ĐBQH VƯƠNG THỊ HƯƠNG: CẦN CÓ THANG ĐO, CÁCH KHẢO SÁT ĐẶC THÙ CỦA CÁC CƠ QUAN VỀ GIỚI ĐỂ NHẬN DIỆN ĐÚNG NHỮNG HÌNH THỨC BẠO HÀNH GIA ĐÌNH

30/05/2022

Góp ý vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nêu quan điểm: Cần có thang đo, cách khảo sát đặc thù của các cơ quan về giới để nhận diện đúng những hình thức bạo hành gia đình...


Thực hiện Kỳ họp thứ 3, Quốc hội vừa tiến hành thảo luận ở Tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) để chuẩn bị cho phiên thảo luận tại Hội trường dự kiến diễn ra vào ngày 14/6/2022. 

Góp ý vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang khẳng định: Qua 15 năm thực hiện, Luật phòng, chống bạo lực gia đình đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ người bị bạo lực gia đình. Tuy nhiên, ở một số vùng miền, sự chuyển biến chưa nhiều, hành vi bạo hành trong gia đình diễn ra khá phổ biến; mức độ bạo hành ngày càng nghiêm trọng. Đại biểu Vương Thị Hương tán thành với sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình để đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và đề xuất số ý kiến tham gia dự thảo Luật cụ thể như sau:

Tại khoản 1 Điều 3 của dự thảo Luật giải thích từ ngữ về bạo lực gia đình. Theo đó, “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình”. Thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã xác định có 4 nhóm hình thức bạo hành gia đình gồm: bạo lực thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục. Việc nhận diện được những hình thức bạo hành là rất quan trọng giúp triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ người bị bạo lực gia đình. Tuy nhiên, thực tế chủ yếu mới khảo sát, đo lường được bạo lực thể chất. Còn bạo lực tinh thần rất khó phát hiện nhưng lại mang nhiều hậu quả khó lường và bạo lực tình dục được hiểu thế nào? có cần bằng chứng trong điều tra bạo lực tình dục hay dựa trên báo cáo của nạn nhân, nhân chứng?


Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Với những ly do trên, đại biểu Vương Thị Hương cho rằng, cần có thang đo đặc thù, cách khảo sát đặc thù của các cơ quan về giới để nhận diện đúng những hình thức bạo hành gia đình. Bởi nhiều người bị bạo lực gia đình không biết mình bị bạo lực dẫn tới việc không thể hoặc gây khó khăn trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ người bị bạo lực gia đình.

Về khái niệm “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình”. Ở đây cần giải thích rõ những hành vi đó là hành vi của ai? đối tượng gây bạo lực gia đình là ai để người dân dễ nhận biết, dễ phân biệt với các hành vi bạo lực khác. Tại khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng năng gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. Do vậy đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung chủ thể, đối tượng gây bạo lực gia đình vào khái niệm bạo lực gia đình như trong luật Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, cụ thể như sau: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình”.

Về khái niệm “thành viên gia đình”, trong phạm vi áp dụng của dự thảo Luật này ko quy định, như vậy khái niệm thành viên gia đình sẽ được hiểu theo khoản 16, điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Tại khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật quy định hành vi bạo lực gia đình được áp dụng đối với các đối tượng: người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng. Theo đại biểu Vương Thị Hương, quy định như vậy là rất phù hợp, dự thảo Luật đã điều chỉnh mở rộng đối tượng gây bạo lực gia đình (ngoài những người là thành viên gia đình như quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình). Bởi trên thực tế, có nhiều trường hợp không phải là vợ chồng khi cùng chung sống dưới 1 mái nhà như việc bạo hành con riêng xảy ra thời gian gần đây rất thương tâm, thâm chí đã có trường hợp trẻ bị bạo hành dẫn tới tử vong, gây bức xúc dư luận. Nếu không quy định hành vi bạo lực gia đình áp dụng với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng chắc chắn sẽ bỏ lọt đối tượng gây bạo lực gia đình.

Hành vi bạo lực gia đình được áp dụng đối với các đối tượng: người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng. Vậy quy định về quyền, nghĩa vụ trong phòng chống bạo lực gia đình; trách nhiệm hòa giải của thành viên gia đình có được áp dụng cho các đối tượng người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng hay không? Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung giải thích từ ngữ về “thành viên gia đình” để áp dụng trong phạm vi của luật này; khái niệm cần làm rõ “các thành viên trong gia đình có bao gồm các thành viên của người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng”. Việc làm này cũng là để tăng cường việc triển khai thực hiện Điều 10 của dự thảo luật quy định về Quyền và trách nhiệm của thành viên gia đình về phòng, chống, bạo lực gia đình cũng như liên quan đến trách nhiệm của các thành viên gia đình trong hòa giải quy định tại khoản 2, điều 21 dự thảo Luật.

