ĐBQH NGUYỄN MẠNH HÙNG: CẦN ĐÁNH GIÁ TOÀN DIỆN HƠN VỀ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG HỆ THỐNG QUY HOẠCH

30/05/2022

Thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng – Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ đề nghị cần cần có nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện hơn về kinh nghiệm quốc tế đối với việc xây dựng hệ thống quy hoạch, tập trung vào một số quy hoạch then chốt và lựa chọn được các đơn vị tư vấn đủ tầm, giàu kinh nghiệm, chất lượng cao.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ

Để đảm bảo chất lượng các quy hoạch nhằm đạt được mục tiêu của quy hoạch là kết hợp chặt chẽ 3 khía cạnh phát triển bền vững, gồm: Phát triển và hòa nhập xã hội, tăng trưởng kinh tế bền vững, quản lý và bảo vệ môi trường, để kết nối một tầm nhìn chung, một chiến lược phát triển tổng thể với chính sách cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ đề nghị cần có nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện hơn về kinh nghiệm quốc tế đối với việc xây dựng hệ thống quy hoạch, phương pháp lập và triển khai các loại quy hoạch, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch với nhau, đặc biệt là có đánh giá cụ thể về thành công, hạn chế và bài học kinh nghiệm của các nước và gợi ý chính sách cho Việt Nam. Đặc biệt là các nước có thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia giống như nước ta, được coi là quy hoạch quan trọng nhất, định hướng và dẫn dắt các quy hoạch khác.

Theo đại biểu, rất nhiều nước có kinh tế - xã hội phát triển và có quy hoạch được coi là thành công thì họ không tập trung vào làm quy hoạch tổng thể quốc gia mà thay vào đó họ tập trung vào 3 quy hoạch: Một là quy hoạch sử dụng đất có tính đến các không gian ngầm và trên không; Hai là quy hoạch theo vùng lãnh thổ; Ba là quy hoạch theo các khu vực đô thị lớn. Năm 2015 Liên hợp quốc đã ban hành một bộ hướng dẫn gọi là Bộ hướng dẫn quốc tế về quy hoạch vùng, lãnh thổ và quy hoạch đô thị, trong đó khuyến cáo là các nước nên tập trung vào 2 loại quy hoạch này, gắn với 4 xu hướng quan trọng trong việc thiết lập các quy hoạch, đó là: Tăng trưởng kinh tế - xã hội, các biến đổi khí hậu; suy giảm về tài nguyên và phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

Góp ý về vấn đề lựa chọn tư vấn, đại biểu cho rằng, dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu các vấn đề bất cập, vướng mắc liên quan đến lựa chọn đơn vị tư vấn. Trong đó, đặc biệt lo ngại về chất lượng của các đơn vị tư vấn. Có thể khẳng định rằng chất lượng tư vấn là một trong những nhân tố quan trọng nhất và quyết định nhất đến chất lượng của quy hoạch. Trên thực tế, mặc dù quy định về lựa chọn tư vấn đã được nêu tại Điều 17 Luật Quy hoạch và Điều 4 của Nghị định số 37. Tuy nhiên, do phần lớn các quy hoạch được lập lần này đều là lần đầu nên việc áp dụng các quy định nêu trên gặp rất nhiều khó khăn.

Để khắc phục vấn đề này trong bối cảnh nước ta đang thiếu các đơn vị tư vấn đủ khả năng đối với một số quy hoạch then chốt, quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng hoặc một số đô thị lớn, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Chính phủ cần có cơ chế riêng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan liên quan về cách thức lựa chọn và nguồn kinh phí để thuê được các tư vấn thực sự chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đề ra. Theo đó, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan cung cấp các danh sách tư vấn có nhiều kinh nghiệm đã thực hiện các tư vấn quy hoạch tương tự và được đánh giá cao ở nước ngoài, phối hợp liên doanh với các đơn vị tư vấn hàng đầu của Việt Nam theo từng lĩnh vực cụ thể, thậm chí là mời họ tham gia đề xuất các phương án quy hoạch để lựa chọn được phương án tối ưu nhất. “Và trong bối cảnh các quy hoạch đang được triển khai chậm thì cần đặt mục tiêu chất lượng các quy hoạch lên ưu tiên hàng đầu hơn là chúng ta chạy theo tiến độ”, đại biểu nhấn mạnh.

Cho rằng thay vì dàn hàng ngang để 104 quy hoạch còn lại cùng về đích vào thời điểm 31/12/2022 như dự kiến hiện nay, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị cần lựa chọn và tập trung vào một số quy hoạch quan trọng, then chốt nhất đóng vai trò định hướng và dẫn dắt cho các quy hoạch khác. Ví dụ như quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch vùng và quy hoạch một số đô thị lớn như là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Song song với đó, đại biểu kiến nghị đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá về cách thức và nguồn kinh phí để lựa chọn được các đơn vị tư vấn đủ tầm, giàu kinh nghiệm, có chất lượng cao, có sự kết hợp tư vấn trong và ngoài nước đặt hàng để tập trung triển khai các quy hoạch then chốt nêu trên. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ, phối hợp giám sát chặt chẽ của các cơ quan liên quan để hoàn thành và phê duyệt trước, làm căn cứ, cơ sở định hướng cho các quy hoạch khác được tiếp tục triển khai thực hiện./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác