ĐBQH TRẦN CHÍ CƯỜNG: TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI ĐỂ CÁC BÁC SĨ THỰC HIỆN CÔNG TÁC CHUYÊN MÔN

28/09/2022

Tham gia ý kiến hoàn thiện dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Trần Chí Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng cho rằng dự thảo Luật cần tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thực tiễn để các bác sĩ có thể triển khai thực hiện chuyên môn của mình, phù hợp và đảm bảo trong những lúc tận dụng được công sức và trình độ tay nghề của bác sĩ trong việc khám, chữa bệnh cho người dân.

Hội nghị ĐBQH chuyên trách thảo luận Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Đại biểu Trần Chí Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng tham gia thảo luận

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Trần Chí Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng đánh giá cao sự nỗ lực và trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, hoàn thiện và điều chỉnh lại dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). So với Dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, dự án Luật trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này có thêm 14 điều bổ sung và bỏ 1 điều, cách bố cục lại với các chương, các điều cũng khá hợp lý, rõ ràng, mạch lạc, đây là một bước tiến khá lớn trong việc xây dựng dự thảo luật trình ra lần này.

Đi vào một số vấn đề cụ thể liên quan đến ý kiến cho rằng nên đưa việc khuyến mại ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vào điều cấm ở Điều 6 với lý do là người dân không có nhiều khả năng để đánh giá chất lượng dịch vụ như thế nào là tốt và nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của mình như thế nào là phù hợp. Cũng như trong hoạt động y tế, một số trường hợp dùng nhiều thuốc dịch vụ sẽ gây nguy hại cho sức khỏe. Đại biểu đề nghị không quy định nghiêm cấm vấn đề khuyến mại của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, vì cần tạo ra môi trường hoạt động bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh, các loại hình doanh nghiệp. Hơn nữa, vấn đề khuyến mãi đã được quy định rõ trong Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định 81 năm 2018 của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc khám bệnh, chữa bệnh là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện với quy trình, điều kiện cụ thể được Bộ Y tế hướng dẫn trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh và sử dụng các dịch vụ, nên việc các cơ sở lạm dụng chuyện này cũng không phải việc dễ dàng.

Thêm vào đó, đại biểu cho rằng, cần khuyến khích phát triển mạnh đầu tư ngoài ngân sách vào lĩnh vực y tế. Như vậy, nếu không tạo một môi trường bình đẳng để các đơn vị có thể hoạt động được về cung ứng dịch vụ sản phẩm thì sẽ gây khó khăn, cản trở cho các doanh nghiệp muốn tham gia vào dịch vụ khám, chữa bệnh. Do đó, đại biểu cho rằng, về việc khuyến mãi của các đơn vị y tế, quy định của pháp luật cần phải tạo điều kiện cho các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện với điều kiện cụ thể, rõ ràng của Bộ Y tế, của Chính phủ trong việc thực hiện này. Một doanh nghiệp xây dựng đầu tư 1 bệnh viện mới, sẽ cần có cách tiếp cận, giới thiệu, quảng cáo, để thúc đẩy kinh doanh. Vì vậy, đại biểu đề nghị hết sức cân nhắc để có quy định tạo điều kiện cho các đơn vị y tế thực hiện khuyến mại.

Bên cạnh đó, trong thực tiễn, nhiều y, bác sĩ phản ánh, tại khoản 2 Điều 32 về nguyên tắc đăng ký hành nghề có quy định là "Được đăng ký hành nghề tại nhiều cơ sở, nhưng không được trùng thời gian làm việc giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh". Tuy nhiên, trong thực tế, các bác sĩ có thể đăng ký làm việc ở nhiều cơ sở khám bệnh với một khung giờ khác nhau, và trường hợp có ca bệnh cần hội chuẩn khám, phẫu thuật nếu ngoài khung giờ đã đăng ký với Sở Y tế hoặc Bộ Y tế thì sẽ không được thực hiện, như vậy điều này sẽ không thực sự phù hợp với nhu cầu lâm sàng, một số bác sĩ mà có tay nghề cao cũng khó thực hiện được. Do đó, đại biểu đề nghị nên nghiên cứu có thể sửa lại là "việc được đăng ký hành nghề tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không được trùng thời gian làm việc, xuất hiện trên hồ sơ khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh", bổ sung thêm các cụm từ "xuất hiện trên hồ sơ khám bệnh, chữa bệnh" để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thực tiễn để các bác sĩ có thể triển khai thực hiện chuyên môn của mình, phù hợp và đảm bảo trong những lúc tận dụng được công sức và trình độ tay nghề của bác sĩ trong việc khám, chữa bệnh cho người dân.

Ngoài ra, liên quan việc cấp giấy phép hành nghề của các y bác sĩ, nhiều cử tri cũng phản ánh, nếu đúng theo quy định của luật thì một bác sĩ phải đáp ứng tiêu chí thời gian ít nhất 8 năm mới có đủ điều kiện để hành nghề và được cấp giấy phép hành nghề, sau đó phải học tiếp các chuyên khoa cấp 1, cấp 2 hoặc học cao hơn là cao học hoặc tiến sĩ thì cũng mất đến 2-5 năm nữa và học xong, khi đó cũng chưa thể có thời gian làm việc ở các đơn vị, nếu được cấp phép khoảng 3 năm thì lại được cử đi học hoặc tiếp tục phải vừa lo tham gia sát hạch, vừa việc lo ôn thi. Đây cũng là một việc sẽ gây tốn kém và khó khó khăn cho hoạt động của các y, bác sĩ. Do đó, trong luật đã có quy định rất chặt chẽ về điều kiện được cấp phép hành nghề. Theo đại biểu, ở khoản 3 Điều 39 của dự thảo luật quy định là thời hạn cấp phép 5 năm thì nên có sự nghiên cứu lại, có thể kéo dài 10 năm hoặc phải có một quy định về trình tự, thủ tục thật sự đơn giản để tạo điều kiện thuận lợi cho các y bác sĩ hành nghề trong quá trình hoạt động của mình.

Hồ Hương

Các bài viết khác