Về khái niệm “bạo lực gia đình”, “bạo lực trên cơ sở giới” quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật. Trong Tuyên bố về xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ của Liên hiệp quốc năm 1993, tại Điều 1: Thuật ngữ “bạo lực đối với phụ nữ” thừa nhận yếu tố “đe dọa” cũng có khả năng gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới cuộc sống cũng như làm tổn hại về tinh thần của nạn nhân. Do đó, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm cụm từ “đe dọa” vào khái niệm Bạo lực gia đình và bạo lực gia đình trên cơ sở giới, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình bao gồm cả việc đe dọa việc thực hiện các hành vi này.

Thứ hai: Bạo lực gia đình trên cơ sở giới là hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục dựa trên định kiến về giới bao gồm cả việc đe dọa việc thực hiện các hành vi này”. Tại khoản 2 Điều 17 dự thảo Luật quy định một trong những đối tượng được tư vấn là “Người có nguy cơ bị bạo lực gia đình”. Với quan điểm lấy phòng, ngừa là chính; trong khi đó, ở Việt Nam hầu hết phụ nữ bị chồng bạo hành về thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ (90,4%); chỉ rất ít (4,8%) tìm kiếm sự giúp đỡ từ Công an.

Đại biểu Vương Thị Hương đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung tại Điều 3 giải thích từ ngữ “Người có nguy cơ bị bạo lực gia đình”, nhằm giúp các cá nhân và cơ quan trợ giúp có thể xác định được“những người có nguy cơ bị bạo lực gia đình” để chủ động tiếp cận, tư vấn và hỗ trợ cho việc phòng ngừa bạo lực gia đình được tập trung hơn, chủ động hơn.

Tại khoản 1 Điều 18 quy định: “tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình ở cộng đồng do địa chỉ tin cậy ở cộng đồng hoặc tổ tư vấn gia đình ở cộng đồng dân cư thực hiện”. về địa chỉ tin cậy ở cộng đồng đã được quy định tại điều 42 dự thảo luật; riêng “tổ tư vấn gia đình ở cộng đồng dân cư” chưa được quy định trong dự thảo luật, và hiện nay trong thực tiễn hiện nay đã có tổ tư vấn gia đình ở cộng đồng dân cư hay chưa? Cơ quan nào hướng dẫn? Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nội dung này.

Điều 20 về Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu Vương Thị Hương cho rằng, khi xảy ra hành vi bạo lực gia đình thì gia đình, cơ quan, tổ chức, tổ hòa giải tiến hành hòa giải nhưng trường hợp người bạo hành không đến thì giải quyết thế nào? Trong thực tế đã có không ít vụ việc hòa giải gần như không đạt được kết quả khi chỉ có duy nhất nạn nhân – người bị bạo lực gia đình một mình trình bày, một mình nói nguyện vọng, còn đối tượng chính là người có hành vi bạo lực gia đình lại không có mặt. Có cần có biện pháp nào để cưỡng chế hay không? Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các điều kiện đảm bảo cho công tác hòa giải.

Về nguyên tắc hòa giải: Với định kiến về giới, không ít gia đình khi tổ chức hòa giải thường hòa giải theo hướng khuyên nhủ người bị bạo lực gia đình (thường là phụ nữ bị yếu thế) phải nhẫn nhịn, bỏ qua, dễ dẫn tới việc người phụ nữ bị bạo hành kép và việc hòa giải nhiều lần, kéo dài thường sẽ gây ra chậm trễ trong giải quyết vụ việc và làm tăng nguy cơ, nguy hiểm cho người phụ nữ và con cái của họ. Do vậy, để đảm bảo quyền tự chủ cá hân, tự quyết định của người bị bạo lực gia đình đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc trong hòa giải phải đảm bảo: Người bị bạo lực phải được thông báo đầy đủ về quy trình và chấp thuận/đồng ý hòa giải; Không hòa giải quá 2 lần đối với các trường hợp: Người gây bạo lực tái phạm hành vi bạo lực; Người gây bạo lực đã vi phạm thỏa thuận hòa giải trước đây.

Về việc góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư quy định tại điều 23 dự thảo Luật: Thực tế cho thấy, đa số người có hành vi bạo lực gia đình sẽ từ chối, trốn tránh cuộc họp phê bình, góp ý; dự thảo luật chưa có quy định trong trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình vắng mặt thì xử lý thế nào? Có thực hiện góp ý phê bình khi vắng mặt không? Nếu người có hành vi bạo lực gia đình vẫn không có mặt, không tổ chức góp ý, phê bình thì hậu quả thế nào? Đại biểu Vương Thị Hương đề nghị nên bổ sung quy định trong trường hợp người có hành vi bạo lực cố tình vắng mặt.

Điều 49 về Đào tạo, bồi dưỡng người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, tại khoản Khoản 2, Điều 49, đề nghị mở rộng thêm đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng tập huấn kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình là “Chi hội trưởng phụ nữ ở thôn, bản, tổ dân phố”. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm tổ chức tập huấn của cơ quan, tổ chức, thời gian đào tạo, tập huấn để việc đào tạo, bồi dưỡng được tổ chức định kỳ hàng năm góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình./.

Bích Lan

Các bài viết khác