ĐBQH NGUYỄN MINH TÂM: CẦN CÓ CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ, HỖ TRỢ, PHỤC HỒI CHO NGƯỜI BỊ BẠO LỰC GIA ĐÌNH

28/09/2022

Thảo luận hoàn thiện dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng cần đưa vào dự thảo luật các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý người có hành vi bạo lực gia đình cũng như các biện pháp để bảo vệ, hỗ trợ, phục hồi cho người bị bạo lực, đồng thời phòng ngừa tái diễn các hành vi bạo lực.

Hội nghị ĐBQH chuyên trách thảo luận Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình 

Tham gia thảo luận hoàn thiện dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu, nghiên cứu, tham vấn ý kiến đa chiều của các chuyên gia, nhà nghiên cứu để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật. Theo đó, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật rất rõ những ý kiến của đại biểu. Đồng thời, đại biểu ghi nhận và đánh giá cao Ban soạn thảo đã cung cấp đầy đủ tài liệu, đặc biệt là có bảng so sánh dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với dự kiến tiếp thu và chỉnh lý đối với dự thảo luật trình tại kỳ họp thứ 3 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành, những tài liệu này được chuẩn bị kỹ lưỡng, trình bày rõ ràng, cụ thể, tạo điều kiện cho đại biểu dễ dàng tiếp cận, tham gia ý kiến đối với luật.

Đi vào các nội dung cụ thể, đại biểu cho biết, để xác định được hành vi bạo lực gia đình, cần phải định nghĩa rõ và bao quát hết được tất cả các hành vi. Do đó, tại khoản 1 Điều 2 của dự thảo luật giải thích về bạo lực gia đình, đại biểu đề nghị bỏ từ "cố ý", vì nếu quy định như vậy có thể bỏ lọt tội phạm. Bởi lẽ, vì hành vi vô ý cũng có thể gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế do quá tự tin hoặc do chủ quan. Tại Điều 11 của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây: Thứ nhất là, người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Thứ hai là, người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Ví dụ điển hình là vụ bé gái 8 tuổi của Thành phố Hồ Chí Minh, bố cháu bé tận mắt chứng kiến hành vi bạo lực gia đình của mẹ kế đối với con gái ruột của mình, nhưng do quá tự tin nghĩ rằng hành động đó không gây tổn hại tới sức khỏe của con nhưng hậu quả cháu bé đã tử vong. Các trường hợp khác, một số hành vi bạo lực trong thời gian vừa qua đối với người cao tuổi như là không quan tâm, chăm sóc, ăn uống, thuốc thang, coi thường, sỉ nhục, quát mắng, dọa nạt, mặc dù những hành vi này không cố ý nhưng cũng có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Vậy nên, đại biểu cho rằng, việc định nghĩa hành vi bạo lực gia đình là hành vi cố ý tại khoản 1 có thể là kẽ hở khi định khung hình phạt đối với người gây bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để đưa vào dự thảo luật các quy định đặc thù thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, đặc điểm cá nhân đối với các trường hợp người bị bạo lực là trẻ em và người gây bạo lực là trẻ em. Theo đó, cần đưa vào dự thảo luật các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý người có hành vi bạo lực gia đình cũng như các biện pháp để bảo vệ, hỗ trợ, phục hồi cho người bị bạo lực, đồng thời phòng ngừa tái diễn các hành vi bạo lực.

Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc và xem xét lại quy định tại khoản 2 Điều 3 quy định về hành vi bạo lực gia đình áp dụng đối với người đã ly hôn. Vì quy định về hành vi bạo lực gia đình nêu tại khoản 1 điều này chỉ xác định hành vi bạo lực gia đình xảy ra trong phạm vi gia đình, giữa các thành viên trong gia đình với nhau, còn các hành vi xảy ra ngoài phạm vi gia đình thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật. Các trường hợp này thì tùy theo tính chất, mức độ để xử lý theo các quy định của pháp luật chuyên ngành, như pháp luật về hình sự, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về hôn nhân gia đình, v.v.. Theo đó, đại biểu đề nghị xem xét quy định các hành vi bạo lực gia đình sau ly hôn chỉ áp dụng trong trường hợp quan hệ giữa cha, mẹ và con, không áp dụng trong quan hệ giữa cha và mẹ, vì theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình quy định rất cụ thể, đó là "ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ, chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án". Theo đó, mọi quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng cũng đã chấm dứt, chỉ có trách nhiệm cùng nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc đối với quy định này.

Ngoài ra, về giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc quy định tại Điều 27, đại biểu đề nghị rà soát và bổ sung quy định nhằm phát huy vai trò của tổ chức chính trị xã hội, người có uy tín tại cộng đồng tham gia giám sát để nâng cao hiệu quả công tác giám sát.

Hồ Hương

Các bài viết khác