ĐBQH ĐỖ THỊ LAN: QUY HOẠCH LÂM NGHIỆP CẦN GẮN KẾT GIỮA QUY HOẠCH NGÀNH QUỐC GIA VỚI QUY HOẠCH CỦA TỈNH

03/03/2022

Tại cuộc làm việc của Đoàn Giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” với Bộ NN&PTNT, ĐBQH Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng việc quản lý, sử dụng đất rừng, chuyển đổi mục đích các loại rừng phục vụ các mục tiêu phát triển KT-XH cần gắn kết giữa quy hoạch ngành quốc gia với quy hoạch của tỉnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan phát biểu tại cuộc làm việc

Phát biểu ý kiến về việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch lâm nghiệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan nêu rõ quy hoạch lâm nghiệp là một quy hoạch khó, từ lâu vẫn có bất cập; đồng thời đề nghị báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày rõ ràng và cụ thể hơn về các văn bản chi tiết hướng dẫn cho các địa phương, nhất là liên quan đến việc thực hiện kiểm kê rừng, xác định diện tích rừng, phát triển các loại rừng.

Nhấn mạnh việc kiểm kê là rất cần thiết để thực hiện mục tiêu quy hoạch lâm nghiệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, trong quy hoạch lâm nghiệp, Thủ tướng đã xác định rất rõ phải xác định được các chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể cho định hướng cơ bản phát triển lâm nghiệp năm 2025-2030, định hướng phát triển 03 loại rừng, đảm bảo độ che phủ rừng và phát triển lâm nghiệp ngoài gỗ, phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng trong định hướng nhiệm vụ mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng duyệt, nhiệm vụ quy hoạch là tương đối rõ, nếu thực hiện sẽ khắc phục được khó khăn, đạt được mục tiêu phát triển lâm nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành vẫn còn một số bất cập. Theo báo cáo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham gia vào các nội dung đối với quy hoạch tỉnh, trong đó có việc hướng dẫn thực hiện các biện pháp tiếp cận tích hợp, hướng dẫn ban hành các quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh, hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu… Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan đề nghị Bộ trình bày rõ hơn về việc ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về những nội dung trên. Cụ thể, trong việc kiểm kê các loại rừng, phân loại rừng, xử lý các dữ liệu rừng còn đang bất cập giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên Môi trường, đại biểu đề nghị báo cáo nêu rõ Bộ đã đưa ra các văn bản hướng dẫn cho địa phương và phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường như thế nào để khắc phục và giải quyết vấn đề này.

Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn Giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Về vướng mắc trong quá trình lập quy hoạch tỉnh liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, trong hướng dẫn lập bản đồ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn lập 03 loại bản đồ, gồm bản đồ hiện trạng rừng, bản đồ quy hoạch 03 loại rừng, bản đồ định hướng phát triển hạ tầng lâm nghiệp. Nhận định đây là 03 loại bản đồ rất quan trọng và cụ thể để các địa phương lập quy hoạch, đại biểu đề nghị Bộ làm rõ tác dụng, lợi ích từ các hướng dẫn này đối với các địa phương trong công tác quy hoạch.

Đối với vấn đề đảm bảo mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, đại biểu nhấn mạnh đây là vấn đề rất quan trọng. Theo đại biểu, việc quản lý rừng, sử dụng đất rừng, chuyển đổi mục đích các loại rừng phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội cần gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch ngành quốc gia với quy hoạch của tỉnh, để thực hiện đúng mục tiêu đảm bảo mối quan hệ giữa các quy hoạch như trong quy định của Luật Quy hoạch. Quy hoạch tỉnh phải thể hiện được các nội dung, dự án quốc gia, trong đó có hạ tầng nằm trong các quy hoạch quốc gia, liên vùng. Đại biểu đánh giá cao sự vào cuộc, quan tâm và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với địa phương trong xây dựng quy hoạch tỉnh.

Để đạt được tính khả thi trong triển khai thực hiện quy hoạch, đồng thời đảm bảo tính trật tự, hiệu quả và chất lượng của các loại quy hoạch, tiến tới quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu cho rằng cần tiến hành xây dựng quy hoạch đồng thời song song, để quy hoạch cấp trên và quy hoạch cấp dưới gặp nhau ở điểm giữa. Tinh thần này đang được thể hiện rõ trong quy hoạch lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Bộ bổ sung nội dung làm rõ thêm về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập quy hoạch lâm nghiệp, phân tích rõ nguyên nhân, giải pháp và đề xuất để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng quy hoạch này./.

Minh Hùng