ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: CHUYẾN THĂM HÀN QUỐC CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ - CƠ HỘI MỚI TRONG QUAN HỆ 2 NƯỚC

13/12/2021

Ngày 12/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Đại Hàn Dân Quốc. Theo dõi sự kiện ngoại giao quan trọng này, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội khẳng định chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tạo ra những cơ hội mới mang tính đột phá trong quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Nghị sỹ Hàn Quốc 

Phóng viên: Thưa ông, nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Đại Hàn Dân Quốc Park Byeong Seug, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã thăm chính thức Hàn Quốc từ 12–15/12/2021. Ông có đánh giá như thế nào về ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của chuyến thăm này?

Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Hàn Quốc lần này đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Chúng ta biết rằng, Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên rất nhiều lĩnh vực, đồng thời Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất trong Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc.

Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc không chỉ thể hiện ở phương diện đối tác chiến lược mà còn xuất phát từ tình cảm bạn bè thân thiết, gắn bó với nhau bằng con tim và cùng chung ý chí xây dựng đất nước hùng cường, khẳng định vị trí quốc tế qua việc hợp tác giúp đỡ lẫn nhau. Những con số như Hàn Quốc là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam với hơn 9.100 dự án, tổng số vốn khoảng 72,3 tỷ đôla Mỹ, đứng thứ hai trong kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2020 đạt 65 tỷ đôla Mỹ và viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam; năm 2019, tỉ lệ kết hôn vợ Việt Nam – chồng Hàn Quốc chiếm khoảng 40% hôn nhân quốc tế tại Hàn Quốc, và số lượng cô dâu Việt Nam đạt 44.72 người; có khoảng 225 ngàn người Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc và 170 ngàn người Hàn Quốc ở Việt Nam, minh chứng cho mối quan hệ bền chặt, chiến lược giữa hai quốc gia.

Chính vì thế, những chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo cấp cao hai nước giúp củng cố mối quan hệ chiến lược, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, đúng với tinh thần Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc, thiết thực kỷ niệm 30 năm thiết lập hợp tác quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc (1992-2022). Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại cả hai nước nhưng cuộc gặp song phương, trực tiếp đã chứng minh không có khó khăn gì có thể ngăn cản tình hữu nghị và quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước trong việc xây dựng vun đắp mối quan hệ đặc biệt này.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội 

Phóng viên: Từ thực tiễn cũng như nghiên cứu, ông có đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc, đặc biệt là mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa?

Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Tôi đặc biệt quan tâm đến hợp tác văn hóa giữa hai quốc gia. Đây chính là khởi nguồn, truyền cảm hứng và tạo nên chất lượng hợp tác giữa nhân dân hai nước.

Chúng ta biết rằng, văn hóa nghệ thuật có sức lay động tình cảm và có thể trở thành sức mạnh mềm để thúc đẩy quan hệ giữa hai quốc gia. Việt Nam và Hàn Quốc cùng nhau chia sẻ những giá trị Nho giáo nên có nhiều nét tương đồng. Những bang giao trong lịch sử, đặc biệt là khi các hoàng tử nhà Lý, từ thế kỷ XIII, sang định cư và góp phần vào công cuộc giữ nước của Hàn Quốc, đã giúp cho hai nước dành nhiều tình cảm cho nhau. Gần đây hơn, với sự xuất hiện của làn sóng Hàn Quốc, được thúc đẩy bởi phim ảnh, âm nhạc, thời trang, mỹ phẩm, được hỗ trợ bởi các công ty kinh doanh lớn, và đặc biệt là sự quan tâm ủng hộ của lãnh đạo 2 nước, đã khiến người dân hai nước càng gắn bó với nhau hơn nữa.

Trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, năm 2019, Việt Nam đón hơn 4,3 triệu du khách Hàn Quốc, và ngược lại có hơn 500 ngàn du khách Việt Nam đến du lịch Hàn Quốc. Nhiều ca sỹ, diễn viên Hàn Quốc trở thành thần tượng, định hướng lối sống cho nhiều thanh niên Việt Nam. Các ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc với những biểu tượng của ban nhạc BTS, hay những bộ phim gần đây như Squid Game (Trò chơi con mực), Parasite (Ký sinh trùng) không chỉ là niềm tự hào riêng của Hàn Quốc, mà còn là niềm tự hào và sự ngưỡng mộ cho cả Việt Nam. Huấn luyện viên Park Hang-seo luôn trong trái tim người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Đó là những con số, minh chứng thể hiện sự gắn kết đặc biệt bằng văn hóa giữa người dân 2 nước.

Trong Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói về sức mạnh mềm để góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Hàn Quốc chính là một ví dụ gần gũi, sinh động nhất mà chúng ta có thể học hỏi. Sự trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ giúp cho chúng ta có thêm nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm, đặc biệt là Việt Nam có thể học hỏi từ Hàn Quốc cách khai thác những giá trị văn hóa dân tộc để xây dựng và phát triển đất nước văn minh, hiện đại song vẫn gìn giữ những giá trị hồn cốt của dân tộc. Đó cũng là những điều chúng ta mong muốn khi chúng ta kỳ vọng văn hóa thực sự khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Phóng viên: Ông có kỳ vọng như thế nào vào chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ?

Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Đây là chuyến thăm chính thức Hàn Quốc đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội, đồng thời cũng là chuyến thăm cấp cao đầu tiên tới Hàn Quốc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước sau 2 năm dịch bệnh Covid-19, vì thế, tôi kỳ vọng rằng, bên cạnh việc tiếp tục làm sâu sắc và tạo ra những cơ hội mới, thúc đẩy Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc, hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2022, chúng ta sẽ chia sẻ và học hỏi được thêm những kinh nghiệm xử lý dịch bệnh, phục hồi kinh tế sau đại dịch này. Đây là những vấn đề được cử tri cả nước hết sức quan tâm và cũng là ưu tiên của Quốc hội. Những kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa từ phía Hàn Quốc cũng là một trong những mong mỏi của tôi khi tới đây Quốc hội sẽ thông qua Luật Điện ảnh, cũng như xem xét xây dựng một số luật liên quan đến văn hóa nghệ thuật như Di sản văn hóa, Nghệ thuật biểu diễn, mà yếu tố công nghiệp văn hóa – hay khai thác tiềm năng văn hóa của đất nước để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa – chắc chắn phải trở thành một cách tiếp cận mới trong các văn bản luật này.

Phóng viên: Ông có đánh giá như thế nào về những đổi mới trong hoạt động đối ngoại của người đứng đầu Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV?

Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Cùng với quan điểm đổi mới trong hoạt động Quốc hội, hoạt động đối ngoại của người đứng đầu Quốc hội, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV như chuyến đi châu Âu vừa qua, Hàn Quốc hiện nay và sắp tới là Ấn Độ, thể hiện tiếng nói mạnh mẽ, thuyết phục và uy tín của Việt Nam trong các diễn đàn đa phương như AIPA, APPF, hay trực tiếp tham gia ngoại giao vaccine,... đã thực sự đem lại niềm tin và hy vọng về một Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ, chủ động, tích cực chuẩn bị từ sớm, từ xa, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kiến tạo phát triển đất nước, thể hiện đúng vị trí cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, cũng như trách nhiệm đối với Nhân dân và Đất nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh