ĐBQH Dương Minh Ánh, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Đồng tình với nhiều nội dung tại dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đại biểu Dương Minh Ánh cho rằng, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Với nhiều nội dung mới được bổ sung, đến nay, nhìn chung dự thảo Luật đã đáp ứng các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới đây, đại biểu Dương Minh Anh bày tỏ quan tâm, góp ý trực tiếp đối với 03 nhóm vấn đề:
Một là, về thẩm quyền cấp giấy phép phân loại phim, quy định (Điều 27): Tại điểm a khoản 1 quy định "giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép phân loại phim đối với phim Việt Nam do cơ sở điện ảnh của trung ương sản xuất". Tại điểm a khoản 2 quy định "giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép phân loại phim đối với phim Việt Nam do cơ sở điện ảnh của địa phương sản xuất".
Theo đại biểu, quy định này đặt ra nhiều vấn đề cần phải cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng bởi điện ảnh là một ngành văn hóa nghệ thuật mang tính đại chúng lớn, là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp, kết hợp rất nhiều loại hình nghệ thuật, các tác phẩm điện ảnh có khả năng phổ cập có tác động sâu, rộng đến tinh thần và đời sống văn hóa của công chúng nhanh, mạnh hơn so với một số loại hình nghệ thuật khác. Do vậy, việc tập trung công tác thẩm định và phân loại phim bảo đảm các yêu cầu về chuyên môn, chính trị, quốc phòng, an ninh là hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, nếu giao về các địa phương cấp giấy phép phân loại phim trên thực tế sẽ gặp khó khăn do thiếu nguồn lực, bởi một số phòng chức năng của Sở Văn hóa, Thể thao phải đảm nhận thẩm định rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật, như biểu diễn, sân khấu, thời trang, điện ảnh, nhiếp ảnh, v.v.. Do vậy, việc giao cho địa phương để thành lập các hội đồng chuyên môn thẩm định để cấp giấy phép phim cho Việt Nam sẽ làm tăng thêm áp lực cho địa phương. Chưa kể đến địa phương vùng sâu, vùng xa và ở đây nguồn nhân lực về văn hóa, lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh còn rất hạn chế. Theo phân cấp quản lý thì việc ra quyết định cấp phép của một tỉnh chỉ có giá trị trong tỉnh đó và không áp dụng cho các tỉnh khác. Như vậy, doanh nghiệp muốn phổ cập phim đến tỉnh nào thì phải cấp phép ở tỉnh đó, thay vì chỉ xin cấp phép một nơi có thể trình chiếu được tất cả ở các tỉnh, thành.
“Điều này chính là thêm vô vàn giấy phép con và gây khó cho doanh nghiệp. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ phương án giao cho cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép phân loại phim đối với phim Việt Nam hoặc nếu nhìn sâu xa hơn khi nền điện ảnh Việt Nam phát triển, số lượng phim nhiều hơn thì cho phép các tổ chức nghề nghiệp về điện ảnh hoặc các doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ được đăng ký thành lập Trung tâm thẩm định các tác phẩm điện ảnh.”, đại biểu Dương Minh Ánh đề xuất.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cần thiết kế thêm nội dung vào dự thảo Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của trung tâm, thành phần của Hội đồng thẩm định để thẩm định các loại phim. Như vậy vừa khuyến khích các thành phần tham gia đầu tư cho điện ảnh, vừa tránh được tình trạng quá tải trong việc thẩm định để cấp phép cho phim trong tương lai.
Hai là, những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh (Điều 9): Tại điểm c, khoản 1, Điều 9 dự thảo Luật quy định tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù, kỳ thị giữa các dân tộc và nhân dân cả nước. Truyền bá tư tưởng phản động, tệ nạn xã hội, phá hoại truyền thống văn hóa, đạo đức xã hội là những nội dung và hành vi nghiêm cấm.
Theo đại biểu, điện ảnh là bộ môn nghệ thuật phản ánh chân thực cuộc sống thông qua ngôn ngữ văn học, hình ảnh, âm thanh, diễn xuất của diễn viên dưới bàn tay tài ba của đạo diễn và Ekip đoàn làm phim. Việc phản ánh tệ nạn xã hội trong điện ảnh nhằm phê phán thói hư, tật xấu của một bộ phận con người trong xã hội đó, đồng thời có tính răn đe, cảnh báo những hậu quả mang lại với mục đích mang tính giáo dục thì không nên đưa vào điều cấm. Do vậy, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ "tệ nạn xã hội" tại điểm c khoản 1 Điều 9.
Ba là, về phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim (Điều 19): Đại biểu đề nghị bổ sung thêm 2 đối tượng cần ưu tiên miễn, giảm giá vé, bao gồm: (1) các Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú; (2) sinh viên học các ngành đạo diễn, quay phim, biên kịch, diễn viên sân khấu, điện ảnh, lý luận, phê bình điện ảnh, ánh sáng, âm thanh, họa sỹ thiết kế và hóa trang.
Lý giải đề xuất này, đại biểu Dương Minh Ánh cho biết, các Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú là đối tượng có nhiều công lao đóng góp lớn cho nền nghệ thuật nước nhà nói chung và cho nền điện ảnh của nước ta nói riêng. Điều này thể hiện chính sách ưu việt của Nhà nước đối với những người làm văn hóa nghệ thuật, sự tôn vinh, nhìn nhận của xã hội đối với những người có công đóng góp cho nền nghệ thuật của nước nhà.
Đại biểu cho biết thêm, đối với một số nước châu Âu, các nghệ sĩ được nhà nước phong tặng danh hiệu sẽ được ưu tiên miễn phí khi tham gia các hoạt động công cộng như vào nhà hát, bảo tàng và một số dịch vụ công cộng khác. Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú của nước ta hiện nay không lớn. Do vậy, dù có miễn, giảm giá vé xem phim trực tiếp tại rạp cũng không ảnh hưởng quá lớn với doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu các ĐBQH nhất trí thông qua chính sách này, các nghệ sĩ sẽ cảm thấy đây là niềm vinh dự to lớn và động viên để họ tiếp tục cống hiến và sáng tạo.
Đối với nhóm đối tượng là sinh viên học các ngành đạo diễn, quay phim, biên kịch, diễn viên sân khấu, điện ảnh, lý luận, phê bình điện ảnh, ánh sáng, âm thanh, họa sỹ thiết kế và hóa trang. Đây là nguồn nhân lực chính cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa sau này, nếu chúng ta có chính sách ưu tiên thì đây cũng là nguồn đầu tư thích đáng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích khả năng tự nghiên cứu và chuyển giao công nghệ điện ảnh, phát huy được khả năng sáng tạo, đồng thời hút được nguồn nhân lực qua đào tạo ở lĩnh vực điện ảnh./.