ĐBQH NGUYỄN VĂN AN: CẦN TIẾP TỤC CỤ THỂ HÓA CÁC CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC VỀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

26/05/2022

Cho ý kiến tại phiên thảo luận Tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn An- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật; đồng thời đề nghị cần tiếp tục cụ thể hóa các chính sách của nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh nhằm đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 

Đại biểu Nguyễn Văn An- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho ý kiến

Cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn An- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với các lý do nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Theo đại biểu, việc sửa đổi Luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần đổi mới phương thức quản lý khám bệnh, chữa bệnh, giải quyết các vấn đề về khám chữa bệnh (KCB) trong tình hình mới, chủ động kiểm soát, điều trị các loại bệnh do dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, qua Báo cáo kết quả rà soát các Luật, Điều ước quốc tế có liên quan đến dự thảo Luật, có nhiều nội dung liên quan đến các luật khác như Luật Bảo hiểm y tế; Luật Lao động; Luật Giáo dục đại học; Luật Giá; Luật Đấu thầu; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Việc làm; Luật Viên chức; Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ môi trường. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát dự thảo Luật đảm bảo thống nhất với các luật có liên quan.

Đi vào một số nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn An nêu rõ, về nguyên tắc trong hành nghề KCB, đại biểu cơ bản nhất trí nguyên tắc quy định trong Điều 3 dự thảo Luật, tuy nhiên đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm nguyên tắc “Sử dụng liên thông kết quả xét nghiệm, kết quả chẩn đoán hình ảnh, kết quả siêu âm”; bổ sung thêm đối tượng “những nạn nhân bị bạo lực gia đình” vào cuối khoản 4 Điều 3 dự thảo Luật. Đồng thời, cần báo cáo tình hình sử dụng liên thông kết quả xét nghiệm, kết quả chẩn đoán hình ảnh, kết quả siêu âm; hệ thống thông tin quản lý hoạt động KCB giữa các cơ sở KCB với nhau.

Về chính sách của nhà nước về KCB, đại biểu cho rằng cần nghiên cứu cụ thể hóa nội dung chính sách quy định tại khoản 5 Điều 4 dự thảo Luật “Khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong khám bệnh, chữa bệnh” thể hiện thành một điều trong chương IV (Cơ sở Khám bệnh, chữa bệnh) vì nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng của bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc người bệnh; nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới để đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực y tế.

Về Hội đồng Y khoa quốc gia, đại biểu cho rằng, Hội đồng Y khoa Quốc gia quy định như dự thảo Luật là nhằm thể chế hóa quan điểm Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW là “Thành lập hội đồng y khoa quốc gia, tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp thông lệ quốc tế. Thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề.”. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần làm rõ một số vấn đề đối với Hội đồng Y khoa như sau: Hiện nay, các luật hiện hành đều quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề nên việc giao nhiệm vụ cho Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện nhiệm vụ này cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng. Đồng thời, cần làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia để bảo đảm minh bạch, hiệu quả trong công tác xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp cho các chức danh hành nghề KCB.

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề xử lý chất thải y tế, đại biểu chỉ rõ, tại Điều 62 Luật Bảo vệ môi trường đã quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế và kiểm soát tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người, trong đó có nội dung quy định liên quan đến chất thải y tế, gồm: Bệnh viện, cơ sở y tế khác phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, trong đó có phân loại chất thải rắn tại nguồn; thực hiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường …Đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc vận chuyển, xử lý chất thải y tế; quy định chi tiết việc phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.

Trên cơ sở phân tích, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, chỉnh sửa Điều 64 của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để bảo đảm tính thống nhất với Luật Bảo vệ môi trường, theo hướng dẫn chiếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện việc phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức