Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn- Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội phát biểu
Bày tỏ quan điểm về dự thảo Luật này, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn- Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội nhận định Luật Thi đua khen thưởng trước đây tuy đã có quy định đối với người lao động trực tiếp: công nhân, nông dân nhưng đối tượng thì chưa đầy đủ, việc quy định chưa cụ thể, tiêu chuẩn chung chung, định lượng thấp. Vì vậy tỷ lệ khen thưởng cho người lao động trực tiếp còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra. Nó dẫn đến tình trạng “đường sữa phát từ trên phát xuống, cày cuốc thì phát từ dưới phát lên”.
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn- Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, dự thảo Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này đã quan tâm nhiều hơn đến đối tượng lao động trực tiếp đã tiếp; tục thể chế hóa kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng theo tinh thần Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Đại biểu cho rằng, các quy định mới về thi đua khen thưởng với người lao động trực tiếp sẽ đi vào thực tiễn cuộc sống, thực chất hơn, qua đó động viên, khích lệ tinh thần, vật chất với cá nhân có thành tích xuất sắc, tạo động lực để cá nhân cống hiến nhiều hơn nữa, mang lại nhiều giá trị phát triển cho kinh tế, xã hội đất nước.
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, người lao động trực tiếp là lực lượng đông đảo trong xã hội là những người trực tiếp tham gia tạo ra của cải, vật chất cho xã hội.Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói về ý nghĩa của việc thi đua khen thưởng đối với người lao động trực tiếp: “Lực lượng của phong trào thi đua yêu nước là toàn thể nhân dân, mỗi người dân Việt Nam bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”.
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng, làm tốt công tác khen thưởng với người lao động trực tiếp sẽ tạo ra sự lan tỏa trong xã hội, thúc đẩy các phong trào yêu nước ngày càng phát triển, tạo động lực cho sự phát triển chung trong cả nước.