TS. BÙI SỸ LỢI: THEO ĐUỔI ĐẾN CÙNG CÁC KIẾN NGHỊ GIÁM SÁT

22/02/2022

Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên PCN Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ĐBQH khóa XI, XII, XIII, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri là chức năng giám sát của Quốc hội, có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị. Việc theo đuổi đến cùng các kiến nghị giám sát có ý nghĩa quyết định đối với việc bảo đảm quyền uy của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên PCN Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ĐBQH khóa XI, XII, XIII

TS. Bùi Sỹ Lợi cho biết, Hiến pháp năm 2013 đã tạo một bước tiến mới trong việc phân công rõ ràng hơn nhiệm vụ của Quốc hội và Chính phủ, là cơ sở quan trọng cho lập pháp kiểm soát quyền lực của hành pháp. Tuy vậy, sẽ thiếu hiệu quả nếu chỉ dừng ở việc sửa đổi các quy định của pháp luật mà không tính đến việc đổi mới hoạt động giám sát, tăng cường các biện pháp bảo đảm cho hoạt động giám sát hiệu lực, hiệu quả.

Quốc hội, hội đồng nhân dân, các đoàn ĐBQH và hội đồng nhân dân yêu cầu các bộ, ngành, sở tổng hợp báo cáo về tình hình khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; chỉ đạo các cơ quan thực hiện việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri và đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Khi xem xét, nghiên cứu các vụ việc có vấn đề hoặc kiến nghị của cử tri, các cơ quan dân cử có thể tổ chức đoàn giám sát về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại các địa phương và làm việc với một số bộ, ngành về việc giải quyết đơn, thư của công dân gửi tới Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.

Các cơ quan dân cử xây dựng báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp Quốc hội. Báo cáo kết quả, các kết luận giám sát phải cụ thể, đánh giá đúng thực trạng, những kết quả đạt được, chỉ ra những khó khăn cần tháo gỡ, những mặt hạn chế, yếu kém hoặc sai phạm và quy rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị; đề xuất được các kiến nghị rõ nội dung, trách nhiệm tổ chức thực hiện, giải pháp khắc phục, thời hạn, lộ trình giải quyết để yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm liên quan phải triển khai thực hiện tránh chung chung, hình thức và được công khai trên trang thông tin điện tử thích hợp để cung cấp tới các cơ quan báo chí, đơn vị, cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát. Điểm quan trọng trong nội dung giám sát này là công tác theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị của cử tri. Thông qua giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, có thể phát hiện một số văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật để các cơ quan có thẩm quyền quan tâm sửa đổi, bổ sung.

TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần có cơ chế phù hợp và bảo đảm điều kiện cho ĐBQH tiến hành giám sát theo yêu cầu hoặc khảo sát điều tra khi có đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; trách nhiệm của Đoàn ĐBQH phải được quy định rất chặt chẽ trong luật. Hoàn thiện các quy định về cách thức theo dõi, tổng hợp, đánh giá việc thực hiện nghị quyết, kiến nghị sau hoạt động giám sát và chế tài xử lý để bảo đảm tính tuân thủ pháp luật.

Quốc hội xem xét việc thực hiện nghị quyết giám sát và xem xét việc thực hiện kiến nghị sau giám sát. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát thông qua áp dụng nguyên tắc giám sát phải đi đến cùng vấn đề trách nhiệm và giải pháp khắc phục hạn chế, gắn giám sát với chế tài thực hiện là bài học kinh nghiệm quý báu trong hoạt động giám sát. Cần áp dụng mọi biện pháp một cách kiên quyết để thực hiện nguyên tắc này; đồng thời, cần thực hiện hoạt động hậu giám sát một cách sát sao, khoa học , bài bản, có hệ thống và thường xuyên hơn.

TS. Bùi Sỹ Lợi cũng kiến nghị cải cách cách thể hiện nội dung và hình thức của báo cáo giám sát. Áp dụng cách trình bày báo cáo giám sát trước Quốc hội bằng slide hoặc phim ngắn để thuận lợi cho việc theo dõi và nắm bắt nội dung báo cáo; các kiến nghị giám sát trong các báo áo thẩm tra cần được trích lọc nội dung kiến nghị thành văn bản riêng, gửi đến các đối tượng chịu sự giám sát để tổ chức thực hiện.

Khung giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri của cơ quan dân cử được xây dựng theo một quy trình liên tục bao gồm một chuỗi hoạt động gồm bốn khâu: Chuẩn bị giám sát; Tổ chức thực hiện; Tổng kết đánh giá và theo dõi thực hiện kết luận giám sát. Các khâu trong khung này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và có ảnh hưởng chung đến chất lượng, hiệu quả của toàn bộ hoạt động giám sát.

Một vấn đề quan trọng được TS. Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, là việc theo đuổi đến cùng các kiến nghị giám sát. Điều này có ý nghĩa quyết định đối với việc bảo đảm quyền uy của Quốc hội, hội đồng nhân dân. Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, dưới sức ép về mặt thời gian và yêu cầu thực hiện các chức năng khác như lập pháp, xem xét ngân sách, các kiến nghị giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri của các cơ quan của Quốc hội, của hội đồng nhân dân ít được theo đuổi đến cùng. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế để đánh giá việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát. Thực hiện nghiêm các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật; thường xuyên rà soát và tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Từ đó, xử lý những đối tượng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận, kiến nghị của đoàn giám sát. Muốn vậy cần cụ thể hóa các kết luận kiến nghị giám sát đến từng chủ thể, thời gian, tiến độ thực hiện; cần xác định rõ trong kết luận giám sát việc định kỳ báo cáo hoặc báo cáo tổng thể khi thực hiện xong các kết luận, kiến nghị; coi việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc, độ tín nhiệm đối với đối tượng chịu sự giám sát.

Nâng cao năng lực, trách nhiệm giám sát của đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân về giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri để có khả năng nhận định, phân tích, đánh giá đúng đắn về kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri. Khi tiến hành hoạt động giám sát, người đại biểu cần phải  biết phát hiện, nhận biết các vấn đề bất cập trong hoạt động của cơ quan hành chính địa phương và vấn đề có khả năng cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan hành chính địa phương. Điều này đòi hỏi người đại biểu phải thành thạo một số kỹ năng cần thiết như: kỹ năng phân tích, kỹ năng tổng hợp thông tin, kỹ năng điều tra, kỹ năng tranh luận và một số kỹ năng, thủ tục làm việc, đối thoại với các đối tượng liên quan.

Ngoài ra, theo TS. Bùi Sỹ Lợi cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sớm đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giả quyết khiêu nại, tố cáo kịp thời, chính xác; nghiên cứu để thực hiện việc tiếp nhận đơn thư trên cổng thông tin điện tử của Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các cấp.

Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng và nhân dân giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải coi trọng công tác dân vận, tuyên truyền, vận động với phương châm: “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, phát huy vai trò của luật sự, trợ giúp pháp lý để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và hiểu biết pháp luật của người dân.

Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tăng cường công tác hòa giải cơ sở đồng thời nâng cao chất lượng của các tổ họa giải để giải quyết kịp thời đúng quy định của pháp luật đốiv ới đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở, hạn chế đơn khiếu nại vượt cấp.

TS. Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, phải xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mọi khiếu nại, tố cáo phải được xem xét, giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao, đúng pháp luật; lấy kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là tiêu chí đánh giá năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị. Đồng thời, tìm tòi, phát huy cách làm mới, phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Ngoài ra, TS. Bùi Sỹ Lợi cũng kiến nghị cần thực hiện nghiêm việc tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất của người đứng đầu đúng quy định, gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo; Làm tốt công tác theo dõi, dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo và tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm từ cơ sở các vụ việc mới phát sinh, nhất là các vụ liên quan đến đất đai, xây dựng,…không để người dân bức xúc yêu cầu lên cấp trên, không để phát sinh thành điểm nóng;… /.

Vũ Hà

Các bài viết khác