ĐBQH TRẦN CHÍ CƯỜNG: ĐỀ NGHỊ CẦN ÁP DỤNG THỦ TỤC RÚT GỌN CHO TẤT CẢ CÁC QUY HOẠCH

30/05/2022

Thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng đề nghị cần áp dụng thủ tục rút gọn cho tất cả các quy hoạch, bao gồm cả quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện, nhất là các thành phố trực thuộc trung ương.

Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng cơ bản tán thành cao với nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát trình Quốc hội và cũng thống nhất về sự cần thiết, sát hợp, chất lượng và tính hiệu quả của chuyên đề giám sát. Việc ban hành và thực hiện có hiệu lực, hiệu quả Luật Quy hoạch sẽ khắc phục được tình trạng đã từng diễn ra như là chưa có quy hoạch, điều chỉnh nhiều lần quy hoạch hoặc hủy bỏ quy hoạch trong công tác điều hành, quản lý, phát triển kinh tế - xã hội như thời gian vừa qua.

Hiện nay, hầu hết các ngành, các địa phương đang tổ chức triển khai thực hiện lập các quy hoạch theo quy định, cả quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu... Do vậy không tránh khỏi việc kêu gọi đầu tư và nhiều dự án đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội phải chờ quy hoạch mới có thể xem xét thực hiện. Điều này đã ảnh hưởng, làm chậm và kéo dài đầu tư dự án, ảnh hưởng đến sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và ngay cả quyền lợi của nhà đầu tư, đặc biệt là trong giai đoạn chúng ta đang nỗ lực tập trung mọi nguồn lực để khôi phục kinh tế sau khủng hoảng và khó khăn do đại dịch COVID-19.

Qua báo cáo của Đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều vướng mắc, khó khăn, nếu không có giải pháp quyết liệt, căn cơ để tháo gỡ sẽ là những điểm nghẽn, làm kéo dài hơn công tác lập và phê duyệt quy hoạch hoặc quy hoạch có thể kém hiệu quả, chồng chéo và khó khả thi trong thực hiện, sau khi được phê duyệt phải điều chỉnh, thay đổi hoặc hủy bỏ, v.v.. Như vậy, nguy cơ các dự án đầu tư tiếp tục kéo dài là không tránh khỏi, điều đó sẽ trở thành một trong những rào cản cho tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà chúng ta đang tập trung thực hiện. Vì vậy, tôi đánh giá cao và cơ bản thống nhất với các đề xuất, kiến nghị của Đoàn giám sát đã nêu trong báo cáo. 

Góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Chí Cường nêu rõ, qua thực tế triển khai đã cho thấy có sự trùng lặp, chồng chéo ở một số nội dung giữa Luật Quy hoạch đô thị ở nội dung quy hoạch chung với Luật Quy hoạch ở nội dung quy hoạch tỉnh khi lập quy hoạch cho thành phố trực thuộc trung ương. Để đảm bảo việc thống nhất mức độ nghiên cứu của từng loại quy hoạch, đại biểu đề nghị cần xem xét đồng bộ các hướng dẫn tại Nghị định số 37 năm 2019 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, Nghị định số 37 năm 2010 về quy định thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, hướng dẫn việc xử lý, mức độ nghiên cứu như thế nào để tránh chồng chéo cho cả 2 quy hoạch này.

Theo Nghị quyết 751 của Quốc hội và Nghị quyết 64 của Chính phủ, việc lập các quy hoạch được tiến hành đồng thời, quy hoạch nào xong trước thì được quyết định phê duyệt trước, sau khi quyết định phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn. Tuy nhiên, thực tế có sự hiểu và áp dụng khác nhau giữa Bộ và địa phương nên đã gây ra sự lúng túng, khó khăn trong triển khai. Do đó, việc triển khai các cấp độ quy hoạch đô thị cần phải tiến hành theo trình tự của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, tức là căn cứ thực hiện theo Điều 18, Điều 25, Điều 29 và khoản 2, khoản 3 Điều 23 của Luật Quy hoạch đô thị. Đại biểu cho rằng, điều này vô hình chung phải thực hiện từng cấp độ theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu rồi mới thực hiện quy hoạch chi tiết, như vậy sẽ kéo dài thời gian và dẫn tới chậm triển khai các dự án đầu tư. Đây là vấn đề cấp bách cần tháo gỡ trong thực tiễn hiện nay.

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát tại phần đề xuất, kiến nghị, Đoàn giám sát đề xuất giải pháp là cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện lập đồng thời các quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn trong hệ thống quy hoạch quốc gia nhưng lại loại trừ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn không phải thực hiện quy trình lập nhiệm vụ quy hoạch, rút gọn quy trình thẩm định, phê duyệt việc điều chỉnh quy hoạch khi có nội dung không thống nhất với cấp cao hơn. Đại biểu cho rằng, việc quy định như vậy là chưa hợp lý và có thể gây khó khăn kéo dài việc triển khai thực hiện của các địa phương, nhất là các thành phố trực thuộc trung ương. Đại biểu đề nghị cần áp dụng thủ tục rút gọn cho tất cả các quy hoạch, bao gồm cả quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Đề cập đến các đồ án quy hoạch xây dựng, Ủy ban nhân dân quận có thẩm quyền tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng tại khu vực được giao quản lý và có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân quận quyết định trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp này, Ủy ban nhân dân quận là cơ quan thẩm quyền phê duyệt, xem xét để phê duyệt. Tuy nhiên, đại biểu Trần Chí Cường chỉ rõ, hiện nay ở một số địa phương đang triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị không có Hội đồng nhân dân cấp quận, phường, trong đó có thành phố Đà Nẵng đang gặp khó khăn trong việc tổ chức thực hiện các quy định trên về công tác quy hoạch ở cấp quận. Bởi vì, chưa xác định cấp thẩm quyền quyết định trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt đối với các đồ án xây dựng do Ủy ban nhân dân quận là đơn vị tổ chức lập theo quy định của Luật Xây dựng. Do vậy, đại biểu Trần Chí Cường nhấn mạnh, đây là vấn đề sớm cần được tháo gỡ để việc tổ chức thực hiện công tác quy hoạch được thông suốt, liên tục và hiệu quả./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác