Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh
Phát biểu ý kiến thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cơ bản nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra, hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, một số nội dung trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra năm 2010, Báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo Luật cần được cơ quan trình tiếp tục làm rõ, giải trình, cung cấp thêm thông tin trong quá trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật.
Về thanh tra theo cấp hành chính, đại biểu cho rằng cần thiết phải duy trì thanh tra cấp huyện. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, thanh tra cấp huyện chưa giải quyết được nhiều vụ việc, tuy nhiên, nhu cầu thanh tra cấp huyện khá lớn, chức năng, nhiệm vụ của thanh tra cấp huyện là rất quan trọng, bởi đây là cấp cơ sở, là cấp thực hiện ban đầu về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nếu xử lý tốt những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở thì sẽ giảm áp lực cho thanh tra cấp thành phố hay Trung ương. Do đó, đại biểu bày tỏ đồng tình với dự thảo Luật trong nội dung duy trì thanh tra theo cấp hành chính.
Về thanh tra sở, đại biểu bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật, theo đó việc thành lập thanh tra sở giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào nhu cầu thực tiễn ở địa phương và biên chế của địa phương để quyết định. Nhấn mạnh đây là một đơn vị rất cần thiết đối với Thành phố Chí Minh, đại biểu nêu dẫn chứng về thanh tra của Sở Tư pháp Tp.Hồ Chí Minh. Theo đó, thanh tra sở có 2 chức năng gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Thanh tra hành chính khối lượng việc không nhiều, thực hiện những nhiệm vụ, yêu cầu theo chỉ đạo của Giám đốc Sở. Tuy nhiên, thanh tra chuyên ngành đối với một địa bàn lớn như Thành phố Hồ Chí Minh lại rất cần thiết và là một công việc rất nặng. Đại biểu cho biết, với ngành tư pháp, lĩnh vực bổ trợ là lĩnh vực cần phải thanh tra chuyên ngành. Có 8 lĩnh vực bổ trợ, trong đó riêng mảng luật sư có hơn 1.000 tổ chức hành nghề luật sư, có hơn 100 tổ chức hành nghề công chứng và gần 100 tổ chức hành nghề đấu giá, có những tổ chức khác về trọng tài thương mại, về thừa phát lại. Do vậy, khối lượng công việc thanh tra rất lớn. Trong khi đó, Sở Tư pháp có khoảng 8 biên chế, trong đó có 5 thanh tra viên, kể cả phó chánh thanh tra, nên làm không xuể. Trong thời gian qua, khi thực hiện Nghị quyết 54 về chính sách đặc thù đối với Tp.Hồ Chí Minh thì Ủy ban nhân dân Thành phố đã thống nhất với đề xuất của Sở Tư pháp ủy quyền công tác kiểm tra đối với các tổ chức hành nghề luật sư cho các quận, huyện và khi có dấu hiệu vi phạm thì chuyển hồ sơ về thanh tra sở để xử lý vi phạm hành chính. Đây là một trong những giải pháp mà Sở Tư pháp và Tp. Hồ Chí Minh đã làm để góp phần giảm áp lực đối với thanh tra sở và tạo điều kiện cho các quận, huyện sâu sát hơn đối với các tổ chức bổ trợ trên địa bàn quản lý.
Đối với vấn đề trình tự, thủ tục, đại biểu nêu rõ, trong bố cục hiện nay của dự án Luật Thanh tra không phân biệt về trình tự, thủ tục giữa thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành. Theo đại biểu, bên cạnh trình tự, thủ tục chung phải có trình tự, thủ tục riêng về thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, làm nổi bật sự phân biệt giữa hai hình thức thanh tra. Để đảm bảo nội dung quy định trong dự thảo Luật được rõ ràng và thuận lợi trong việc áp dụng, đại biểu đề nghị bên cạnh một chương về trình tự, thủ tục chung của 2 hình thức thanh tra này, cần có những điều khoản quy định cụ thể về trình tự, thủ tục của thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, về tổ chức bộ máy của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tổng cục, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện, Thanh tra sở hiện nay trong dự thảo Luật có cách viết không thống nhất, có lúc viết là "tổ chức bộ máy gồm có chánh thanh tra, phó chánh thanh tra, thanh tra viên", nhưng có lúc ghi là "chánh thanh tra, phó chánh thanh tra, thanh tra viên và công chức khác". Thanh tra của tổng cục chỉ có chánh thanh tra, phó chánh thanh tra và thanh tra viên, trong khi thanh tra tỉnh thì có chánh thanh tra, phó chánh thanh tra, thanh tra viên và công chức khác. Bên cạnh đó, trong tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm thanh tra viên cho phép những trường hợp có 2 năm làm công tác thanh tra thì được bổ nhiệm thanh tra viên, chứng tỏ rằng trong bộ máy tổ chức của thanh tra có những công chức khác mà chưa phải là thanh tra viên. Cho biết thực tiễn các cơ quan thanh tra hiện nay đều có những công chức khác, đại biểu đề nghị rà soát lại quy định để đảm bảo tính thống nhất trong xây dựng pháp luật.
Về điều kiện miễn nhiệm thanh tra viên, dự thảo Luật quy định một trong những điều kiện dẫn tới miễn nhiệm thanh tra viên là không hoàn thành nhiệm vụ ở ngạch bổ nhiệm. Ngạch thanh tra viên không quy định thời hạn, nên việc coi là không hoàn thành nhiệm vụ được xét đoán là 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ hay 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ? Đại biểu đề nghị cần làm rõ nội dung này để thống nhất trong việc áp dụng luật khi có hiệu lực thi hành. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị rà soát toàn bộ dự án Luật để thống nhất về cách tính thời gian theo ngày làm việc ghi trong dự án Luật./.