Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên thảo luận Hội nghị ĐBQH chuyên trách sáng 08/9
Nội quy kỳ họp Quốc hội năm 2015 đã cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy trình, thủ tục. Việc thực hiện Nội quy đã góp phần thúc đẩy hoạt động của Quốc hội nói chung ngày càng chuyên nghiệp, bài bản và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các kỳ họp Quốc hội.
Tuy nhiên, sau gần 07 năm thi hành, Nội quy kỳ họp Quốc hội năm 2015 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung. Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bám sát quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021; Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ban hành kèm theo Quyết định số 2362-QĐ/ĐĐQH14 ngày 24/6/2021 của Đảng đoàn Quốc hội); hoàn thiện các quy định liên quan đến kỳ họp Quốc hội theo hướng quy định đầy đủ, cụ thể, khoa học, hợp lý những quy trình, thủ tục tại kỳ họp; những quy trình, thủ tục về các vấn đề cụ thể đã được quy định tại các luật chuyên ngành thì chỉ dẫn chiếu tại dự thảo Nghị quyết để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Dự thảo Nghị quyết Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục cho việc tiến hành kỳ họp Quốc hội; quy định cụ thể thẩm quyền của chủ thể tiến hành một số thủ tục tại kỳ họp Quốc hội; dành 01 điều quy định dẫn chiếu các luật, nghị quyết đã quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành các nội dung tại kỳ họp Quốc hội, bao gồm: xem xét, thông qua luật, nghị quyết; giám sát tối cao, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quyết định trưng cầu ý dân; tiếp công dân.
Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) gồm 3 chương với 57 điều. Qua tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nội quy năm 2015, nhiều quy định vẫn đang phát huy hiệu quả. Trên cơ sở thực tiễn và quán triệt quan điểm, mục đích sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung 10 điều, sửa đổi 42 điều, kế thừa nguyên văn 05 điều (tăng 01 điều so với Nội quy hiện hành) và hình thức văn bản là Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Công khai cơ quan, đơn vị gửi tài liệu chậm đến đại biểu Quốc hội trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng của kỳ họp Quốc hội, do đó về cơ bản đại biểu đồng tình với dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp (sửa đổi).
Liên quan đến tài liệu ở điểm a khoản 2 Điều 7 quy định tài liệu chính thức được lưu hành bằng hình thức bản điện tử, trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước và phải bảo đảm nội dung nguyên vẹn như bản gốc, đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng điểm này cần chỉnh lý thêm bởi vì khoản 7 Điều 3 Nghị định 78 năm 2015 của Chính phủ đã quy định khái niệm về văn bản điện tử là tài liệu điện tử được tạo trực tuyến hoặc được quét scan từ văn bản giấy theo định dạng “.doc” hoặc “.pdf” và thể hiện chính xác toàn vẹn nội dung của văn bản giấy. Vì vậy, đại biểu đề nghị nên chỉnh lý lại là: Tài liệu chính thức được lưu hành bằng văn bản điện tử, trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
Quan tâm đến quy định danh sách các tài liệu chính thức của các cơ quan, cá nhân gửi chậm thì được công khai đến các đại biểu Quốc hội tại khoản 3 Điều 7, đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng, điều này rất tốt. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội qua các kỳ họp vừa qua đều biết cơ quan nào gửi chậm đến đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ quản, cơ quan thẩm tra. Do đó, đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị nên công khai việc này trên Cổng Thông tin điện tử của Quốc hội chứ không phải chỉ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, qua đó mới góp phần nâng nâng cao chất lượng của các kỳ họp Quốc hội.
“Thời gian qua như các đại biểu Quốc hội đã nói, các vị đại biểu Quốc hội nhận tài liệu rất chậm, có những trường hợp sáng ngày hôm sau thảo luận thì 12 giờ đêm hoặc 1 giờ sáng mới nhận được thì đại biểu cũng không thể nghiên cứu được. Tôi cho rằng tài liệu này phải gửi sớm và công khai”, đại biểu Lê Hoàng Anh giải thích thêm.
Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai
Liên quan đến hình thức họp và phiên họp quy định tại Điều 14 có 3 hình thức, đại biểu cho rằng, quy định như vậy là phù hợp. Tuy nhiên theo đại biểu Lê Hoàng Anh, cần phải quy định là giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hình thức họp, chứ không phải Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn. Để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể quyết định được, đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị bổ sung một khoản quy định về nguyên tắc tổ chức trực tuyến và kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Về cơ bản, đại biểu nhận thấy, tổ chức trực tiếp là chính, còn trực tuyến hoặc là kết hợp trực tuyến và trực tiếp chỉ diễn ra khi xảy ra những vấn đề bất khả kháng như dịch bệnh thì mới đáp ứng được yêu cầu của các hoạt động của Quốc hội. Do đó đại biểu Lê Hoàng Anh kiến nghị cần thiết phải quy định nguyên tắc quyết định các hình thức họp này cho phù hợp.
Góp ý quy định về thảo luận tại kỳ họp cho phép kéo dài thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội là chuyên gia không quá 15 phút tại điểm b khoản 4 Điều 18, đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng không nên quy định điều này. Đại biểu Quốc hội là chuyên gia thì có thể phát biểu với tư cách là chuyên gia ở các hội nghị mà Quốc hội tham vấn các chuyên gia, còn đại biểu Quốc hội là quyền hạn và nghĩa vụ như nhau, do đó các đại biểu có quyền phát biểu thời gian giống nhau. Đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị sửa lại và không quy định vấn đề này.
Nên giữ nguyên quy định mỗi lần chất vấn của đại biểu Quốc hội là 2 phút
Về chất vấn tại phiên họp tại khoản 2 Điều 19 của dự thảo quy định mỗi lần chất vấn của đại biểu Quốc hội không quá 1 phút, tức là giảm so với trước 1 phút và quy định trường hợp thứ hai là khi chất vấn có sử dụng minh họa bằng hình ảnh... thì không quá 2 phút. Đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng, quy định này là không hợp lý và đề nghị giữ nguyên, không quy định hai trường hợp như dự thảo mà quy định theo hướng giữ nguyên như quy định cũ là 2 phút.
“Tùy vùng miền có người nói nhanh, người nói chậm nhưng riêng việc kính thưa ngắn gọn nhất cũng mất khoảng 15 giây, còn 45 giây để đặt vấn đề thì sẽ rất khó. Chúng ta quy định ở đây chất vấn là được truyền hình và phát thanh trực tiếp. Ở đây không phải chỉ dành cho người bị chất vấn mà đồng bào, cử tri phải theo dõi và hiểu được nội dung chất vấn của đại biểu thì tôi cho rằng sử dụng 2 phút mới đảm bảo được. Nếu chúng ta quy định không khéo điều này thì đại biểu sẽ sử dụng các minh họa mà thực chất lại không phải minh họa cho chất vấn của mình, nội dung của mình để lấy đủ 2 phút để trình bày”, đại biểu Lê Hoàng Anh phân tích thêm.
Về khoản 4 Điều 27 “báo cáo tập hợp, tổng hợp gửi chậm nhất là 2 ngày, bất thường 1 ngày, báo cáo giải trình, tiếp thu chậm nhất là 1 ngày trước khi biểu quyết”, đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị là không quy định ngày, vì khái niệm ngày không rõ ràng. Chúng ta quy định trước 24 giờ hoặc trước 48 giờ, gửi vào lúc 23 giờ 59 phút cũng là trước 1 ngày thì rất khó cho đại biểu, do đó đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị Ban soạn thảo chỉnh lý lại việc này.
Về khoản 2 Điều 3 quy định là “đại biểu Quốc hội không thể tham gia phiên họp phải báo cáo Trưởng đoàn và thông báo với Tổng Thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội”. Đại biểu Lê Hoàng Anh băn khoăn quy định như vậy là để báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định mới được nghỉ, hay chỉ cần báo cáo là mình tự nghỉ được. Do đó, đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị phải chỉnh lý điểm này, đồng ý cho nghỉ thì mới được nghỉ hay chỉ cần báo cáo theo kiểu thông báo.
Bên cạnh đó, đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị không phải gửi đến Tổng Thư ký Quốc hội để báo cáo nữa mà theo dõi, đánh giá đại biểu Quốc hội là Ban Công tác đại biểu. Do vậy, đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng Ban Công tác đại biểu, Trưởng Ban Công tác đại biểu báo cáo với Chủ tịch Quốc hội là đủ và Ban Công tác đại biểu còn theo dõi, đánh giá toàn bộ quá trình cả 5 năm của các đại biểu Quốc hội giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.