở các ngành, các lĩnh vực, Việt Nam đã được đưa vào quy trình rà soát, tăng cường sau đánh giá đa phương của nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền APG và rơi vào quy trình công bố tại hội nghị toàn thể của FATF vào tháng 3/2020.

Trên cơ sở thực trạng cùng với khuyến nghị của FATF, đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ đã rất quyết tâm hoàn thiện hệ thống pháp lý về phòng chống rửa tiền. Chính vì vậy, đại biểu tán thành với sự cần thiết trình dự luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) để Quốc hội cho ý kiến và kỳ vọng được thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Dự thảo luật gồm 4 chương, 54 điều, trong đó bổ sung mới 9 điều, sửa đổi 43 điều, hủy bỏ 7 điều, giữ nguyên 2 điều của luật năm 2012. Trong đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung mới của dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền đã căn cứ những nội dung sửa đổi trong khuyến nghị của FATF với các bản cập nhật gần nhất. Đáng chú ý là dự thảo luật đã bổ sung điều mới về đánh giá rủi ro quốc gia và rủi ro ngành về rửa tiền nhằm luật hóa nghĩa vụ của Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo quan tâm nghiên cứu một số nội dung cụ thể như sau.

Một là, đề nghị bổ sung các đối tượng báo cáo của luật là các công ty viễn thông đang cung cấp dịch vụ Mobile Money, chẳng hạn như việc Mobile Money dịch vụ chuyển tiền bưu chính, dịch vụ chuyển tiền qua các công ty chuyển tiền quốc tế, các công ty được phép cung cấp dịch vụ tài sản ảo, kinh doanh tài chính tiền tệ trên nền tảng số.

Hai là, xác định rõ các định nghĩa về mối quan hệ về ngân hàng đại lý giữa các ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng, phân biệt giữa ngân hàng vỏ bọc quan hệ đối tác giữa các ngân hàng cũng như các khái niệm về công nghệ mới khác với công nghệ đang sử dụng về phòng, chống rửa tiền.

Ba là, quy định về phong tỏa tài khoản tạm thời đối với các đối tượng bị tố giác gian lận để bảo đảm có thể ngăn chặn tội phạm tẩu tán tài sản, đồng thời cần lược bỏ các quy định về yêu cầu các tổ chức báo cáo xác minh danh tính khách hàng như thông qua Điều lệ hợp đồng thuê giám đốc, bởi vì danh tính khách hàng đã được lưu tại các đơn vị quản lý.

Bốn là, nên quy định rõ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của các giao dịch để đảm bảo xác định đúng đối tượng quản lý, không chỉ đơn thuần là chủ sở hữu mà là người hưởng lợi cuối cùng, cho phép ngân hàng truy cập và khai thác cơ sở dữ liệu thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi cũng như cần bổ sung hướng dẫn yêu cầu kiểm soát rủi ro đối với bên thứ ba khi thực hiện nhận biết, xác minh, cập nhật thông tin qua bên thứ ba.

Năm là, xem xét, bổ sung quy định về hướng dẫn có tính nguyên tắc về tiêu chí và thang điểm đo lường, đánh giá phân loại rủi ro ngành về phòng, chống rửa tiền, rủi ro khách hàng, hướng dẫn thiết lập ngưỡng rủi ro cho hạng mục khách hàng có rủi ro cao.

Sáu là, dự thảo luật đã yêu cầu thỏa thuận pháp lý phải có sự chuyển giao quyền sở hữu sẽ bỏ sót nhiều trường hợp ủy quyền quản lý, sử dụng. Ví dụ tài khoản ngân hàng của một người nhưng ủy quyền cho người khác sử dụng, mặc dù văn bản ủy quyền không thể hiện sự chuyển giao quyền sở hữu số tiền trong tài khoản nhưng khi được quyền rút tiền, chuyển tiền từ tài khoản thì người được ủy quyền có toàn quyền sử dụng, định đoạt số tiền đó. Theo đó, đề nghị bổ sung quy định cho phù hợp.

Bảy là, cân nhắc kỹ lưỡng yêu cầu khó khả thi với các ngân hàng thương mại, đó là đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền của ngân hàng đối tác. Bởi vì, các ngân hàng thương mại có rất nhiều đối tác, hơn nữa các thông tin về phòng, chống rửa tiền của các đối tác là không công khai nên việc đánh giá đòi hỏi nhiều nguồn lực mà hiệu quả chưa chắc được đảm bảo. Thay vào đó, có thể quy định ngân hàng đối tác cung cấp bằng chứng tuân thủ nguyên tắc hoặc là quy định phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố được cấp bởi cơ quan quản lý sở tại.

Tám là, xác định các phạm vi mà tổ chức tài chính có thể sử dụng để ngăn chặn các hành vi nghi ngờ dấu hiệu gian lận, rửa tiền như ngân hàng có thể từ chối giao dịch khi nghi ngờ tính chính xác, mục đích giao dịch hay giao dịch phải thuộc diện giám sát đặc biệt mới được can thiệp, đề nghị xem xét bổ sung quy định này.

Chín là, đối với việc quy định xem xét yêu cầu phải báo cáo trong vòng 1 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện dấu hiệu đáng ngờ theo quy định tại Điều 28, theo đó các tổ chức phải gửi kèm hồ sơ mở tài khoản. Với tài khoản mở từ lâu việc lấy hồ sơ trong kho lưu trữ mất thời gian, do đó đại biểu đề nghị cần chỉnh sửa quy định này về thời gian gửi báo cáo cho phù hợp với mục tiêu báo cáo và thông lệ trong khu vực.

Mười là, đề nghị xem xét bổ sung cho phép ứng dụng công nghệ số như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo. Cần phân biệt rõ các bổ sung ứng dụng công nghệ số nào cho phù hợp với từng giao dịch để hỗ trợ công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Ngoài ra, đối với việc thực hiện nhận biết tăng cường khách hàng là cá nhân có ảnh hưởng chính trị (PEP) cần có quy định hướng dẫn hỗ trợ về nguồn dữ liệu về cách thức để các tổ chức tài chính có thể nhận biết được nguồn tài sản, nguồn tiền của khách hàng, do đây là đối tượng khách hàng khó tiếp cận để thu thập thông tin để đảm bảo theo thông lệ định nghĩa về PEP nên bao gồm cá nhân trong nước có ảnh hưởng chính trị.

Hồ Hương

Các bài viết khác