ĐBQH NGÔ SÁCH THỰC: CÁC ĐỊA PHƯƠNG CẦN BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TỶ LỆ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

06/04/2022

Theo ĐBQH Ngô Sách Thực – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các địa phương cần báo cáo đánh giá tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo, cụ thể gồm các số liệu về số vụ, tỷ lệ vi phạm thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.

Đại biểu Ngô Sách Thực – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đánh giá công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ĐBQH Ngô Sách Thực – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, cơ bản các báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bám sát đề cương theo yêu cầu của Đoàn giám sát, báo cáo có các bảng, biểu, phụ lục kèm theo. Tuy nhiên, một số báo cáo còn mang tính định tính, thiếu định lượng, chưa có nội dung đánh giá tỷ lệ, so sánh.

Về công tác tiếp công dân, đại biểu Ngô Sách Thực cho rằng, Chủ tịch UBND các cấp ở các địa phương cơ bản đã chấp hành những quy định về tiếp công dân, đã thành lập Ban Tiếp công dân ở cấp tỉnh, cấp huyện gồm các chuyên viên của văn phòng UBND, thanh tra, tư pháp… đúng theo quy định bảo đảm về số lượng và chất lượng do Phó Chánh văn phòng UBND làm trưởng Ban, thành lập Trụ sở tiếp công dân ở cấp tỉnh, cấp huyện bảo đảm các tiêu chí, điều kiện theo quy định của Luật Tiếp công dân, Nội quy và lịch tiếp công dân được niêm yết công khai tại trụ sở tiếp công dân và các phương tiện thông tin đại chúng.

Ở cấp xã, hầu hết chưa có trụ sở tiếp công dân riêng biệt và cán bộ tiếp công dân chuyên trách; Chủ tịch UBND ở cấp xã phân công mỗi đơn vị 01 công chức xã làm Tư pháp, Địa chính hoặc Văn phòng kiêm nhiệm việc tiếp công dân và tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân theo quy định, việc tiếp công dân được thực hiện tại phòng làm việc của công chức được phân công kiêm nhiệm tiếp công dân.

Bên cạnh đó, đại biểu nêu rõ, về cơ bản Chủ tịch UBND các cấp đều xây dựng kế hoạch, lịch và đã tổ chức tiếp công dân định kỳ theo quy định, tuy nhiên hầu hết không bảo đảm số ngày tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp Công dân. Số ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND các cấp tính trung bình trên địa bàn toàn quốc không đạt theo yêu cầu, Nhiều địa phương Chủ tịch UBND các cấp còn ủy quyền cho Phó chủ tịch, tỷ lệ ủy quyền cao, có địa phương còn ủy quyền cho các Chánh Thanh tra, Trưởng Ban Tiếp công dân...tiếp thay. Tại một số địa phương, Chủ tịch UBND các cấp chủ động tổ chức tiếp dân đột xuất, đoàn đông người để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương; Sau các buổi tiếp dân định kỳ hàng tháng Chủ tịch UBND các cấp đều ban hành văn bản chỉ đạo giải quyết vụ việc theo nguyện vọng của người dân.

Đại biểu cho biết, nội dung tiếp công dân của chủ tịch UBND các cấp chủ yếu liên quan đến công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khiếu nại, phản ánh liên quan đến chế độ chính sách; trình báo, phản ánh tình hình an ninh trật tự; đề nghị thực hiện các quyết định đã có hiệu lực pháp luật...Theo báo cáo của các địa phương cho thấy, qua tiếp công dân, Chủ tịch UBND các cấp đã tiếp thu và ghi nhận những ý kiến kiến nghị, phản ánh của công dân để xem xét giải quyết, trả lời những đề xuất, kiến nghị thuộc thẩm quyền hoặc hướng dẫn công dân đến cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Về công tác giải quyết khiếu nại, đại biểu Ngô Sách Thực nêu rõ, khiếu nại thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND các cấp chủ yếu phát sinh và giải quyết khiếu nại lần đầu tại cấp huyện, khiếu nại lần hai chủ yếu ở cấp tỉnh, tỉnh hình khiếu nại liên quan đến đất đai, thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư chiếm tỷ lệ tương đối cao. Chủ tịch UBND các cấp đã tập trung giải quyết khiếu nại, tuy nhiên tỷ lệ giải quyết chưa được như mong muốn, trong quá trình giải quyết khiếu nại còn tình trạng không ban hành thông báo thụ lý hoặc ban hành thông bảo thụ lý chậm hơn 10 ngày theo quy định, còn nhiều vụ giải quyết quá thời hạn quy định, thậm chí quá hạn trên 6 tháng đến trên 1 năm.

Cơ bản các vụ khiếu nại lần hai đã tổ chức đổi thoại giữa người giải quyết khiếu nại với người khiếu nại trong quá trình giải quyết, các vụ khiếu nại giải quyết đều được ban hành quyết định giải quyết hoặc thông báo đình chỉ giai quyết do người khiểu mại rút khiếu nại, tuy nhiên vẫn còn một số vụ phức tạp, kéo dài mặc dù đã được giải quyết. Đại biểu cũng cho biết nhiều địa phương không báo cáo đánh giá tỷ lệ giải quyết khiếu nại và số vụ, tỷ lệ vi phạm thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại.

Đối với công tác giải quyết tố cáo, theo báo cáo của các địa phương số vụ tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND các cấp trong kỳ báo cáo có chiều hướng tăng với cùng kỳ. Chủ tịch UBND các cấp đã tập trung chỉ đạo giải quyết tố cáo theo quy định; trong quá trình giải quyết có một số vụ phức tạp cho nên vẫn còn nhiều vụ giải quyết quá thời hạn quy định, Cơ bản nội dung các vụ tố cáo đã được ban hành kết luận rõ ràng, một số kết luận đã được thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên trong báo cáo của các tỉnh chưa tách số vụ tố cáo hành vi vi phạm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khi thi hành công vụ do vậy không đánh giá được việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo.

Ngoài ra, đại biểu cũng chỉ rõ, nhiều địa phương không báo cáo đánh giá tỷ lệ giai quyết tố cáo, việc áp dụng quy định của Luật Tố cáo về gia hạn thời hạn giải quyết và số vụ, tỷ lệ vi phạm thời hạn giai quyết tố cáo theo quy định của Luật; nhiều địa phương không báo cáo về số lượng cán bộ, công chức, viên chức bị tổ cáo và bị xử lý kỷ luật sau kết luận tố cáo./.

Hồ Hương