Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang- Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng
Theo Báo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 9 và tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan hữu quan theo quy định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 9 và tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan hữu quan theo quy định. Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) có tính chuyên môn sâu, phức tạp, do đó, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. So với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã bổ sung nhiều nội dung mới, đáp ứng các mục tiêu đề ra.
Góp ý về nội dung liên quan đến cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Điều 13 của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án quy định yêu cầu kịch bản phim bằng tiếng Việt (đầy đủ) bởi đại biểu cho rằng, kịch bản phim là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng thẩm định phim của các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng bối cảnh tại Việt Nam.
Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu để nghị bổ sung thêm vào dự thảo luật quy định về việc đánh giá chất lượng, hiệu quả đối với cơ quan được giao đặt hàng và phổ biến phim để đánh giá tính hiệu quả mang lại đối với những dự án phim sử dụng ngân sách nhà nước, tránh trường hợp sử dụng ngân sách nhà nước nhưng không mang lại hiệu quả cao.
Liên quan tới nội dung phổ biến phim trên không gian mạng, dự thảo luật đã chỉnh lý, chọn quy định hậu kiểm đối với hình thức phổ biến phim này. Đồng thời, bổ sung một số nội dung quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, phổ biến phim, gỡ bỏ phim vi phạm, biện pháp quản lý phim, phổ biến phim trên mạng để tạo cơ sở cho công tác hậu kiểm.
Đại biểu Tô Ái Vang nhấn mạnh, đối với một xã hội số, một không gian mạng mênh mông, không biên giới như hiện nay, quy định tiền kiểm là bất khả thi và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Đại biểu bày tỏ đồng tình với quy định hậu kiểm đối với hình thức phổ biến phim trên không gian mạng.
Tuy nhiên để đảm bảo chặt chẽ, đại biểu đề nghị chỉnh lý khoản 5 Điều 21 theo hướng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện kiểm tra nội dung phim, việc phân loại hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định pháp luật./.